Bảo vệ bạn đọc trên không gian mạng

Chuyển đổi số báo chí là xu hướng tất yếu, giúp mở rộng phạm vi tiếp cận thông tin và tăng cường tương tác với độc giả.

Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí trên không gian mạng cũng dẫn đến nhiều thách thức pháp lý mới, đặc biệt là việc xử lý các sai phạm.

Chính vì vậy, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đề xuất bổ sung quy định về hoạt động của cơ quan báo chí trên không gian mạng vừa tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển bền vững theo xu hướng số, vừa để bảo vệ quyền lợi được đọc thông tin chính xác của bạn đọc.

Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Hay nói cách khác, đa số các báo đều có phiên bản điện tử và một số lượng đáng kể tạp chí cũng đã chuyển sang hoạt động online. Đáng chú ý là sự ra đời của các mô hình truyền thông mới như tòa soạn hội tụ, báo chí đa nền tảng và báo chí đa phương tiện… Nhiều tờ báo in, chương trình phát thanh và truyền hình cũng chuyển sang sử dụng nền tảng internet, nhà báo cũng sáng tạo thêm nhiều hình thức truyền thông hấp dẫn…

Sự phát triển đa dạng của các loại hình báo chí trong thời đại số đó khiến công tác quản lý gặp khó khăn. Phương pháp tiếp cận "quản lý theo phương tiện" - tức là quản lý dựa trên loại hình phương tiện truyền thông đang bộc lộ nhiều hạn chế trong xử lý các vi phạm. Điều này do ranh giới giữa các loại hình phương tiện ngày càng mờ nhạt trên không gian mạng, cùng với sự xuất hiện của các hình thức báo chí mới, phức tạp hơn. Việc xác định chủ thể, loại hình vi phạm và áp dụng khung pháp lý phù hợp vì thế cũng trở nên khó khăn.

Trong khi đó, khung pháp luật hiện hành về báo chí, đặc biệt là Luật Báo chí không có quy định cụ thể về hoạt động trên không gian mạng, công cụ số để giám sát hoạt động báo chí trên không gian mạng còn thiếu; Không có quy định bắt buộc các cơ quan báo chí phải kết nối trực tuyến với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí… Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan còn chưa chặt chẽ.

Thực tế trên cho thấy, việc cập nhật pháp luật cần được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả hơn để bắt kịp với sự phát triển chóng mặt của công nghệ và xu hướng truyền thông mới. Do đó, tại Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Bộ TT&TT đề xuất bổ sung quy định về hoạt động của cơ quan báo chí trên không gian mạng là hợp lý.

Trong đó, đưa ra các nguyên tắc quản lý nội dung báo chí trên không gian mạng; đầu tư công cụ số để thực hiện giám sát báo chí trên không gian mạng phục vụ công tác quản lý; Yêu cầu trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội phải có thỏa thuận với cơ quan báo chí khi sử dụng lại tin/bài; Bổ sung trách nhiệm của cơ quan báo chí khi hoạt động trên không gian mạng, bao gồm việc đăng ký/thông báo, kết nối hệ thống với cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí khi mở các kênh nội dung mới.

Dự thảo sửa đổi đang tiến gần tới việc giải quyết những thách thức trong quản lý báo chí và bảo đảm hoạt động báo chí, đặc biệt là trên nền tảng số, diễn ra một cách hợp pháp và có trách nhiệm. Những đề xuất trên cũng nhằm mục đích tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí trên không gian mạng, tạo môi trường làm việc tốt hơn cho các cơ quan báo chí và tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của ngành báo chí trong kỷ nguyên số. Từ đó, bảo vệ quyền lợi của độc giả trong việc tiếp cận thông tin chính xác và đáng tin cậy.

Quỳnh Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bao-ve-ban-doc-tren-khong-gian-mang.html
Zalo