Bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong mùa nắng, nóng

Nắng, nóng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển, sinh trưởng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Chính vì vậy, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, chủ động áp dụng các biện pháp chống hạn, chống nóng, bảo vệ sản xuất, giảm thiểu tối đa thiệt hại về kinh tế có thể xảy ra.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hòe, thôn Vân Sau, xã Hội Thịnh (Tam Dương) tưới nước cho các loại rau màu vào sáng sớm.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hòe, thôn Vân Sau, xã Hội Thịnh (Tam Dương) tưới nước cho các loại rau màu vào sáng sớm.

Thời tiết nắng nóng nên từ hơn 6 giờ sáng, gia đình ông Nguyễn Văn Hòe, thôn Vân Sau, xã Hội Thịnh (Tam Dương) đã có mặt tại ruộng để tưới nước, chăm bón cho 1 ha trồng các loại rau màu như bầu, bí đỏ, rau ngót...

Qua nhiều năm trồng rau màu, ông Hòe rút ra kinh nghiệm, để rau màu phát triển tốt trong mùa nắng nóng cần tưới nước đầy đủ vào sáng sớm và chiều muộn; đồng thời, cần bổ sung lượng phân bón cần thiết để cây sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo đạt năng suất, chất lượng.

Ngay chớm mùa hè, gia đình anh Nguyễn Văn Thịnh, xã Chấn Hưng (Vĩnh Tường) đã chủ động gia cố chuồng trại, kiểm tra hệ thống máy bơm nước, máy phát điện để chủ động nguồn nước, điện và bổ sung thêm hệ thống quạt làm mát, bổ sung vào khẩu phần ăn các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho đàn gà thương phẩm hơn 1.000 con.

Theo anh Thịnh, việc chống nóng cho đàn gà trong mùa nắng nóng đặc biệt quan trọng, bởi nếu mất điện, thiếu nước uống, đàn gà có nguy cơ bị ốm, chết số lượng lớn, gây thiệt hại kinh tế.

Tính đến đầu tháng 5/2025, diện tích gieo trồng lúa xuân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh sinh trưởng tốt, chủ yếu ở giai đoạn làm đòng, một số diện tích đã trỗ bông. Song đây cũng là thời điểm thời tiết bắt đầu vào cao điểm nắng nóng.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa hè năm 2025 mặc dù không gay gắt như năm 2024 nhưng nắng nóng có khả năng gia tăng, đặc biệt trong các tháng 5 và 6.

Vì vậy, công tác bảo vệ cây trồng; kiểm tra, giám sát dịch bệnh, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh, chống nóng trên đàn gia súc, gia cầm đã được các ngành chức năng, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.

Theo đó, nông dân cần chủ động thực hiện kịp thời, đúng cách các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng như che phủ đất, tưới giữ ẩm, hạn chế sốc nhiệt, làm mát cây…

Để bảo vệ tốt cho đàn vật nuôi trong những ngày nắng nóng, chuồng trại chăn nuôi cần đảm bảo cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng đối tượng vật nuôi; phủ rơm, trồng cây dây leo… lên mái chuồng để chống nóng trực tiếp. Những ngày nắng, nóng phun nước lên mái chuồng, phun sương trong chuồng nuôi và bố trí đủ quạt điện để quạt mát, tránh làm tăng độ ẩm trong chuồng nuôi.

Các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn xã Thanh Vân (Tam Dương ) bổ sung thêm chất dinh dưỡng vào khẩu phần ăn giúp tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong mùa nắng, nóng.

Các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn xã Thanh Vân (Tam Dương ) bổ sung thêm chất dinh dưỡng vào khẩu phần ăn giúp tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong mùa nắng, nóng.

Đối với các trang trại chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn, chủ động nguồn cung cấp điện, nước để đảm bảo phục vụ sản xuất; bố trí mật độ phù hợp cho từng loại vật nuôi, lứa tuổi, nhất là đối với chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, gà đẻ cần giảm mật độ nuôi theo quy định và tăng cường thêm số lượng máng ăn, máng uống; tăng cường khẩu phần thức ăn xanh và bổ sung chất điện giải, các loại viatmin cho gia súc, gia cầm uống để tăng sức đề kháng và giải nhiệt.

Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng đàn vật nuôi, kịp thời phát hiện gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, đặc biệt là với các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp và các bệnh truyền nhiễm; đồng thời, đảm bảo tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các công ty thủy lợi, đơn vị đảm nhận cung ứng điện xây dựng lịch bơm nước, cấp nước cụ thể đối với diện tích lúa và hoa màu; bảo đảm đủ nước tưới cho cây trồng sinh trưởng và phát triển đạt năng suất, chất lượng.

Hiện nay, mặc dù nắng nóng chưa diễn ra gay gắt, song, bà con nông dân không nên lơ là, chủ quan, bởi hiện tại, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước.

Mặt khác, phần lớn hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nhỏ lẻ, hệ thống chuồng trại thô sơ nên khi nắng nóng gay gắt, kéo dài sẽ làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi.

Do vậy, sự chủ động trong công tác phòng, chống nắng nóng trên cây trồng và phòng, chống bệnh cho đàn vật nuôi của bà con sẽ tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Bài, ảnh: Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/128026//bao-ve-cay-trong-vat-nuoi-trong-mua-nang-nong
Zalo