Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh

Lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) là thành phần trong Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập ngày 3/3/1959.

Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, tận tụy với Nhân dân, mưu trí, dũng cảm, vượt mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Ngày 19/11/1958, để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra Nghị quyết số 58/NQ-TW “Về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng,” sau này là lực lượng Công an Nhân dân vũ trang (CANDVT). Đây là nghị quyết đặc biệt, đầu tiên của Đảng về công tác biên phòng, nội địa và giới tuyến. Nghị quyết xác định lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng có nhiệm vụ: “Trấn áp mọi hành động phá hoại của bọn phản cách mạng trong nước và bọn phản cách mạng ngoài nước xâm nhập phá hoại nước ta, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ an ninh biên giới, bờ biển, giới tuyến và nội địa, bảo vệ an toàn cho các cơ sở kinh tế, văn hóa quan trọng.”

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng CANDVT, nêu rõ: “Thống nhất các đơn vị bộ đội thuộc Bộ Quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là CANDVT, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an.”

Tại buổi Lễ thành lập lực lượng ngày 28/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và huấn thị cán bộ, chiến sĩ CANDVT:

“Đoàn kết, cảnh giác
Liêm chính, kiệm cần
Hoàn thành nhiệm vụ
Khắc phục khó khăn
Dũng cảm trước địch
Vì nước quên thân
Trung thành với Đảng
Tận tụy với dân.”

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP Hà Giang tuần tra giữa băng tuyết bao phủ. Ảnh: TTXVN

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP Hà Giang tuần tra giữa băng tuyết bao phủ. Ảnh: TTXVN

Từ đây, Việt Nam chính thức có một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác nội địa, biên phòng, tập trung thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, gồm 3 cấp: Trung ương có Ban Chỉ huy Trung ương CANDVT (tháng 7/1961 đổi tên thành Bộ Tư lệnh CANDVT) do Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Tư lệnh, kiêm Chính ủy đầu tiên của lực lượng; cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Ban Chỉ huy CANDVT tỉnh, thành phố; cấp cơ sở có các đồn CANDVT và đơn vị cơ động.

Từ đó, ngày 3/3/1959 chính thức trở thành Ngày truyền thống của lực lượng CANDVT, BĐBP ngày nay.

Ngay từ khi thành lập và suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ BĐBP vinh dự, tự hào, thường xuyên được đón nhận sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Ngày 02/3/1962, tại Đại hội chiến sĩ thi đua CANDVT toàn quốc lần thứ nhất, Bác Hồ đã đến dự, biểu dương thành tích và tặng cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng bài thơ:

“Non xanh nước biếc trùng trùng,
Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao
Núi cao sự nghiệp càng cao,
Biển sâu chí khí ta soi vào càng sâu,
Thi đua ta quyết giật cờ đầu.”

Những lời dạy của Bác Hồ kính yêu đã trở thành phương châm hành động của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP.

Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, CANDVT liên tục có sự phát triển về biên chế, tổ chức và nhiệm vụ, gắn liền với quá trình vận động, phát triển của tình hình, nhiệm vụ cách mạng của đất nước, được cụ thể hóa bằng các nghị quyết của Đảng và các quyết định của Chính phủ.

BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, được chỉ huy, đảm bảo thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến cơ sở, với 3 cấp: Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh (thành phố) và Đồn Biên phòng. Thường xuyên phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn; khi có chiến tranh thực hiện theo quy chế của Bộ Quốc phòng.

Năm 2018, trước yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, ngày 28/9/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về "Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia". Đây là một chiến lược chuyên ngành quan trọng, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối quốc phòng, an ninh, thể hiện rõ tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia xác định rõ: “Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước; dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”; lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; BĐBP là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia.”

BĐBP Điện Biên trên đường tuần tra biên giới. Ảnh: TTXVN

BĐBP Điện Biên trên đường tuần tra biên giới. Ảnh: TTXVN

Nghị quyết cũng đặt vấn đề phải ổn định tổ chức biên chế và xác định BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, BĐBP là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại.

