Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

Lâm Đồng - Đà Lạt là vùng đất mới, từ đầu thế kỷ 20, cư dân từ các vùng, miền hội tụ về đây lập nghiệp. Trên hành trình ấy, họ mang theo cả nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu - tín ngưỡng lâu đời nhất của người Việt.

Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng thờ Mẫu tam, tứ phủ thờ cúng những người Mẹ (Mẫu) có công với cộng đồng, thờ cúng các anh hùng dân tộc hóa thân thành thánh, thần chở che phù trợ cho Nhân dân. Trải qua hàng ngàn năm, tín ngưỡng thờ Mẫu luôn được người Việt nâng niu gìn giữ, người Việt đi đến đâu mang theo tín ngưỡng thờ Mẫu đến đó. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lâm Đồng bắt đầu từ năm 1923, khi chùa Linh Quang - ngôi chùa đầu tiên ở Đà Lạt được xây dựng đã dành một cung thờ Mẫu trong khuôn viên chùa. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 145 cơ sở thờ Mẫu (phủ, đền, miếu, điện); đa số các điện thờ Mẫu thờ tại gia, có quy mô nhỏ, thiếu vắng kiến trúc truyền thống, nhưng được trang hoàng, tôn tạo cảnh quan tươi đẹp; chỉ có 9 ngôi đền công được thờ ở quy mô thôn, xã; trong đó, tại Đà Lạt có 2 cơ sở, Bảo Lộc 2 cơ sở, Đức Trọng 3 cơ sở, Đơn Dương 2 cơ sở. Nếu cư dân gốc Bắc thờ Mẫu tôn Thánh Mẫu Liễu Hạnh làm thần chủ và các nhân thánh có công lao to lớn đối với quốc gia dân tộc, chiếm đa số các cơ sở thờ Mẫu; thì cư dân gốc miền Trung tôn Thánh Mẫu Thiên Y A Na đứng đầu thần điện. Tuy nhiên, qua quá trình cộng cư, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em, tục thờ Mẫu của người Việt ở Lâm Đồng đã có quá trình giao thoa, định hình với không ít khác biệt thể hiện trong hình thức thờ tự và sinh hoạt tín ngưỡng.

Trong đó, Đền Việt Nam Thánh Mẫu (đường Ngô Quyền, Phường 6) là ngôi đền thờ Mẫu có quy mô lớn nhất tỉnh, được cộng đồng người dân xây dựng từ năm 1958, nằm trong cụm di tích Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Bên cạnh sự quan tâm đầu tư tu sửa, bảo tồn, cử người trông nom thờ phụng của chính quyền địa phương, việc trùng tu ngôi đền trở nên khang trang đã nhận được sự quan tâm đóng góp của doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân. Điều đó đã khẳng định sức sống bền vững, sự lan tỏa mạnh mẽ cùng nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong cộng đồng.

Hàng năm, cứ vào ngày vía Mẫu Liễu Hạnh tiết thanh minh (ngày 3/3 Âm lịch), đền tổ chức đại lễ Vân Hương với lễ rước Thánh Mẫu vân du sơn trang diễn ra long trọng, thu hút Nhân dân Đà Lạt và các vùng lân cận tham gia như một dịp sinh hoạt tín ngưỡng lớn. Cùng với sự chung sức của cộng đồng trong việc chuẩn bị lễ hội, các tổ chức hội, đoàn thể, UBND Phường 6 đã quan tâm hỗ trợ nhân lực, vật lực. Đoàn rước Thánh Mẫu diễn ra trong niềm hân hoan, cờ phướn rợp trời, đi trước là đoàn múa rồng, lân, bát âm; tiếp theo sau là kiệu, lọng, bát bửu, xe hoa mang biểu tượng chim muông. Kiệu Mẫu ở vị trí trung tâm đoàn rước được trang hoàng lộng lẫy, theo sau là đoàn thiếu nữ cùng giỏ mây đựng đầy hoa vừa đi vừa rải suốt dọc đường; đi cuối là các đồng đền, thủ nhang, thanh đồng và dân chúng về đền dự lễ. Đoàn rước lễ đi qua các con phố Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, La Sơn Phu Tử (Phường 6, Đà Lạt) kéo dài 3 km trong niềm hân hoan, sự ngưỡng vọng của Nhân dân, nguyện cầu Thánh Mẫu chở che, độ trì cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, quê hương Đà Lạt thanh bình, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống ấm no. Cùng với lễ rước, hệ thống thực hành tín ngưỡng bao gồm nghi thức hầu đồng và các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, vũ đạo, hát dâng văn, rước bóng, giao lưu hát chầu văn, nghi thức cúng lễ cũng diễn ra trang trọng trong suốt 3 ngày vía Mẫu đã làm lan tỏa giá trị đích thực của tín ngưỡng thờ Mẫu đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa của nhân loại (năm 2016)...

Thời gian qua, ngành Văn hóa tỉnh đã luôn khuyến khích đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của dân tộc, loại bỏ tập tục lạc hậu, đoàn kết tương trợ lẫn nhau, trong đó có thực hành di sản tín ngưỡng thờ Mẫu. Lễ hội tín ngưỡng ở các cơ sở thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh diễn ra trong không khí tôn nghiêm, trang trọng, hướng đến cái thiện, đến cuộc sống bình an của người dân, theo xu hướng tiến bộ. Đồng thời, kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa việc giữ gìn, phát triển những nét đẹp văn hóa truyền thống với những yếu tố hiện đại, phát huy được những tác dụng tích cực của lễ hội, vừa giữ được tính thiêng liêng của các nghi lễ cổ truyền, vừa phát huy được các giá trị nhân văn cao đẹp của di sản, thúc đẩy đa dạng văn hóa, làm bền chặt sợi dây tinh thần gắn kết cộng đồng, ngăn chặn các biểu hiện của mê tín dị đoan. Từ đó, nêu cao ý nghĩa giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tạo môi trường văn hóa lành mạnh làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết: Trong thời gian tới, ngành Văn hóa tỉnh sẽ tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ công tác tín ngưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở và các nghệ nhân thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhận diện đầy đủ vẻ đẹp một loại hình tín ngưỡng nội sinh của người Việt, bảo tồn giá trị gốc của di sản, định hình một cộng đồng những người thực hành di sản tín ngưỡng đúng đắn, lành mạnh, không làm sai lệch văn hóa truyền thống. Từ đó nhằm không ngừng bảo tồn di sản theo đúng nguyên bản, trao truyền cho các thế hệ tiếp nối đúng với ý nghĩa bản sắc tốt đẹp vốn có, thiết thực bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống đương đại.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202505/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-d3826c3/
Zalo