Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Khoan dung, khoan hồng đối với cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân nếu vi phạm, sai phạm không có vụ lợi cá nhân hay không tham ô, tham nhũng là quan điểm rất nhân văn.
Khi xem xét hành vi vi phạm pháp luật, trước hết cần xem xét các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành đã đủ, đúng và hợp lý, hợp tình chưa? Chúng ta vẫn nói hệ thống pháp luật tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế; vẫn còn có mâu thuẫn, chồng chéo. Yếu tố lỗi này thuộc về nhà nước, trong đó có Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác. Lỗi này dẫn đến người tổ chức thực thi pháp luật lạm dụng.
Khi một quy định pháp luật không rõ ràng thì người tổ chức thực thi hoặc là không làm vì sợ sai; hoặc vì vụ lợi cố tình làm sai; hoặc chỉ làm cái gì có lợi cho mình, cho phe cánh của mình, còn lại là né tránh.
Trong bối cảnh ấy, phải xem xét hết sức kỹ lưỡng lỗi nào là hành vi cố ý, lỗi nào là do vô tình, thậm chí lỗi bất khả kháng để từ đó có ứng xử phù hợp.
Chúng ta phải phân loại vi phạm. Nhóm thứ nhất là vi phạm do các quy định của pháp luật không rõ ràng, mâu thuẫn, chồng chéo. Nhóm thứ hai là vi phạm để đạt được mục đích nhỏ, không gây ra hậu quả lớn. Nhóm thứ ba là vi phạm do biết nhưng cố ý phạm tội đến cùng. Từ đó, có cách ứng xử phù hợp theo từng cấp độ; khoan dung, khoan hồng hay giảm nhẹ hình phạt.
Khoan dung nên áp dụng đối với trường hợp vô tình vi phạm do hiểu biết pháp luật không đầy đủ dẫn đến làm sai. Thậm chí người vì lợi ích chung mà sẵn sàng "xé rào" làm sai thì không chỉ khoan dung mà còn cần được bảo vệ.
Nghị định 73/2023-NĐ-CP của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, trước mắt đã thể chế hóa được tinh thần Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, nghị định này mới chỉ là quy định ban đầu, cần đưa vào vận hành để từ đó tiếp tục sơ kết, tổng kết để tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.
Có 2 vấn đề cần phải tiếp tục làm. Thứ nhất, muốn cho người ta tin vào chính sách, chúng ta phải có bằng chứng thực hành. Cụ thể, nên xem xét khôi phục quyền lợi cho những người vì lợi ích chung, không vì lợi ích cá nhân nhưng vi phạm và đã bị xử lý kỷ luật. Có như vậy, sắp tới, những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung mới có cơ sở, niềm tin.
Thứ hai, các hành vi trong Nghị định 73/2023 như "dám nghĩ", "dám làm", "lợi ích chung" cần được định nghĩa, lý giải sâu hơn, đúng hơn, sát với nhu cầu thực tiễn đặt ra.
Nguy cơ lạm dụng chính sách cũng cần được đặt ra để xem xét. Thứ nhất, là những cá nhân lợi dụng tinh thần Kết luận số 14 của Bộ Chính trị, các quy định của Nghị định 73/2023 để trá hình, nhân danh vì lợi ích chung trong một tập thể hẹp - mà tập thể này chính là các nhóm lợi ích để trục lợi, thay vì "lợi ích chung" là lợi ích của nhân dân, đất nước.
Thứ hai, người có quyền lợi dụng cơ chế ấy để đảo ngược lại tính dám xả thân của những người dám vì lợi ích chung.
Thứ ba, là những người có chức, có quyền lạm dụng quy định tại Nghị định 73 để trừng trị những người không cùng "cánh hẩu", trái ý mình.