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8/8/1995 của Bộ Chính trị (khóa VII) về “Xây dựng BĐBP trong tình hình mới”, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 về “Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia,” Bộ Tư lệnh BĐBP tham mưu Bộ Quốc phòng trình Quốc hội và Chính phủ ban hành những văn bản pháp luật hết sức quan trọng về xây dựng Bộ đội Biên phòng và nhiệm vụ của BĐBP như Pháp lệnh BĐBP, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết...

Như vậy, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, BĐBP đã có những cơ sở chính trị, pháp lý cơ bản, quan trọng để tiến hành các hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới và thực thi nhiệm vụ, công tác biên phòng trong tình hình mới.

Trong suốt chặng đường 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ CANDVT và BĐBP ngày nay luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng và truyền thống quyết chiến, quyết thắng, đoàn kết gắn bó máu thịt với nhân dân; phát huy cao độ năng lực sáng tạo, tự lực tự cường, tinh thông về nghiệp vụ, giỏi về kỹ, chiến thuật, nắm chắc pháp luật, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào, sẵn sàng chiến đấu cao, kịp thời xử lý các tình huống, ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là đại dịch Covid-19 và các đợt thiên tai, bão lũ.

Ngay từ khi mới thành lập, tuy trang bị còn thô sơ, thiếu thốn nhiều mặt, địa bàn hoạt động xa xôi, khí hậu khắc nghiệt... nhưng cán bộ, chiến sĩ CANDVT, BĐBP ngày nay đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, xây dựng cơ sở chính trị, vận động đồng bào biên giới xây dựng phòng tuyến nhân dân, chiến đấu tiễu phỉ, chống gián điệp, biệt kích, kịp thời ngăn chặn và dập tắt âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động ở khu vực biên giới.

Một trong những trọng tâm của nhiệm vụ bảo vệ an ninh miền Bắc giai đoạn 1959-1965 là tiêu diệt phỉ, trấn áp phản cách mạng và đánh bắt gián điệp, biệt kích; trong đó, tiễu phỉ, dẹp bạo loạn được xác định là nhiệm vụ cấp bách. Trong giai đoạn này, các đơn vị CANDVT đã phối hợp với các lực lượng tiêu diệt hàng chục toán gián điệp, biệt kích; phát hiện và xử lý hàng trăm đối tượng hoạt động thu thập tình báo, hàng chục tổ chức phản động; tiến hành sưu tra, xác minh hàng chục nghìn đối tượng, hàng nghìn vụ việc nghi vấn; tập trung cải tạo hàng nghìn đối tượng và di chuyển hàng nghìn đối tượng ra khỏi khu vực biên giới để làm trong sạch địa bàn...

Cán bộ, chiến sĩ Đội phòng, chống ma túy Đồn biên phòng Chiềng On, BĐBP Sơn La trên đường tuần tra biên giới. Ảnh: TTXVN

Cán bộ, chiến sĩ Đội phòng, chống ma túy Đồn biên phòng Chiềng On, BĐBP Sơn La trên đường tuần tra biên giới. Ảnh: TTXVN

Khi mới thành lập, tuy trang bị còn rất thô sơ, thiếu thốn nhiều mặt, địa bàn hoạt động rộng, xa xôi, hẻo lánh, thời tiết, khí hậu vô cùng khắc nghiệt... nhưng cán bộ, chiến sĩ CANDVT đã đoàn kết một lòng, nhanh chóng triển khai lực lượng, dựng đồn, lập trạm, vận động nhân dân định canh, định cư, dựng làng, lập bản, xây dựng cơ sở chính trị, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trên biên giới, xây dựng phòng tuyến nhân dân, chiến đấu tiễu phỉ, chống gián điệp, biệt kích, thám báo, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến quân sự tạm thời; bảo vệ Đảng, Nhà nước và các mục tiêu nội địa quan trọng thuộc 33 khu, tỉnh, thành miền Bắc và thủ đô Hà Nội.

