Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số ở miền núi Sơn Hòa

Nằm ở cửa ngõ phía Tây tỉnh Phú Yên, huyện miền núi Sơn Hòa tiếp giáp với huyện Krông Pa tỉnh Gia Lai. Toàn huyện có 13 xã và 1 thị trấn với dân số 59.908 người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 37,1%.

Mỗi DTTS có nét đặc trưng riêng về văn hóa, đời sống; với sự giao thoa văn hóa các dân tộc Tây nguyên, đã tạo nên nét đa dạng, phong phú và độc đáo về giá trị văn hóa DTTS ở vùng đất này.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, những luồng văn hóa khác nhau có tác động nhất định đến đời sống của DTTS ở huyện Sơn Hòa, một số giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một, phai mờ bản sắc, nên việc bảo tồn, phát huy cần được chú trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Các thiếu nữ DTTS xã Cà Lúi múa xoang trong ngày hội văn hóa.

Các thiếu nữ DTTS xã Cà Lúi múa xoang trong ngày hội văn hóa.

Với nhận thức đó, từ nhiều năm qua cả hệ thống chính trị huyện Sơn Hòa thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và triển khai các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS. Theo đó, Đề án “Bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa truyền thống các DTTS huyện Sơn Hòa gắn với hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030” đã được UBND huyện Sơn Hòa xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện, với mục tiêu tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa truyền thống cho đến đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS; nghiên cứu khai thác các giá trị của văn hóa truyền thống tốt đẹp để hỗ trợ xây dựng và phát triển du lịch.

Để các giá trị văn hóa được bảo tồn, phát huy sâu rộng, hiệu quả và có sức lan tỏa trong đời sống xã hội, bên cạnh công tác thông tin tuyên truyền qua hệ thống thông tin cơ sở, việc tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật quần chúng, biểu diễn nhạc cụ, hát dân ca, trình tấu cồng - chiêng, múa xoang, tái hiện các nghi thức, tín ngưỡng truyền thống như lễ cúng bỏ mã, cúng vòng đời, cúng mừng lúa mới, cúng cầu mưa, cúng bến nước, cúng về nhà mới của các DTTS luôn được các địa phương quan tâm thực hiện. Theo định kỳ, huyện còn tổ chức thành lập các đoàn để các nghệ nhân người DTTS tham gia trình diễn, giới thiệu văn hóa truyền thống tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng, Liên hoan các đội tuyên truyền lưu động, Liên hoan văn hóa ẩm thực các dân tộc, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc của tỉnh Phú Yên tổ chức. Thường xuyên duy trì các giải thi đấu các môn thể thao truyền thống như thi chạy cà kheo, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, bóng đá…luôn thu hút đông đảo vận động viên là người DTTS tham gia tranh tài.

Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm ở xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa

Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm ở xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa

Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa. Đã đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động Nhà truyền thống các dân tộc huyện Sơn Hòa, tất cả các thôn, buôn thuộc các xã vùng DTTS đều có Nhà rông văn hóa để làm nơi sinh hoạt, học tập của cộng đồng và tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, thi đấu thể thao quần chúng của các địa phương.

Để triển khai thực hiện Đề án của huyện, các xã Cà Lúi, Krông Pa, Suối Trai, Sơn Hội, Sơn Phước, Ea Chà Rang…đã chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình và tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS trên địa bàn; trong đó các xã Suối Trai, Cà Lúi và Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Sơn Hòa là những điển hình tích cực.

Minh chứng rõ nét tại xã Suối Trai có 95% người dân là đồng bào DTTS, chủ yếu là dân tộc Ê đê. Mặc dù là địa bàn xã đặc biệt khó khăn nhưng nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn nâng cao nhận thức trách nhiệm thực hiện đề án của huyện, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. 100% cán bộ, đảng viên của xã đều mặc trang phục thổ cẩm truyền thống khi tham gia các buổi chào cờ, sinh hoạt lễ hội; văn hóa truyền thống đã được lồng ghép vào hoạt động ngoại khóa tại các trường học ở xã; các thôn - buôn đã xây dựng câu lạc bộ dệt thổ cẩm, câu lạc bộ cồng – chiêng; Ngày Hội văn hóa, thể thao các dân tộc thường niên ở xã Suối Trai được tổ chức với nhiều nội dung phong phú như phục dựng một số lễ hội, tập tục truyền thống, thi dệt thổ cẩm, đan lát thủ công, trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc, thi đấu các môn thể thao, trò chơi dân gian, giới thiệu văn hóa ẩm thực, giao lưu trình tấu cồng – chiêng, múa xoang…

Điều đáng ghi nhận là bên cạnh các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xã Suối Trai còn thường xuyên đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, cổ động ngăn chặn, bài trừ các hủ tục lạc hậu trong đời sống đồng bào các DTTS bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, thu hút đông đảo người dân; nên nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyến thống, mê tín, dị đoan đã đẩy lùi; các tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm, bạo hành gia đình giảm thiểu rất nhiều.

Nhà truyền thống các dân tộc huyện Sơn Hòa.

Nhà truyền thống các dân tộc huyện Sơn Hòa.

Trong 3 năm qua (2022-2024), huyện Sơn Hòa đã phân bổ gần 10,6 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, để thực hiện Dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS ở địa phương. Trong đó có gần 9,2 tỷ đồng hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa, hơn 1,4 tỷ đồng hỗ trợ khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, người tham gia hoạt động văn hóa là đồng bào DTTS.

Ông Lê Văn Quy, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân trong thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa truyền thống các DTTS huyện Sơn Hòa gắn với hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030”, tạo sự lan tỏa sâu rộng, trở thành công việc thường xuyên trong đời sống xã hội ở mỗi thôn - buôn. Việc sử dụng nguồn vốn đầu tư các dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS ở địa phương phải được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa truyền thống để hỗ trợ phát triển du lịch…

Thiện Tình – Hữu Toàn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/bao-ton-van-hoa-dan-toc-thieu-so-o-mien-nui-son-hoa-i748024/
Zalo