Bảo tồn và phát triển loài thông tre lá dài
Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn hiện có quần thể loài thông tre lá dài (có tên khoa học là Podocarpus nerifolius), thuộc họ kim giao (bách niên tùng), với hơn 30 cá thể, một số cây có đường kính từ 60 - 80 cm, chiều cao vút ngọn khoảng 30 m.
Loài thông tre lá dài sinh trưởng ở độ cao khoảng 1.400 - 1.500 m so với mực nước biển, thuộc địa phận xã Nậm Xây (trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn quản lý).

Quần thể thông tre lá dài với hơn 30 cây, phân bố tại xã Nậm Xây.

Thông tre lá dài là loài gỗ lớn.
Đặc điểm nhận dạng của cây thông tre lá dài: Là loài gỗ lớn, thường mọc rải rác ở rừng kín thường xanh còn nguyên sinh hay mới trở nên thứ sinh, trên núi đất và núi đá. Cây cao từ 15 - 30 m, phân cành sớm. Thân cây có vỏ mỏng, màu nâu; lá mọc so le, có cuống ngắn, thường tập trung ở đầu cành, hình dải hẹp, dài đến 10 cm - 15 cm (tùy nhánh non, cành già), rộng 1 cm - 5 cm, gốc thuôn, đầu nhọn, có gân giữa nổi rõ ở mặt trên và thường có màu nâu đỏ hay tia hồng.

Tán cây rộng, phân cành sớm.
Hoa gồm nón đực và nón cái, nón đực mọc đơn độc hay tập trung 2 - 3 cái ở kẽ lá gần đầu cành nhìn như bông giả; nón cái mọc đơn độc trên một cuống dài 1 - 2 cm, đế nạc phình ra ở phía trên, khi già màu đỏ, noãn đơn độc, hạt hình trứng, dài 1 - 1,5 cm, hơi thót lại ở đỉnh, vỏ dày và nạc, khi chín có màu xanh cô-ban. Mùa ra hoa từ tháng 5 đến tháng 10.


Cây thông tre lá dài tái sinh tại khu vực phân bố.
Cây thông tre lá dài được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (2006) ở mức sắp bị nguy cấp (VU), cần được bảo vệ.
Nhằm bảo tồn đa dạng sinh học về hệ thực vật tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn, đơn vị đã và đang bảo vệ, có hướng phát triển quần thể cây thông tre lá dài tại khu vực phân bố và khu vực lân cận. Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp tiến hành nghiên cứu, điều tra thêm về loài cây này. Từ đó có phương án bảo tồn, nhân giống phát triển.