Bảo tồn vũ điệu truyền thống Tây Nguyên

Múa dân gian (vũ điệu hay dân vũ) là một trong những thành tố quan trọng tạo nên không gian sinh động, màu sắc trong các lễ hội dân gian ở buôn làng.

Tuy nhiên, hiện nay, có hiện tượng lớp trẻ xa rời với các điệu múa truyền thống của dân tộc mà tiếp thu, cải biên một cách tùy tiện, lai căng. Việc này cần được chấn chỉnh nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, trong đó có nghệ thuật múa.

 Múa Jrai. Ảnh: Hùng Hoa Lư

Múa Jrai. Ảnh: Hùng Hoa Lư

Đi tìm nguồn gốc một số vũ điệu truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, nó xuất phát từ cuộc sống lao động gắn bó với núi rừng, thiên nhiên hoang sơ cùng với tín ngưỡng đa thần của cộng đồng.

Người dân sáng tạo các vũ điệu để dâng lên các đấng thần linh trong các nghi thức lễ hội, sau đó là vui chơi, phô diễn động tác của cơ thể một cách nhịp nhàng theo tiếng nhạc nhằm diễn đạt một ý niệm hay nội dung nào đó.

Còn theo nhà Tây Nguyên học Jacques Dournes: “Hình như múa không phải là một nghệ thuật bản địa của người Tây Nguyên”. Và ông cũng đưa ra luận điểm, có thể người Tây Nguyên học múa của người Chàm (Champa) hay người Campuchia (Khmer). Cá nhân tôi cho rằng, đây là giả thuyết thiếu căn cứ; chưa có công trình nghiên cứu sâu về lĩnh vực này.

Theo di sản Champa thì họ có 80 điệu múa truyền thống, tương ứng với 80 vị thần trong tín ngưỡng dân gian Chăm. Nhưng phổ biến và đặc sắc mà đến nay họ vẫn còn lưu giữ, truyền dạy cho thế hệ sau là: múa quạt, múa đội nước, múa khăn và múa đạp lửa. Đặc biệt và điển hình nhất trong nghệ thuật múa Chăm là vũ điệu Apsara.

Còn người Khmer với các điệu múa dân gian truyền thống khá phổ biến hiện nay trong tộc người là: múa Rom vong, Lăm leo, Saravan. Nếu đem so sánh về động tác, trang phục, âm nhạc thì xoang của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung cơ bản không có nhiều điểm tương đồng với múa dân tộc Chăm hay múa của người Khmer.

Vì thế, có thể nói, với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, việc sáng tạo nghệ thuật múa dân gian mang bản sắc của cộng đồng là điều đương nhiên và dễ hiểu mà không phải đi “vay mượn” của các dân tộc khác.

Xoang là từ dùng chung phổ biến cho loại nghệ thuật dân vũ truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn-Tây Nguyên. Đây là loại hình sinh hoạt không thể thiếu trong các dịp lễ hội đi đôi với nghệ thuật cồng chiêng, là mắt xích quan trọng để kết nối cộng đồng, thể hiện tình đoàn kết, gắn bó.

Có thể nói, xoang là vũ điệu cộng đồng, có cả nam và nữ (không nhất thiết về số lượng người), họ quây quần thành vòng tròn và xoang theo nhịp điệu chiêng trong không gian thoáng rộng ở nhà rông hay ngoài rừng. Điệu xoang có tính đối xứng qua động tác tay-chân trên trục cơ thể với độ lắc nhịp nhàng và được lặp đi lặp lại.

 Xoang Bahnar. Ảnh: Hùng Hoa Lư

Xoang Bahnar. Ảnh: Hùng Hoa Lư

Người M’Nông còn có múa khiêl, múa cầu mùa, múa mời rượu; người Ê Đê có điệu múa chim grứ nổi tiếng… Người Cơ Tu có vũ điệu đẹp mắt là tân tung da dă trong lễ hội cầu mùa, mừng nhà mới. Đây là điệu múa thiêng với động tác cơ bản là 2 tay phụ nữ xòe lên trời để cầu xin Yàng ban cho điều may mắn. Mỗi dân tộc có sắc thái vũ điệu khác nhau.

Các nhà chuyên môn về nghệ thuật múa cho rằng: Xoang của người Jrai có độ lắc cơ thể mạnh; xoang Bahnar thì nhẹ nhàng, uyển chuyển; xoang Xê Đăng, M’Nông thì mời gọi, quyến rũ…

Thời gian qua, múa truyền thống của dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên được các nhà biên đạo múa Việt Nam, trong đó có nhiều biên đạo múa nổi tiếng trên mảnh đất đầy nắng gió này như: Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân La, Nghệ sĩ Ưu tú Quang Tâm… kế thừa, sáng tạo, phát huy giá trị bản sắc dân tộc, đưa nghệ thuật múa Tây Nguyên lên tầm cao mới.

Một số tác phẩm như: “Múa trống Tây Nguyên”, “Múa giã gạo đêm trăng” của Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm, “Múa hồn cồng”, “Múa vui nhà mới” của Nghệ sĩ Nhân dân Xuân La, “Múa cầu mưa”, “Múa tiếng đàn đêm trăng” của Nghệ sĩ Ưu tú Quang Tâm… đã giữ được “hồn cốt” của múa truyền thống dân tộc Jrai, Bahnar.

Tuy nhiên, hiện nay, có hiện tượng lớp trẻ xa rời với các điệu múa truyền thống của dân tộc mà tiếp thu, cải biên một cách tùy tiện, lai căng. Việc này cần được chấn chỉnh nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, trong đó có nghệ thuật múa.

Theo Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng-Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh: “Xã hội ngày một phát triển, nhiều loại hình nghệ thuật mới lạ xuất hiện. Đây là cơ hội, cũng là thách thức không chỉ với nghệ thuật múa mà với cả nhiều loại hình nghệ thuật khác.

Hiện nay, các tác phẩm múa độc lập hoặc đỉnh cao như thơ múa mang bản sắc dân tộc tại tỉnh nhà gần như rất ít. Sự xuất hiện của các biên đạo trẻ giờ đây dường như mang hơi hướng hiện đại, không có tác phẩm nào mang dáng dấp, hồn cốt văn hóa bản địa Tây Nguyên”.

BÙI QUANG VINH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/bao-ton-vu-dieu-truyen-thong-tay-nguyen-post306758.html
Zalo