Tiêu biểu trên lĩnh vực xây dựng phòng tuyến nhân dân bảo vệ biên giới giai đoạn này có Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ, thuộc Đồn 5, CANDVT tỉnh Lai Châu cũ (nay là Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, BĐBP Điện Biên) đã nêu cao tấm gương “Trung với Đảng, tận tụy với dân” hết lòng vì hạnh phúc của Nhân dân. Anh đã sống mãi với đồng bào các dân tộc biên giới nói chung và đồng bào dân tộc Hà Nhì, tỉnh Điện Biên nói riêng.

Tiêu biểu trên mặt trận tiễu phỉ, chống gián điệp, biệt kích, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến là CANDVT các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Nghĩa Lộ (Yên Bái), Hà Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, các đồn CANDVT: Cửa Tùng, Cù Bai (Quảng Trị), Keng Đu (Nghệ An), Quang Chiểu, Pù Nhi (Thanh Hóa), Pha Long (Lào Cai), đại đội 1 cơ động (Hà Giang), đại đội 1 cơ động (Cao Bằng), Tiểu đoàn 12 (Trung đoàn 12, Đoàn Thanh Xuyên)...

Tiêu biểu trên lĩnh vực bảo vệ Đảng, Nhà nước và nội địa là cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600, Trung đoàn 254 và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Nhỏ (Trung đoàn 600)… Các tập thể, cá nhân anh hùng thời kỳ này mãi ngời sáng tấm gương hy sinh, tận tụy với dân, “Chỉ biết còn Đảng là còn mình”, coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Chiến sĩ CANDVT dũng cảm chiến đấu giữ vững pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn) trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tháng 2/1979. Ảnh: TTXVN

Chiến sĩ CANDVT dũng cảm chiến đấu giữ vững pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn) trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tháng 2/1979. Ảnh: TTXVN

Trong giai đoạn 1965-1975, giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ-ngụy, giải phóng dân tộc, các đơn vị CANDVT tham gia chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào; chi viện cho cách mạng miền Nam diệt ác, phá kìm, bảo vệ Trung ương Cục, bảo vệ vùng giải phóng; tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, thực hiện lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đơn vị CANDVT thường xuyên bám trụ ở những điểm đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ...

Các cán bộ, chiến sĩ luôn kiên cường chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, chiến đấu bảo vệ biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời, các mục tiêu quan trọng ở nội địa và chi viện cho lực lượng An ninh vũ trang miền Nam. Nhiều đồng chí đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, vượt qua bom đạn cứu dân, cứu tài sản Nhà nước; tháo gỡ bom mìn, thủy lôi của địch, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới và các mục tiêu nội địa, góp phần bảo vệ an toàn tuyến hành lang vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam (đường Hồ Chí Minh trên bộ, trên biển).

Từ năm 1965 đến năm 1975, toàn lực lượng trực tiếp bắn rơi 219 máy bay Mỹ, phối hợp với các đơn vị bạn bắn rơi 225 chiếc, bắn bị thương 128 chiếc, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ và chi viện trên 5.000 cán bộ, chiến sĩ cho An ninh vũ trang miền Nam.

Ngoài ra, các đơn vị CANDVT Miền Bắc còn cử nhiều đội công tác đặc biệt sang giúp bạn Lào xây dựng cơ sở chính trị, vận động nhân dân tham gia quân đội, ủng hộ cách mạng Lào và tổ chức tuyên truyền đặc biệt, tấn công chính trị, chiến đấu vũ trang phá nhiều cụm phỉ ở mặt trận K5 (đối diện tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh) và các tỉnh của Lào đối diện 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị...

Trên chiến trường miền Nam, các chiến sĩ an ninh vũ trang đã bám dân, bám đất, diệt ác, phá kìm, bảo vệ Trung ương Cục (cơ quan lãnh đạo đầu não của cách mạng miền Nam), bảo vệ vùng giải phóng. Lực lượng an ninh vũ trang miền Nam được giao nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài, đánh địch đổ bộ, càn quét, biệt kích, thám báo để bảo vệ các khu căn cứ và Trung ương Cục.

