Bảo tồn rắn quý
Trong nỗ lực tìm kiếm, các chuyên gia, những người làm công tác bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) ghi nhận sự sinh tồn nhiều loài rắn quý, hiếm hiện diện tại nhiều sinh cảnh khác nhau...
Cảm tình với... rắn
Tình yêu vẻ đẹp thiên nhiên, các loài ĐVHD đối với anh Trần Xuân Hai, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Phong Điền được nhen nhóm từ khi còn trên ghế nhà trường. Cứ vào mùa chim di cư về làm tổ trú ngụ, sinh sôi thì nhóm bạn học trò hồi đó sắm ná bắn chim. Những lần như thế, anh Hai thường can ngăn bạn bè dừng ngay hành động này. Tình yêu ĐVHD với chàng trai trẻ có lẽ cũng bắt đầu từ đó...
Được tuyển dụng vào làm việc tại Khu BTTN Phong Điền với anh Hai như một cái duyên. Từ trong sâu thẳm, tình yêu các loài ĐVHD đều như nhau, trong đó rắn là một trong những loài mà anh từng bắt gặp, gắn với nhiều kỷ niệm từ thuở học trò.
Anh Hai còn nhớ, thuở nhỏ từng nghe nhiều người kháo rằng, ai gặp rắn học trò là điềm may, học giỏi. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên song khiến lũ học trò như Hai hồi đó càng “có niềm tin” hơn mỗi khi sau những lần gặp rắn học trò đều đạt điểm cao trong học tập. Cũng chính từ đó mà chàng trai càng yêu động vật và các loài rắn nhiều hơn. Hai từng gạt nước mắt khi chứng kiến những món ăn từ rắn, những bình rượu ngâm loài bò sát này...
Rắn cũng như bao loài ĐVHD khác, cũng có tình mẫu tử, phu thê. Thuở nhỏ, anh từng bắt gặp những cảnh vô cùng cảm động về rắn mẹ bằng mọi cách bảo vệ an toàn cho đàn con nhỏ trước bầy chuột cống lăm le. Rắn mẹ khoanh mình che chở, bảo vệ an toàn cho đàn con và chống trả quyết liệt với lũ chuột đang cần thức ăn. Có lần, anh tận mắt chứng kiến đôi rắn “vợ chồng” quấn quýt nhau không rời giữa dòng suối chảy xiết vào mùa nước lũ.
Trần Xuân Hai từng đề xuất với đơn vị, cấp trên quan tâm nhiều hơn nữa đến hoạt động tìm kiếm, bảo tồn các loài rắn. Mỗi chuyến tuần tra, truyền thông lưu động, anh cùng với cán bộ đơn vị làm công tác bảo tồn đều mang theo những hình ảnh các loài rắn bên mình. Đến các khu dân cư, các anh đều đưa hình ảnh các loài rắn, đặc biệt các loài quý hiếm, nguy cấp để người dân nhận biết, hiểu và chung tay cùng lực lượng chức năng có biện pháp bảo tồn, bảo vệ hiệu quả.
Anh Hai chia sẻ, hoạt động bảo vệ, bảo tồn các loài rắn trong những năm gần đây được quan tâm hơn, có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân. Tại nhiều quán ăn uống ít xuất hiện những hũ rượu ngâm rắn. Tuy nhiên, nhiều nơi, nhất là người dân bản địa sống ven rừng, ven đầm phá vẫn còn tình trạng lén lút săn bắt rắn chế biến món ăn, hoặc bán cho các nhà hàng. “Hành vi xâm hại này cứ tái diễn, kéo dài thì nhiều loài rắn giảm số lượng cá thể, có nguy cơ tuyệt chủng”, anh Hai cảnh báo.
Nỗ lực bảo tồn
Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) có hệ sinh thái phong phú với khoảng 50 loài rắn được ghi nhận, trong đó nhiều loài đặc hữu. Tin vui gần đây, một loài rắn mới đã được phát hiện tại khu vực núi Bạch Mã, được đặt tên là rắn ráo xanh Bạch Mã (Ptyas bachmaensis). Phát hiện này không chỉ khẳng định sự đa dạng sinh học của khu vực, mà còn mở ra cơ hội cho công tác bảo tồn các loài ĐVHD tại đây.
