Bảo tồn và phát huy giá trị bảo vật quốc gia Đồng Nai
Hội tụ dấu ấn lịch sử, văn hóa tiêu biểu của từng thời kỳ lịch sử, những bảo vật quốc gia (BVQG) ở Đồng Nai thời gian qua đã và đang được phát huy giá trị tương xứng với vai trò, vị trí của hiện vật.
UBND tỉnh vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án Bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị các BVQG trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2024-2030. Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai NGUYỄN VIỆT SƠN cho biết, đây cơ sở pháp lý quan trọng cho việc gìn giữ và quảng bá giá trị BVQG trong đời sống đương đại.
* Thưa ông, hiện Đồng Nai có bao nhiêu BVQG được công nhận, bảo quản và phát huy giá trị tại Bảo tàng Đồng Nai?
- BVQG là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Chính vì thế, việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị BVQG có vai trò, ý nghĩa quan trọng. Đồng Nai có 3 BVQG đang được lưu giữ tại bảo tàng là: qua đồng Long Giao, tượng thần Vishnu Bình Hòa và đàn đá Bình Đa.
* Việc bảo quản, phát huy giá trị các BVQG tại Bảo tàng Đồng Nai thời gian qua có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
- Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nói chung, BVQG nói riêng ở một góc độ nhất định còn nhiều khó khăn. Trong đó, Bảo tàng Đồng Nai là thiết chế văn hóa được xây dựng cách đây hơn 20 năm, hiện các phòng trưng bày không còn phù hợp với thực tế hoạt động. Việc bảo quản BVQG đòi hỏi phải có đầy đủ các trang thiết bị, tủ bảo quản chuyên biệt để đảm bảo về nhiệt độ, độ ẩm thích hợp cho từng hiện vật theo đúng quy chuẩn, quy định của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.
* Như ông đã chia sẻ, UBND tỉnh mới ban hành Đề án Bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị các BVQG giai đoạn 2024-2030 và giao cho ngành văn hóa triển khai, cụ thể là Bảo tàng Đồng Nai thực hiện. Đề án có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay đối với phát huy giá trị bảo vật trên địa bàn tỉnh?
- Đề án được ban hành có ý nghĩa rất lớn trong viêc bảo quản, phát huy giá trị BVQG thông qua các hoạt động như: trưng bày, triển lãm; tuyên truyền, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng; ứng dụng công nghệ số quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội. Gắn phát huy giá trị các BVQG với phát triển du lịch của tỉnh và tổ chức tour du lịch đưa khách tham quan về bảo tàng - nơi lưu giữ các bảo vật. Ngoài ra, tích cực huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác bảo quản, phát huy giá trị các bảo vật, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Tượng tê tê Long Giao bằng đồng thau là hiện vật gốc, độc bản, sản phẩm bản địa của cư dân cổ sinh sống tại đây, cho đến nay chưa có tượng tê tê nào khác được phát hiện và công bố. Đây là tiêu bản duy nhất phát hiện ở Việt Nam. Tượng có hình thức độc đáo từ kích thước, hình dáng đến kỹ thuật đúc tinh xảo có niên đại khoảng thế kỷ III-I trước công nguyên. Tượng là hiện vật có giá trị văn hóa tiêu biểu, sản phẩm ưu việt của nghề luyện kim cổ ở Đồng Nai, dấu ấn của một “dòng chảy” kỹ thuật đúc đồng thủ công đặc sắc, cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
* Năm 2024, Bảo tàng Đồng Nai thực hiện hồ sơ công nhận BVQG tượng tê tê đồng Long Giao. Ông có thể chia sẻ để công chúng cùng biết?
- Tượng tê tê đồng Long Giao còn có tên gọi khác là tượng trút đồng Long Giao, tượng xuyên sơn giáp đồng Long Giao. Vào năm 1985, trong quá trình lao động sản xuất tại đồi 57, ấp Long Giao, xã Xuân Mỹ (huyện Xuân Lộc), một số người dân địa phương đã phát hiện được tượng tê tê. Sau đó, tượng được đưa về nhà truyền thống Nông trường Cao su Cẩm Mỹ trưng bày. Ngày 30-6-1990, nông trường và xã Xuân Mỹ đã làm thủ tục bàn giao lại cho Bảo tàng Đồng Nai lưu giữ, bảo quản và trưng bày, quảng bá và phát huy giá trị.
Hiện nay, Bảo tàng Đồng Nai đã hoàn thành hồ sơ khoa học tượng tê tê đồng Long Giao và đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị các cấp có thẩm quyền công nhận BVQG.
* Thưa ông, để phát huy giá trị BVQG, thời gian tới bảo tàng có những kế hoạch cụ thể gì?
- Trên cơ sở đề án được UBND tỉnh phê duyệt, Bảo tàng Đồng Nai sẽ đề xuất Sở Văn hóa, thể thao và du lịch xây dựng phương án bảo quản phù hợp với từng hiện vật. Cụ thể là tổ chức không gian bảo vệ, bảo quản và phát huy phù hợp, hiện đại; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, viên chức và người lao động về tầm quan trọng của BVQG, cảnh giác và có đề xuất kịp thời xử lý tình huống đột xuất xảy ra trong việc bảo vệ, bảo quản hiện vật. Thực hiện triển lãm chuyên đề; phim tư liệu; truyền thông trên website của đơn vị và các trang mạng xã hội nhằm quảng bá đến công chúng giá trị của BVQG.
Bên cạnh đó, bảo tàng sẽ phát hành sách, báo, ấn phẩm về BVQG; ứng dụng công nghệ số để bảo vệ, phát huy giá trị các bảo vật…
* Xin cảm ơn ông!
My Ny (thực hiện)