Bão Trà Mi mạnh lên từng ngày, nguy cơ 'bão chồng bão' gần Biển Đông

Chuyên gia khí tượng dự báo, bão Trà Mi diễn biến phức tạp và khả năng cao ảnh hưởng trực tiếp đất liền nước ta. Dự báo đầu tháng 11/2024, có thể xuất hiện một áp thấp mới có khả năng mạnh lên thành bão.

Bão Trà Mi diễn biến phức tạp, có thể mạnh thêm khi vào Biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13h ngày 23/10, cơn bão TRAMI (tiếng việt là Trà Mi), có vị trí tâm ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 123,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 11. Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.

Dự báo hướng đi bão Trà Mi. Nguồn: TTKTTVQG.

Dự báo diễn biến bão (24 đến 72 giờ tới):

Cảnh báo diễn biến bão từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, sau có khả năng đổi hướng Nam Tây Nam và di chuyển chậm lại.

Vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7. Từ gần sáng ngày 24/10 tăng lên cấp 8 (62-74km/h), vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12, sóng biển cao 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão 5,0-7,0m; biển động rất mạnh.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Nhận định cơn bão Trà Mi diễn biến phức tạp, Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn chia sẻ với báo Thanh Niên, cơn bão Trà Mi hoạt động hết sức phức tạp. Ban đầu, các mô hình dự báo cho rằng bão sẽ đổ bộ vào khu vực Quảng Đông và đảo Lôi Châu của Trung Quốc. Đến sáng 22/10, nó chuyển hướng vào khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc) và sau đó vào khu vực vịnh Bắc bộ của Việt Nam.

Bão Trà Mi nằm trên vùng biển phía đông của đảo Luzon (Philippines).

Bão Trà Mi nằm trên vùng biển phía đông của đảo Luzon (Philippines).

Trước đó vào ngày 22/10, các mô hình dự báo của Mỹ và Nhật đều có chung nhận định bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế. Hướng di chuyển của bão Trà Mi phức tạp do chịu tác động của không khí lạnh từ phía bắc tăng cường xuống phía nam. Đến chiều tối 22/10 không khí lạnh đã ảnh hưởng tới khu vực phía bắc của Bắc bộ và sau đó bao trùm cả miền Bắc. Đây là đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, nhiệt độ không khí giảm sâu. Tác động của nó làm hướng đi của bão lệch xuống phía nam. Nếu không khí lạnh mạnh thêm, nó có thể khiến vùng tâm bão đi qua ảnh hưởng Đà Nẵng.

Dự báo bão Trà Mi sẽ tiếp tục mạnh lên khi vào Biển Đông và sẽ giữ nguyên cường độ cấp 12 giật cấp 14 khi vào gần bờ.

Điều đáng chú ý, tiếp theo là sau cơn bão số 6 thì nhiều khả năng từ ngày 1 - 5/11, trên vùng biển tây Thái Bình Dương khu vực gần Biển Đông có một áp thấp khác có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới thậm chí là bão. Do ảnh hưởng của không khí lạnh và các đợt không khí lạnh tăng cường nên diễn biến của cơn bão Trà Mi và bão tiếp theo sẽ rất phức tạp.

"Đây là giai đoạn cao điểm trong mùa bão trên khu vực tây Thái Bình Dương. Bên cạnh đó do xu hướng La Nina sẽ xuất hiện cộng với các đợt không khí lạnh tăng cường nên mùa mưa bão còn tiếp tục kéo dài và phức tạp", bà Lan giải thích.

Dự báo thời điểm không khí lạnh mạnh lên, có nơi xuống dưới 16 độ C

Về đợt không khí lạnh mới nhất tràn về, cơ quan khí tượng cho biết, không khí lạnh mạnh lên từ đêm 23/10 và từ ngày 24/10, nhiệt độ tiếp tục giảm; vùng núi cao có nơi dưới 16 độ C.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng nay (23/10), không khí lạnh đã ảnh hưởng hầu hết phía Đông Bắc Bộ và một số nơi ở Bắc Trung Bộ. Vịnh Bắc Bộ đã có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Trưa và chiều nay (23/10), không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Trung Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Gió đông bắc cấp 3, vùng ven biển cấp 4 - 5.

Ngày và đêm nay 23/10, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An trời mát. Bắc Bộ có nhiệt độ thấp nhất khoảng 20 - 22 độ C, vùng núi có nơi dưới 19 độ C. Nhiệt độ trung bình khoảng 24 - 26 độ C, vùng núi có nơi dưới 23 độ C. Thanh Hóa, Nghệ An có nhiệt độ thấp nhất khoảng 22 - 24 độ C; nhiệt độ trung bình 23 - 25 độ C.

Khu vực từ Nam Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.

Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Từ đêm 23/10, Bắc Bộ đêm và sáng trời lạnh, riêng vùng núi Bắc Bộ đêm và sáng trời rét.

Ngày và đêm 24/10, nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 19 - 21 độ C, vùng núi 17 - 19 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 16 độ C. Nhiệt độ trung bình khoảng 24 - 26 độ C, vùng núi có nơi dưới 23 độ C. Thanh Hóa, Nghệ An có nhiệt độ thấp nhất khoảng 21- 23 độ C; nhiệt độ trung bình 23 - 25 độ C.

Trên biển, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, riêng phía đông cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3 - 6m. Vịnh Bắc Bộ gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 2 - 3,5m.

Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bao-tra-mi-manh-len-tung-ngay-nguy-co-bao-chong-bao-gan-bien-dong-204241023150421152.htm
Zalo