Bảo vệ đàn vật nuôi trước thời tiết rét đậm, rét hại
Những ngày này, miền Bắc đang chịu tác động của những đợt không khí lạnh khiến nền nhiệt độ giảm thấp. Trước tình hình đó, cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cùng bà con chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang tăng cường các biện pháp che chắn, chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại do giá rét gây ra.
Yên Đồng là địa phương có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất của huyện Yên Mô nhưng chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, một số hộ chăn nuôi có tâm lý chủ quan, lơ là, thiếu quan tâm chăm sóc đàn vật nuôi.
Chính vì vậy, để bảo vệ sản xuất, ứng phó với những diễn biến thời tiết khắc nghiệt trong mùa đông năm nay, ngay từ đầu tháng 10, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động thu gom rơm rạ, trồng thêm ngô, cỏ voi... làm thức ăn dự trữ cho đàn trâu, bò.
Bên cạnh đó, kiểm tra, rà soát các hộ có chuồng trại chưa kiên cố vận động bà con tận dụng các vật liệu sẵn có để che chắn, gia cố lại. Trước mỗi đợt rét đậm, xã đều sử dụng phương tiện truyền thanh lưu động thường xuyên phát đi các bản tin cảnh báo, hướng dẫn người dân áp dụng triệt để các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi.
Chăn nuôi 20 con bò, 50 con lợn, những ngày này, chị Vũ Thị Nụ (thôn Giải Cờ, xã Yên Đồng) tất bật với công việc che chắn chuồng trại, chăm sóc đàn vật nuôi. Chị Nụ chia sẻ: Thường ngày nắng ấm, đàn bò được thả ra đồng ăn cỏ nhưng những ngày rét như thế này vật nuôi được nhốt trong chuồng, ngoài cho ăn các loại thức ăn thông thường như rơm, cây chuối, cỏ voi, gia đình tôi còn chuẩn bị thêm cám gạo pha với nước ấm và một chút muối cho bò ăn ngày 2 lần. Đồng thời chuồng trại cũng được dọn dẹp thường xuyên, đảm bảo sạch sẽ, khô ráo, tránh phát sinh dịch bệnh.
Ông Phạm Duy Bình (thôn Hàn Dưới, xã Yên Đồng) cũng luôn chú trọng việc phòng, chống rét, dịch bệnh cho đàn gà với quy mô 3.000 con. Ông Bình cho biết: Nuôi gà, đặc biệt là gà con mới úm thì việc chăm bẵm phải cẩn thận, tỉ mỉ. Đặc biệt, những ngày nhiệt độ xuống thấp, ông phải nhốt gà trong chuồng, thắp đèn hồng ngoại để sưởi ấm và dùng bạt che kín xung quanh.
Theo ông Bình, việc phòng, chống rét cho đàn vật nuôi rất quan trọng. Cần duy trì nhiệt độ chuồng nuôi ổn định, chất độn chuồng phải đảm bảo luôn khô ráo; thức ăn đủ chất dinh dưỡng, cho ăn nhiều bữa trong ngày và uống đủ nước sạch, ấm, đảm bảo gà không bị đói; đồng thời, cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói rét trên đàn gà nên mỗi năm, gia đình ông Bình xuất bán hàng vạn con gà, cho thu nhập khá cao.
Không chỉ ở Yên Đồng, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân cách phòng, chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm nên những năm gần đây, trước mỗi mùa đông hầu hết các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chủ động dự trữ thức ăn, che chắn chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm cẩn thận. Lâu nay, tỉnh ta không ghi nhận các trường hợp đàn vật nuôi bị chết rét. Tuy nhiên, cũng không thể chủ quan vì theo dự báo, do ảnh hưởng của La Nina nên mùa đông năm nay sẽ xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài hơn so với các năm trước.
Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức các đoàn công tác xuống xã, phường, thị trấn kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi bằng các nguồn lực và nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát hoạt động giết mổ. Hằng ngày theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe của vật nuôi để có biện pháp xử lý hiệu quả khi vật nuôi có những biểu hiện bất thường do đói, rét hoặc bệnh dịch.
Về các biện pháp kỹ thuật chống rét cho đàn vật nuôi, kỹ sư Trần Văn Luận, Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến cáo: Để bảo vệ đàn vật nuôi trong thời tiết giá rét, đầu tiên bà con phải chủ động đảm bảo nguồn thức ăn mùa đông cho vật nuôi bởi nếu thiếu thức ăn cộng với rét đậm, rét hại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng, phát triển của chúng. Thức ăn ở đây phải cân đối, đầy đủ các thành phần, ngoài thức ăn thông thường phải bổ sung thêm các khoáng chất, vitamin, axit amin, men tiêu hóa.
Việc thứ hai là bà con phải chuẩn bị các thiết bị chống rét như chuồng trại, đèn sưởi, máy sưởi... Giữ cho nền, chất độn chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ, hạn chế rửa chuồng. Nên sử dụng biện pháp chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học để giữ ấm và phòng bệnh đường hô hấp, tiêu hóa cho đàn vật nuôi. Vật nuôi non phải có ô úm riêng, có bóng điện sưởi đảm bảo nhiệt độ theo từng giai đoạn. Ngoài ra, có thể sử dụng đốt lửa sưởi ấm trong chuồng bằng trấu, mùn cưa, than củi... Tuy nhiên cần đảm bảo an toàn (tránh cho vật nuôi bị bỏng, ngạt khói hoặc gây cháy).
Điều quan trọng nữa là phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng trại bằng thuốc sát trùng, phun thuốc diệt muỗi; theo dõi sức khỏe vật nuôi hàng ngày, nếu vật nuôi có dấu hiệu bệnh phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở để can thiệp kịp thời.