Mặc dù phải sống và chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng gian nan, ác liệt, với chiến thuật kìm kẹp “tìm diệt” vô cùng hiểm độc và tàn bạo của Mỹ-ngụy, nhưng lực lượng an ninh vũ trang miền Nam luôn phát huy truyền thống sắt son, kiên trung với Đảng, với cách mạng, kiên trì, bền bỉ, bám đất, bám dân, trụ vững giữa lòng địch, xây dựng cơ sở, vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh trực diện với kẻ thù, tiến hành công tác binh địch vận, phá vỡ nhiều tổ chức tình báo, mật vụ cài cắm ở các thôn ấp, hỗ trợ đắc lực cho các cuộc nổi dậy của quần chúng phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng; táo bạo “xuất quỷ nhập thần” giữa sào huyệt địch, mưu trí tiến công phá hủy nhiều căn cứ quân sự, mục tiêu quan trọng của Mỹ, ngụy và tiêu diệt bọn ác ôn, đầu sỏ, thám báo, biệt kích bảo vệ an toàn tuyệt đối Trung ương Cục, các khu ủy, tỉnh ủy, thành ủy ở miền Nam.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng Tương, BĐBP Sơn La kiểm tra mốc giới quốc gia. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng Tương, BĐBP Sơn La kiểm tra mốc giới quốc gia. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, được sự chi viện của CANDVT miền Bắc, lực lượng an ninh vũ trang miền Nam đã phối hợp với các lực lượng khác chiến đấu bắt sống, tiêu diệt nhiều tên gián điệp nằm vùng khét tiếng, tiêu hao sinh lực địch và tham gia dẫn đường cho các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân và dân ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Tiêu biểu là các đơn vị an ninh vũ trang Sài Gòn-Gia Định, Sóc Trăng, Phú Yên, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Trung đoàn 180..., tấm gương hy sinh dũng cảm của các anh hùng liệt sĩ: Phạm Thành Lượng, Lê Hồng Nhị, Trương Thành Chỏi, Trần Thị Tính, Nguyễn Kim Vang, Nguyễn Đình Xướng, Đỗ Nam, Phan Ngọc Nhân, Ngô Tiến Dũng và các anh hùng: Nguyễn Thị Hồng Châu, Kiều Văn Niết, Nguyễn Văn Điện, Phạm Văn Vàng, Hoàng Thức Bảo, Trần Phong, Đỗ Văn Quả, Hồ Văn Lý, Cao Văn Trung, Lý Hữu Trí, Trần Văn Sỹ, cùng nhiều đồng chí ưu tú khác.

Có thể thấy, dù chiến đấu trong hoàn cảnh nào, CANDVT đều tỏ rõ bản chất của một đội quân cách mạng, đội cận vệ trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần chủ chốt, quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ CANDVT trước đây và BĐBP ngày nay luôn nêu cao truyền thống mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu; bền bỉ, sắc bén trong đấu tranh; linh hoạt, sáng tạo trong công tác; gắn bó máu thịt với nhân dân.

Qua đó góp phần quan trọng quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xứng đáng với truyền thống đơn vị 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã mở ra giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam, giai đoạn cả nước cùng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy đất nước ta đã hoàn toàn độc lập, thống nhất nhưng bọn phản động trong nước vẫn ráo riết cấu kết với chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch triển khai kế hoạch “hậu chiến”; lôi kéo người Việt Nam vượt biên, vượt biển di cư ra nước ngoài; sử dụng tàn quân FULRO, tổ chức lực lượng phản động xâm nhập vào biên giới, móc nối xây dựng cơ sở ngầm hòng chống đối chính quyền, chống phá lâu dài cách mạng Việt Nam và các nước Đông Dương…

Trước tình hình đó, toàn lực lượng CANDVT đã tập trung cao độ, khẩn trương triển khai hệ thống đồn, trạm, vận động nhân dân xây dựng phòng tuyến bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, khẩn trương cùng các đơn vị của Quân đội, Công an và nhân dân cả nước quyết tâm đấu tranh chống kế hoạch “hậu chiến”, truy quét tàn quân FULRO, chống vượt biên, vượt biển trái phép, bóc gỡ cơ sở ngầm của địch, củng cố hệ thống chính trị cơ sở mới thành lập ở các tỉnh biên giới phía Nam.

