Bảo vệ động vật quý hiếm ở Kon Tum dịp Tết

Dù đã nghiêm cấm, một số người vẫn vào rừng sâu thuộc phạm vi Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Sa Thầy, Kon Tum) đặt bẫy và săn bắt động vật quý hiếm, nhất là trong dịp Tết. Vì thế, công tác bảo vệ được tăng cường, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng.

Liên tục tuần tra, kiểm soát

Lãnh đạo Vườn quốc gia Chư Mom Ray (gọi tắt vườn) cho biết, nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên, vườn rộng trên 56.000 ha, ngoài các loại gỗ và dược liệu, vườn đang bảo tồn 1.001 loài động vật. Trong đó, có nhiều động vật nguy cấp, quý hiếm cần phải bảo vệ nghiêm ngặt như bò tót, gấu ngựa, voọc bạc, voọc chà vá chân nâu, voọc chà vá chân đen, voọc chà vá chân xám… Đặc biệt, tại vườn có 6 loài linh trưởng, chiếm 30% tổng số loài thuộc bộ linh trưởng ở Việt Nam.

Các nhân viên của vườn liên tục tuần tra bảo vệ động vật quý hiếm.

Các nhân viên của vườn liên tục tuần tra bảo vệ động vật quý hiếm.

Để bảo vệ số động vật quý hiếm, vườn liên tục tổ chức cho cán bộ, nhân viên đi tuần tra. Đặc biệt trong dịp Tết, công tác bảo vệ rất được chú trọng. Đồng thời, vườn thường xuyên tuyên truyền cho người dân trong khu vực không tham gia săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ…động vật hoang dã, trong đó có động vật quý hiếm. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, ai vi phạm sẽ bị xử lí nghiêm.

Một số nhân viên của vườn cho biết, để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ động vật quý hiếm dịp Tết, họ phải di chuyển trong rừng sâu, địa hình rất phức tạp, nhiều chỗ trơn trượt. Có năm phải đón giao thừa trong rừng nhưng ai cũng giữ vững ý chí phải ngăn chặn triệt để các hành vi xâm hại đến rừng và động vật hoang dã.

Đón Tết trong rừng để bảo vệ động vật

Nhiều năm túc trực trong rừng để bảo vệ động vật quý hiếm, ngày 13/1, ông Lê Văn Nghĩa (40 tuổi, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Bar Gok trực thuộc vườn) chia sẻ, việc đón Tết trong rừng sâu đối với lực lượng bảo vệ rừng và động vật của Vườn là thường xuyên. Tại các chốt bảo vệ, những ngày Tết phải sẵn sàng 100% quân số.

Động vật quý hiếm đang ở vườn.

Động vật quý hiếm đang ở vườn.

"Dịp Tết là lúc người dân hay vào rừng săn bắt, đặt bẫy động vật hoang dã, trong đó có động vật quý hiếm. Bởi vậy, chúng tôi phải thay nhau túc trực cả ngày và đêm tại các chốt trong rừng để bảo vệ động vật. Có lúc đón Tết trong rừng cũng tủi thân nhưng các cán bộ, nhân viên luôn khích lệ nhau làm tốt nhiệm vụ", ông Nghĩa nói.

Nai Cà Tông- động vật quý hiếm đang ở Vườn.

Nai Cà Tông- động vật quý hiếm đang ở Vườn.

Cũng theo ông Nghĩa, nhiều người dân địa phương lợi dụng dịp Tết để vào rừng săn bắt động vật. Thế nên, có năm, đúng lúc giao thừa phát hiện có người mang phương tiện vào rừng săn bắt động vật. Ngay lập tức tất cả cán bộ, nhân viên tại các chốt bảo vệ của Vườn lao vào rừng, tập trung dựng rào chắn, barie. Sau đó, phát thông báo vận động người có ý định săn bắt động vật hoang dã lập tức ra khỏi rừng, nếu không sẽ bị xử lý nghiêm.

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bao-ve-dong-vat-quy-hiem-o-kon-tum-dip-tet-169250114100746255.htm
Zalo