Anh Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố cho rằng, trên địa bàn thành phố đang đối diện với nhiều thách thức trong công tác bảo tồn các loài rắn. Nhiều loài rắn bị đe dọa như các loài rắn lục (Trimeresurus spp) và rắn hổ mang (Naja spp) ở tình trạng báo động. Một nghiên cứu từ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho thấy, số lượng rắn lục tại các khu vực rừng tự nhiên đã giảm hơn 40% trong vòng 20 năm qua do hoạt động khai thác rừng và đô thị hóa. Sự suy giảm này gây ra mối lo ngại lớn cho sự tồn tại của các loài rắn cũng như sự cân bằng sinh thái trong khu vực.
Mất môi trường sống là một trong những thách thức lớn nhất đối với việc bảo tồn các loài rắn tại Huế. Sự phát triển đô thị và gia tăng dân số dẫn đến việc mở rộng xây dựng hạ tầng, tạo áp lực lớn lên các sinh cảnh tự nhiên. Các khu rừng, đầm lầy và vùng đất ngập nước - nơi được cho là môi trường sống lý tưởng cho nhiều loài rắn đang dần bị thay thế bởi các công trình nhà ở, khu thương mại và các dự án phát triển khác.
Tình trạng săn bắt rắn để sử dụng trong đông y, làm thực phẩm không chỉ gây áp lực lớn lên quần thể các loài rắn, mà còn làm suy giảm tính đa dạng sinh học trong khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái nơi chúng sống. Hơn nữa, sự thay đổi khí hậu cũng đang gây thêm áp lực lên các sinh cảnh tự nhiên. Mất môi trường sống không chỉ là vấn đề của riêng các loài rắn mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái của chúng, đe dọa đến sự cân bằng sinh thái.
Anh Lê Ngọc Tuấn thông tin, trong bối cảnh đáng lo ngại này, Huế đã triển khai nhiều chương trình bảo tồn các loài rắn và môi trường sống của chúng. Một trong những nỗ lực nổi bật là duy trì và mở rộng sinh cảnh rừng tự nhiên tại các Vườn Quốc gia Bạch Mã, Khu BTTN Phong Điền và quan tâm nhiều hơn hoạt động tuần tra, thực thi pháp luật về bảo vệ ĐVHD nói chung và bảo tồn các loài rắn nói riêng.
Lực lượng kiểm lâm thành phố đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc bảo vệ các loài rắn. Riêng trong năm 2024, lực lượng kiểm lâm tiếp nhận hai cá thể trăn gấm (Python reticulatus) và hai cá thể trăn đất (Morelia spilota) từ người dân tự nguyện giao nộp. Đây là những loài bò sát thuộc danh mục loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB. Các loài trăn này chưa bị đe dọa tuyệt chủng, nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Cả hai cá thể này được chăm sóc và sau đó tái thả về môi trường tự nhiên, góp phần phục hồi quần thể trăn, rắn tại địa phương. Những hành động này không chỉ giúp bảo vệ các loài trăn, rắn mà còn khuyến khích tinh thần trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn ĐVHD.
Các hoạt động tuyên truyền giáo dục cộng đồng cũng được ngành kiểm lâm triển khai tích cực, sâu rộng đến từng khu dân cư, hộ dân. Các tổ chức phi chính phủ và chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều buổi hội thảo và chương trình giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của rắn trong hệ sinh thái. Các chiến dịch truyền thông đã góp phần giảm thiểu nỗi sợ hãi về rắn, từ đó khuyến khích người dân tham gia bảo vệ chúng. Bảo tồn các loài rắn không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn cần sự tham gia tích cực, hành động từ mỗi cá nhân.
Ghi nhận của các chuyên gia, trong tổng số 88 loài lưỡng cư, bò sát tại Khu BTTN Phong Điền có 20 loài rắn thuộc 3 họ khác nhau. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu thành phần loài ở Khu BTTN Phong Điền, theo Sách đỏ Việt Nam (2007), Nghị định 84/2021/NĐ-CP, kết quả đã xác định có đến 24 loài lưỡng cư, bò sát nguy cấp, bị đe dọa, gồm 2 loài lưỡng cư và 22 loài bò sát với các cấp độ khác nhau.