Các chiến sĩ CANDVT đã trực tiếp đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (1975-1978), biên giới phía Bắc (1979) và chống “chiến tranh phá hoại nhiều mặt”, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, biển đảo, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc.

Đồng thời, thực hiện phương châm “đánh địch từ xa để bảo vệ biên giới,” với quan điểm “giúp bạn là tự mình giúp mình,” CANDVT đã giúp bạn Lào xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang, bảo vệ trị an, phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Bằng biện pháp nghiệp vụ, CANDVT phối hợp cùng bạn phát hiện đấu tranh chống phỉ và bọn phản động, góp phần giành lại độc lập, chủ quyền, củng cố hòa bình.

Đặc biệt, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với nhân dân Campuchia anh em, BĐBP triển khai 9 trung đoàn phối hợp với các đơn vị Quân đội và Công an, kề vai sát cánh cùng lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia đấu tranh chống Khơme đỏ, đánh đổ chế độ diệt chủng ở Campuchia, giúp bạn bảo vệ chủ quyền biên giới trên các tuyến.

Ngày 20/9/2023, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Đoàn đại biểu Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên do Đại tá Phan Văn Hóa, Chỉ huy trưởng làm trưởng đoàn và Đoàn đại biểu Ty An ninh tỉnh Phongsaly (Lào) do Thiếu tướng Khamchanh Senglavong, Giám đốc Ty An ninh làm Trưởng đoàn đã tiến hành hội đàm thường niên, lần thứ 11 năm 2023. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 20/9/2023, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Đoàn đại biểu Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên do Đại tá Phan Văn Hóa, Chỉ huy trưởng làm trưởng đoàn và Đoàn đại biểu Ty An ninh tỉnh Phongsaly (Lào) do Thiếu tướng Khamchanh Senglavong, Giám đốc Ty An ninh làm Trưởng đoàn đã tiến hành hội đàm thường niên, lần thứ 11 năm 2023. (Ảnh: TTXVN)

Những tấm lòng đoàn kết, thủy chung, tình hữu nghị vô tư, trong sáng của người chiến sĩ biên phòng Việt Nam đã để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân nước bạn Lào và Campuchia, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng.

Ghi nhận những thành tích mà lực lượng CANDVT đã đạt được, ngày 20/12/1979, Chủ tịch nước ký Lệnh số 188/CT tuyên dương Danh hiệu "Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân" cho 25 tập thể và 18 cá nhân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ năm 1986, nước ta bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, nhưng các thế lực thù địch thường xuyên ráo riết đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình,” bạo loạn lật đổ nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Bối cảnh này đã đặt ra cho công tác biên phòng những yêu cầu mới: Vừa phải giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Tổ quốc, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, hợp tác, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và nhân dân.

Trước tình hình đó, quán triệt đường lối đổi mới của Đảng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tích cực nghiên cứu, đổi mới toàn diện các biện pháp công tác biên phòng. Trong đó xác định biện pháp trinh sát là mũi nhọn, biện pháp vận động quần chúng là cơ bản, biện pháp tuần tra vũ trang, biện pháp kiểm soát hành chính, công trình kỹ thuật là quan trọng và nâng tầm công tác đối ngoại biên phòng thành một biện pháp công tác nghiệp vụ của BĐBP trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm, chúc Tết tại Bộ Tư lệnh BĐBP. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm, chúc Tết tại Bộ Tư lệnh BĐBP. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Ngày 11/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Biên phòng Việt Nam (hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022). Đây là văn bản pháp lý quan trọng, thể chế đầy đủ quan điểm, tư duy mới của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Tiếp đến là các chiến lược được ban hành, như “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”...

