Bảo tồn và phục hồi các dòng sông: Hướng tới tương lai bền vững
Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nhiều con sông của nước ta đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái mà còn đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của rất nhiều người phụ thuộc vào nguồn nước ngọt. Tại Tuyên Quang, các dòng sông Lô, Gâm, sông Phó Đáy cũng đang chịu áp lực lớn từ các hoạt động kinh tế, xã hội và biến đổi khí hậu.
Hệ thống sông, suối đang chịu áp lực lớn
Tuyên Quang có mật độ sông, suối nhiều, khoảng 0,9 km/km2, với 3 con sông lớn chảy qua, gồm: Sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy. Trữ lượng nước ngầm có thể khai thác tại các lưu vực sông vào khoảng 4,2 triệu m3/ngày. Hệ thống sông ngòi của tỉnh có vai trò rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và các mục đích sử dụng khác.
Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng thiếu ý thức của một bộ phận người dân đang khiến những dòng sông, con suối tại một số địa phương bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường.
Con sông Lô, đoạn chảy qua địa phận các xã Quyết Thắng, Hồng Sơn, Trường Sinh (Sơn Dương) 2 năm nay đang phải oằn mình gánh chịu những chất thải từ các khu dân cư, chợ dân sinh trút xuống. Theo phản ánh của người dân ở các địa phương, trước đây, rác thải sinh hoạt được một đơn vị thu gom về tập kết tại xã Hồng Sơn. Tuy nhiên bãi tập kết rác nhanh chóng bị quá tải, đơn vị thu gom dừng thu gom, vận chuyển khiến việc xử lý rác của các hộ gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Anh Vũ Anh Tuấn, thôn Kim Xuyên, xã Hồng Sơn chia sẻ: Những hộ có đất vườn, tự xử lý bằng cách đốt, nhưng với những hộ ở các khu đông dân cư, thị tứ lại không còn cách nào khác là tìm cách đổ ra bờ sông, bờ ngòi.

Lực lượng đoàn viên, thanh niên phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) phục hồi hệ thống suối trên địa bàn.
Theo lãnh đạo UBND xã Hồng Sơn, xã đã lập biên bản, cảnh cáo, nhắc nhở nhiều trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định, tuy nhiên do lực lượng cán bộ mỏng, người dân thường trông chừng, đổ trộm rác lúc đêm tối dẫn đến những khó khăn trong việc ngăn chặn.
Đoạn sông Lô thuộc địa phận khu vực thành phố Tuyên Quang cũng trở thành điểm tập kết phế liệu xây dựng của một bộ phận người dân thiếu ý thức. Chị Trần Thị Trinh, một người dân có đất canh tác trên địa bàn phường Nông Tiến chia sẻ, trận lũ lịch sử hồi tháng 9-2024, đã quét đi rất nhiều đống phế thải xây dựng, tuy nhiên những tháng gần đây lại xuất hiện những đống phế thải mới.
Con sông Gâm đoạn qua xã Yên Lập (Chiêm Hóa) rác thải sinh hoạt của các hộ dân sống gần khu vực từ túi nilong, thùng xốp, chất thải hữu cơ… vẫn ngày ngày trút xuống làm ô nhiễm môi trường nước, gây mất mỹ quan, phản cảm cho nhiều người đi qua khu vực.
Bảo tồn và phục hồi các dòng sông
Hưởng ứng Ngày Nước thế giới 22-3 vừa qua, UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương khẩn trương vào cuộc để bảo tồn và phục hồi các dòng sông. Trước đó, UBND tỉnh đã có kế hoạch thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, ban hành quyết định về phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước về quy định phân vùng các nguồn tiếp nhận nước thải trên địa bàn. Đã có 138 đoạn sông, suối lập hành lang bảo vệ.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm Nghị định số 02/2023/NĐ-CP ngày 1/2/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, tổ chức hoạt động điều tra cơ bản, lập quy hoạch, lập hành lang bảo vệ tài nguyên nước và đánh giá khả năng tiếp nhận nguồn nước tại các sông, suối, ao, hồ.
Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Sở đang phối hợp với các cơ quan liên quan xác định đặc điểm hiện trạng môi trường nước của các sông, suối, hồ trên địa bàn, làm cơ sở để giám sát diễn biến chất lượng nước sông, hồ. Đồng thời tiến hành điều tra, xác định, thống kê các nguồn xả thải ô nhiễm vào nguồn nước, các nguồn tiếp nhận.
Theo đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, bảo tồn và phục hồi các dòng sông là trách nhiệm chung của toàn xã hội, bên cạnh sự vào cuộc của ngành chuyên môn, các địa phương, người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm hãy cùng nhau hành động để bảo vệ nguồn nước quý giá này, đảm bảo một tương lai bền vững cho thế hệ mai sau.