Bảo vệ công lý là sứ mệnh

Luật sư là hiện thân cho người bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, bảo vệ người yếu thế trong xã hội… Nghề luật sư ngoài những yêu cầu về kiến thức và trình độ chuyên môn thì còn phải tuân thủ quy chế đạo đức nghề nghiệp. Ngày 10-10 là Ngày truyền thống luật sư Việt Nam, tôn vinh những người làm nghề cao quý, bảo vệ công lý, công bằng, xây dựng một nền tư pháp mang đậm tính nhân dân như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Chỉ 38 ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ sự cần thiết phải thay thế tổ chức luật sư cũ do Pháp thiết lập từ năm 1864 ở nước ta và sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam, ngày 10-10-1945, Người ký Sắc lệnh số 46/SL quy định cho duy trì các tổ chức đoàn thể luật sư.

Đại diện Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước tặng học bổng cho học sinh nghèo trên địa bàn tỉnh

Đại diện Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước tặng học bổng cho học sinh nghèo trên địa bàn tỉnh

Hơn 1 năm sau, Hiến pháp đầu tiên (1946) của nước ta ra đời, do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo thực hiện, Điều thứ 67 quy định: “Các phiên tòa án đều phải công khai, trừ những trường hợp đặc biệt. Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư”. Như vậy, quyền bào chữa đã chính thức trở thành một nguyên tắc hiến định trong lĩnh vực tư pháp. Đến ngày 14-1-2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 149/QĐ-TTg lấy ngày 10-10 hằng năm là Ngày truyền thống luật sư Việt Nam.

79 năm qua, lực lượng luật sư của Việt Nam không ngừng lớn mạnh về số lượng cũng như tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề, góp phần tích cực trong phát huy quyền dân chủ cơ bản, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ pháp luật, phục vụ tích cực công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta.

Đạo đức là vốn quý nhất của nghề luật sư

Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước thành lập năm 1997, ban đầu chỉ có 6 luật sư tham gia sinh hoạt; đến nay có 100 luật sư thành viên, hoạt động tại 21 tổ chức hành nghề và 8 chi nhánh tổ chức hành nghề. Phạm vi hoạt động chính của các tổ chức hành nghề là Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương…

Phần lớn luật sư trình độ cử nhân luật, có chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn, yêu nghề. Hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư cho tổ chức, cá nhân đã tăng đáng kể về số lượng và nâng cao về chất lượng. Trong quá trình hoạt động, các luật sư đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm ở từng vụ việc, luôn trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, tuân thủ pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Nhiệm kỳ 2018-2023, các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh đã tham gia tranh tụng 13.410 vụ án; trong đó, 4.892 vụ án hình sự, 4.545 vụ án dân sự, 1.797 vụ án kinh doanh thương mại, 2.186 vụ án hành chính. Bào chữa chỉ định theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp trong tỉnh 1.387 vụ án. Hoạt động tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý 6.351 vụ.

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư thuộc đoàn đã tham gia tranh tụng 359 vụ; trong đó, 150 vụ án hình sự, 120 vụ án dân sự, 30 vụ hành chính, 50 vụ bào chữa chỉ định theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp trong tỉnh... Ngoài ra, đoàn còn thực hiện tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý cho 350 vụ việc.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động

Luật sư Lê Văn Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước cho biết, kể từ khi có các nghị quyết: 08/NQ-TW, 49/NQ-TW, 27-NQ/TW của Trung ương và Chương trình hành động số 10/CT-TU của Tỉnh ủy Bình Phước về cải cách tư pháp, hoạt động của luật sư Bình Phước được nâng cao về hiệu quả tranh tụng, bào chữa trước cơ quan tố tụng; các vụ án có luật sư tham gia đều thể hiện tính nghiêm túc, chuyên nghiệp và trách nhiệm đối với khách hàng hoặc khi có trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng trong tỉnh.

Thời gian qua, các luật sư không chỉ tham gia vào hoạt động tố tụng mà còn tham gia xây dựng pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, trợ giúp pháp lý... phần nào đóng góp xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, lành mạnh theo đúng quy định pháp luật, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân cũng như thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Tại Đại hội Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước nhiệm kỳ VII (2023-2028) vào ngày 22-4-2024, ông Lê Tiến Hiếu, Giám đốc Sở Tư pháp đánh giá cao những kết quả đạt được và ghi nhận sự đóng góp của Đoàn Luật sư tỉnh vào sự phát triển nghề luật sư của địa phương và đóng góp trong cải cách tư pháp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Mong muốn trong thời gian tới, đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang và niềm tự hào của nghề, lan tỏa tinh thần đoàn kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, hoạt động hiệu quả để xây dựng đội ngũ luật sư Bình Phước ngày càng lớn mạnh.

Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước tặng quà cho học sinh nghèo

Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước tặng quà cho học sinh nghèo

Luật sư Hoàng Minh Quang, đại diện Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Luật sư Hoàng Minh Quang, đại diện Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Luật sư là người hoạt động khoa học pháp lý ở vị trí người hướng dẫn pháp luật và đạo lý cho người khác, luôn lấy việc bảo vệ công lý, lẽ phải và công bằng xã hội làm mục tiêu cao quý. Luật sư có nghĩa vụ phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề, thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, giữ gìn phẩm chất và uy tín nghề nghiệp; thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa trong hành nghề và lối sống để xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với luật sư và nghề luật sư.

Ngành nghề nào cũng vậy, vấn đề đạo đức luôn là ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt với người hành nghề luật, trong đó có nghề luật sư, yêu cầu về đạo đức càng phải được coi trọng, thậm chí đã được đưa vào bộ quy tắc áp dụng. Đó là yêu cầu khắt khe, nhưng hết sức cần thiết. Điều này không những được quy định cụ thể trong các quy định pháp luật về luật sư mà còn ở chính bản thân người hành nghề phải tự tu dưỡng, học tập, rèn luyện và tư duy trong suốt sự nghiệp của mình. Đạo đức là vốn quý nhất của nghề luật sư.

Luật sư Lê Văn Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước

H.L

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/15/163772/bao-ve-cong-ly-la-su-menh
Zalo