Việc luật hóa các hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, cần thiết để BĐBP thực thi có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Ngay từ ngày đầu thành lập, trong những lần đến thăm và làm việc với CANDVT, Bác Hồ thường căn dặn, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ phải “tận tụy với dân”, “dựa vào dân”, vì “có dân là có tất cả”. Những lời dạy bảo ân cần, sâu sắc ấy của Bác Hồ đã trở thành “kim chỉ nam” cho mọi hành động và dựng xây lên truyền thống quý báu “Đoàn kết gắn bó máu thịt với nhân dân” của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CANDVT và BĐBP ngày nay trong suốt 65 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành.

Để huy động, tập hợp được sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, 65 năm qua, với phương châm sống “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc anh em là ruột thịt”, các thế hệ CANDVT và BĐBP ngày nay luôn thực hiện 3 bám “bám dân, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phương” và 4 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”; nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, bám trụ nơi tuyến đầu biên giới, biển đảo, đồng cam cộng khổ, đoàn kết, gắn bó máu thịt với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi biên giới, biển đảo, bảo vệ từng tất đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Đồng thời, chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và trực tiếp tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; xây dựng các chương trình, mô hình giúp dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc khu vực biên giới. Hình ảnh "Thầy giáo quân hàm xanh," "Thầy thuốc quân hàm xanh" tận tình cứu người, gieo chữ trên vùng biên gian khó, hay những người lính lao vào mưa lũ để cứu người; những “kỹ sư nông nghiệp” cặm cụi bên bờ ruộng hướng dẫn bà con làm kinh tế đã in đậm trong lòng nhân dân các dân tộc khu vực biên giới, được nhân dân hết lòng thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ tận tình như con em ruột thịt, tạo nên sức mạnh to lớn, giúp BĐBP hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Mặc dù điều kiện công tác, sinh hoạt hết sức khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn luôn giữ vững bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức; xây dựng ý chí quyết tâm, chủ động, sáng tạo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự bình yên biên giới, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tập trung triển khai các chương trình, phong trào, mô hình với cách làm sáng tạo trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo địa bàn biên giới vững mạnh, như: "Thầy giáo quân hàm xanh", "Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng"; "Thầy thuốc quân hàm xanh"; "Đảng viên Biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản"; "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới"; "Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản"; " BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới"...

Đồng thời, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng tuyên truyền, vận động và tổ chức tốt phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và chủ động báo cáo Bộ Quốc phòng trình Chính phủ ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” ngày 9/1/2015.

Khi Chỉ thị 01 ra đời, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai vận động và tổ chức cho các tập thể, cá nhân ở khu vực biên giới ký kết tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới với quan điểm “ở đâu có ruộng nương, đồi rừng của dân, ở đó có lực lượng, có nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới” và “mỗi người dân là một cột mốc sống nơi biên giới.”

Từ thực tiễn hoạt động của mình, năm 1989, BĐBP đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ra quyết định về tổ chức “Ngày Biên phòng,”, đến năm 2003 là “Ngày Biên phòng toàn dân.”

Thông qua hoạt động “Ngày Biên phòng toàn dân” đã góp phần tăng cường mối quan hệ giữa BĐBP với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, Quân đội và BĐBP; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng khu vực biên giới phát triển, xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh.

BĐBP Điện Biên tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: TTXVN

BĐBP Điện Biên tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: TTXVN

Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã lập nên nhiều chiến công và thành tích vẻ vang, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 2 lần được tuyên dương Danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân; 1 Huân chương Sao vàng; 3 Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân.

Theo TTXVN

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-ve-chu-quyen-lanh-tho-xay-dung-nen-bien-phong-toan-dan-vung-manh-post473076.html
Zalo