Bảo vệ con trẻ khỏi nạn bạo lực học đường

Tình trạng bạo lực học đường liên tục xảy ra là nỗi bức xúc của xã hội, chưa làm an lòng các bậc phụ huynh và những người quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Bạo lực học đường có thể được hiểu là những hành vi bắt nạt, xâm hại, tấn công của một hoặc một tập thể đến một cá nhân nào đó tại môi trường học tập. Bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân của bạo lực học đường, bất kể gia cảnh, học lực, tính cách... Tuy nhiên, những em học sinh yếu thế, hiền lành, nhút nhát, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi hay có ngoại hình khác biệt… thường dễ trở thành đối tượng bị bắt nạt.

Bảo vệ con trẻ khỏi nạn bạo lực học đường. (Ảnh minh họa)

Bảo vệ con trẻ khỏi nạn bạo lực học đường. (Ảnh minh họa)

Hiện tượng bạo lực của học sinh không phải là mới, song thời gian gần đây sự việc này xảy ra ở một số trường học đã bộc lộ những tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại là lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản như va chạm trong lúc chơi đùa, trên đường đi học, mâu thuẫn nói xấu nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội…

Dù tồn tại dưới hình thức nào thì bạo lực học đường vẫn luôn để lại những hệ lụy khôn lường đối với con trẻ. Mọi người thường nghĩ chỉ có nạn nhân của vấn đề bạo lực học đường mới là người bị tổn thương nặng nề nhất về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng trên thực tế cả người bắt nạt và nạn nhân đều phải gánh hậu quả nặng nề sau sự việc đó. Đối với trẻ bị bắt nạt ngoài tổn thương về thể chất, các em sẽ rơi vào tình trạng hoảng loạn, lo âu, trầm cảm, muốn thu mình lại, giảm hiệu suất học tập, sợ phải đến trường. Khi bạo lực diễn ra lâu dài dưới sự chứng kiến của nhiều người, trẻ không nhận được sự giúp đỡ dần sẽ trở nên tự ti, mất niềm tin vào mọi người xung quanh, thậm chí chọn biện pháp tiêu cực nhất là tự tử. Đối với trẻ bắt nạt bạn bè nếu bị tố cáo có hành vi bắt nạt, trẻ sẽ phải chịu những hình phạt từ phía nhà trường hoặc tệ hơn là chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đã đủ tuổi vị thành niên.

Bạo lực học đường có liên quan đến gia đình, nhà trường và xã hội. Nhưng hơn ai hết, các bậc làm cha mẹ cần quan tâm và có trách nhiệm với con mình đầu tiên. Hãy tạo dựng cho con một môi trường tích cực để ngăn ngừa, phòng tránh bạo lực học đường đồng thời giúp con chữa lành những tổn thương từ vấn nạn này. Có thể thường xuyên chia sẻ với con về việc học tập ở trường, về thầy cô, về bạn bè của con và những vấn đề dù nhỏ mà con cảm thấy vui vẻ hoặc khó chịu ở trường. Hãy dạy cho trẻ hiểu thế nào là bạo lực, bắt nạt, dạy trẻ biết tôn trọng người khác, dạy trẻ nhận thức được các điểm khác biệt so với số đông là chuyện bình thường, tránh việc soi mói, chế giễu người khác; dạy con về giáo dục giới tính; dạy con cách tự vệ. Khi con gặp vấn đề rắc rối, hãy tin tưởng và nghe con chia sẻ. Thường xuyên liên lạc với nhà trường để nắm bắt tình hình học tập, giao tiếp của con ở trường. Đồng thời nhận biết trẻ có xu hướng bạo lực như thể hiện sự ám ảnh về phim bạo lực hay trò chơi bạo lực, bắt nạt hoặc đe dọa người khác, đối xử tàn ác với vật nuôi hoặc động vật khác... để kịp thời uốn nắn, hướng dẫn trẻ hành xử đúng đắn hơn, biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác...

Trẻ em là mầm non, là tương lai của đất nước. Mầm non chỉ có thể phát triển tốt nhất trong môi trường lành mạnh, bình đẳng, đầy tình thương. Và môi trường đó sẽ không có bóng dáng của bạo lực hay bạo lực học đường.

PHẠM NGUYÊN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bao-ve-con-tre-khoi-nan-bao-luc-hoc-duong-126124.html
Zalo