Bảo vệ chứng tích lịch sử tại Nhà trưng bày Hoàng Sa

Du khách tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng) đều ấn tượng bởi một vỏ tàu cá đồ sộ nằm bên phải mặt tiền Nhà trưng bày, ngay ngắn hướng ra con đường Hoàng Sa lộng gió.

Không chỉ là một vỏ tàu cá thông thường, đây là vỏ của một con tàu Việt Nam đã bị tàu vỏ sắt của Trung Quốc đâm chìm một cách phi pháp.

Hiện nay vỏ tàu được thành phố Đà Nẵng giữ lại như một chứng tích lịch sử quan trọng, một tư liệu lịch sử quý giá nhằm hun đúc tinh thần yêu nước cho thế hệ tuổi trẻ, bằng mọi giá phải giữ vững biển đảo, bảo vệ quê hương, tổ quốc trước mọi hành động xâm lược.

Vỏ tàu cá ĐNa 90152 TS là tàu vỏ gỗ thuộc sở hữu của bà Huỳnh Thị Như Hoa, phường Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Công suất máy của tàu 450.0 CV, sức chở tối đa của tàu 17,66 tấn. Cấu tạo chung của loại tàu đánh cá này gồm: Đà chính (ky tàu), sống mũi (xỏ), khung sườn, vỏ tàu, sàn tàu (xa quạ), cabin, hầm bảo quản, hệ thống lái, sống đuôi…

Ngày 26 tháng 5 năm 2014, trong khi đang khai thác hải sản trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, tàu cá ĐNa 90152 TS đã bị tàu vỏ sắt của Trung Quốc đâm chìm.

Vỏ tàu cá ĐNa 90152 TS được gìn giữ và bảo vệ là một chứng tích lịch sử quan trọng về ý chí bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo Việt Nam

Vỏ tàu cá ĐNa 90152 TS được gìn giữ và bảo vệ là một chứng tích lịch sử quan trọng về ý chí bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo Việt Nam

Sự việc này xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Đến ngày 30 tháng 5 năm 2014, tàu cá ĐNa 90152 TS đã được tàu vận tải VT 57 lai dắt về cảng Đà Nẵng.

Nhận thức được ý nghĩa lịch sử to lớn của con tàu, bà Huỳnh Thị Như Hoa đã quyết định giữ nguyên hiện trạng và hiến tặng tàu cá ĐNa 90152 TS cho thành phố Đà Nẵng. Mong muốn của bà là thành phố sẽ tổ chức bảo quản và trưng bày hiện vật vỏ tàu này như một bằng chứng không thể chối cãi tố cáo hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Vào tháng 4 năm 2019, hiện vật vỏ tàu cá ĐNa 90152 TS được đưa về trưng bày tại khuôn viên bên ngoài Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Vào ngày 27 tháng 10 năm 2021, đặc khu Hoàng Sa đã giao Nhà trưng bày Hoàng Sa nhiệm vụ bảo vệ, quản lý và sử dụng hiện vật vỏ tàu cá ĐNa 90152 TS. Mục tiêu là phục vụ công tác trưng bày và giáo dục tinh thần yêu nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo cho các thế hệ người dân.

Ông Lê Tiến Công - Giám đốc Nhà Trưng bày Hoàng Sa cho biết: “Thời gian từ năm 2014 đến năm 2019, con tàu này được để ở trong Âu thuyền Thọ Quang, trước đó khi bà Huỳnh Thị Như Hoa mua lại, con tàu truyền thống bằng gỗ này đã có tuổi đời hàng chục năm, nên khi đưa về trưng bày ngoài trời không có mái che khiến hiện vật phải chịu tác động trực tiếp và liên tục từ các yếu tố tự nhiên khắc nghiệt. Nhà Trưng bày Hoàng Sa cũng gặp khó khăn nhất định trong bảo tồn quản lý, trong đó có thách thức về bảo tồn nguyên vẹn hiện vật”.

Đây là một trong những vỏ tàu cá có kích thước đồ sộ nhất tại Đà Nẵng

Đây là một trong những vỏ tàu cá có kích thước đồ sộ nhất tại Đà Nẵng

Sau khi được thành phố giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý và sử dụng hiện vật vỏ tàu cá ĐNa 90152 TS, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã chủ động triển khai công tác bảo quản và tu sửa hiện vật định kỳ, thường xuyên vệ sinh và xử lý mối mọt trên toàn bộ hiện vật.

Đối với các thiết bị và bu lông bị rỉ sét trên thân tàu, đơn vị đã tiến hành sơn chống rỉ. Tuy nhiên, do tàu cá đã cũ và được trưng bày ngoài trời, trưng bày cố định và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ gió biển, bão nên tốc độ ăn mòn và rỉ sét diễn ra rất nhanh, đòi hỏi các biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn, cần có giải pháp bảo quản lâu dài hơn để tránh hư hỏng thêm cho hiện vật.

Năm 2022, thực hiện trùng tu và phục chế, Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã tiến hành tháo dỡ các khung nắp hầm bị hư hỏng, vệ sinh sạch sẽ khu vực cần thay thế, lắp đặt các khung nắp mới đã được gia công; tháo dỡ và cắt bỏ các đà, sườn, ván boong, ván be bị mục nát hoặc hư hỏng theo hướng dẫn và đánh dấu của kỹ thuật viên; tiến hành lắp đặt các chi tiết mới vào khung và vỏ tàu, đảm bảo đúng vị trí, hình dáng và kích thước của các chi tiết được thay thế; phòng chống mối và côn trùng.

Năm 2023, 2024, công tác vệ sinh định kỳ và phun thuốc phòng chống mối đã được thực hiện nhằm ngăn chặn tình trạng mối và các loại côn trùng khác gây ảnh hưởng đến kết cấu của hiện vật, thực hiện gia cố nắp hầm, tu sửa các khu vực phía mũi và đuôi tàu, tiến hành gia cố trụ cẩu cho hiện vật, tăng cường sự ổn định của cấu trúc.

“Vì đặt ở ngoài trời, chịu tác động của thời tiết, mưa bão nên hàng năm vỏ tàu phải được sơn lại. Chúng tôi cũng tính toán đến những khả năng bị xâm hại ngoài yếu tố tự nhiên, đây là hiện vật lịch sử đặc biệt bằng gỗ nên không loại trừ những nguy cơ, tác động từ nhiều phía. Đơn vị đã làm việc với cơ quan an ninh, trang bị hệ thống camera giám sát, cử người canh gác và nhắc nhở nếu có trường hợp nguy cơ từ phía con người. Công tác sửa sang tu bổ được thực hiện bởi những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong việc xử lý tàu thuyền, và phải đảm bảo nguyên tác của bảo tồn hiện vật.

Hiện vật vỏ tàu cá ĐNa 90152 TS đã được bảo quản định kỳ hàng năm. Tuy nhiên, đây là một hiện vật đặc biệt, được trưng bày cố định và không còn phục vụ mục đích đánh bắt. Vì vậy, việc xây dựng và triển khai một phương án bảo quản tổng thể, chuyên sâu là vô cùng cần thiết và cấp bách nhằm bảo vệ và gìn giữ lâu dài hiện vật lịch sử quý giá này”, ông Lê Tiến Công chia sẻ.

NGỌC HÀ

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/bao-ve-chung-tich-lich-su-tai-nha-trung-bay-hoang-sa-152956.html
Zalo