Bảo tồn, phát huy trò chạy chữ 'thiên - hạ - thái - bình'

Trò chạy chữ 'thiên - hạ - thái - bình' có tự bao giờ, người dân làng Vệ Yên (phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa) chẳng ai khẳng định được. Nhưng những nét độc đáo của trò chạy chữ cùng không khí rộn ràng, náo nức ngày hội làng đã lưu dấu ấn sâu đậm trong tiềm thức, trở thành niềm tự hào của các thế hệ người dân nơi đây.

Quân đỏ - quân xanh tham gia trò chạy chữ “thiên - hạ - thái - bình”.

Làng Vệ Yên nằm trong vùng đất thuộc di chỉ khảo cổ văn hóa Đông Sơn. Theo thần phả các đền thờ có ở làng như: đền Nguyễn Phục, Đỗ Đại, Sầm Quận Công, Đông Hải tôn thần và gia phả các dòng họ đã sinh cơ lập nghiệp ở đây từ lâu đời (Lê Hữu, Đàm Sỹ, Đỗ Khắc...), làng Vệ Yên là ngôi làng cổ. Ban đầu làng có tên là Vệ Đà, đến thời đầu nhà Nguyễn đổi tên thành làng Vệ Yên, thuộc xã Bố Vệ, tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên. Trải qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, từ tháng 4/1948 làng Vệ Yên thuộc xã Quảng Thắng lớn (nay là phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa). Giữa nhịp sống đô thị, nằm trong lòng thành phố, qua bao nhiêu thăng trầm, biến đổi, làng Vệ Yên vẫn lưu giữ được nhiều nét đẹp lịch sử - văn hóa truyền thống tiêu biểu, trong đó có trò chạy chữ “thiên - hạ - thái - bình”.

Vệ Yên vốn là ngôi làng thuần nông nghiệp nhưng có truyền thống thượng võ. Trò chạy chữ “thiên - hạ - thái - bình” kết hợp biểu diễn võ thuật hướng tới mục đích giáo dục cộng đồng tinh thần thượng võ để rèn luyện sức khỏe, cống hiến sức mình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước và gửi gắm mong cầu, ước nguyện về cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc. Vào các ngày mùng 7, 8 tháng Giêng, trong lễ hội của làng, cùng với các nghi thức rước kiệu, tế lễ, các hoạt động văn hóa - văn nghệ quần chúng, thể thao (tung cù, bịt mắt đánh trống, múa lân rồng...), trò chạy chữ “thiên - hạ - thái - bình” là một trong những “điểm nhấn”, thu hút đông đảo người xem. Trò chạy chữ được diễn ra trong không gian của đền thờ Nguyễn Phục - đền thờ Thành hoàng của làng.

Cách thức tổ chức trò chạy chữ “thiên - hạ - thái - bình” rất độc đáo. Số lượng người tham gia khoảng từ 20 đến 30 người hoặc có thể huy động lên tới 80 hoặc hơn 100 người tùy sự kiện, sân khấu, bao gồm cả nam và nữ. Không có yêu cầu quá khắt khe, người tham gia cơ bản đáp ứng các yếu tố sức khỏe, nhiệt tình, thuộc chữ, khả năng quan sát, ghi nhớ tốt.

Khi vào đội hình, “quân” sẽ được chia thành hai đội với số lượng người tương đương, dẫn đầu mỗi đội là ông tướng. Hai đội phân biệt với nhau bằng màu sắc trang phục nên thường gọi là quân xanh và quân đỏ. Quân xanh là quân địch, quân đỏ là quân khởi nghĩa. Từ các tài liệu còn lưu giữ và qua lời kể của các vị cao niên trong làng, theo lệ cũ, trước khi vào màn chạy chữ, hai đội quân tập hợp thành hàng dọc vào bái tổ (Thành hoàng làng), làm các nghi thức “nhận lệnh”. Hiện nay, để phù hợp với bối cảnh, tính chất sự kiện, thời gian tổ chức, cách thức tổ chức trò chạy chữ có nhiều điểm khác biệt so với trước đây.

Theo đó, đội hình xếp thành hai hàng với hai tướng cầm quân đứng đầu. Hai tướng dẫn quân chạy vòng tròn xoắn ốc để “chào sân”, chào khán giả. Sau đó hai hàng bắt đầu ra quân để “bắt”/xếp vào chữ “thiên - hạ - thái - bình” đã được chuẩn bị sẵn trên nền sân, đều là các hán tự. Quân xanh chạy chữ “thiên - hạ”; quân đỏ chạy chữ “thái - bình”. Trong quá trình đó, mỗi khi kết thúc một chữ, hai đội quân liên tục vào ốc nhỏ, vào ốc lớn để chuyển sang chữ tiếp theo. Tiếp tục hai đội quân sẽ đổi vị trí xếp chữ. Quân đỏ chạy chữ “thiên - hạ” hô to “thiên - hạ”, quân xanh chạy chữ “thái - bình” hô to “thái bình”. Hoàn thành việc hoán đổi chạy chữ, hai đội dồn quân để xếp đồng loạt 4 chữ “thiên - hạ - thái - bình”. Kết thúc phần xếp chữ, “quân” tỏa ra thành vòng tròn lớn, giữa vòng tròn có người biểu diễn võ thuật, phất cờ. Hai đội quân vào lại hai hàng theo tướng, chào sân để kết thúc trò chạy chữ. “Trống giong, cờ mở” trong suốt quá trình chạy chữ giúp cho không khí trò diễn càng thêm sôi động, khiến người xem có cảm giác như đang được chứng kiến những trận đánh hào hùng, đầy khí phách của cha ông ta trong suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

“Chẳng ai trong chúng tôi biết được trò chạy chữ “thiên - hạ - thái - bình” có từ khi nào. Chúng tôi chỉ biết nó đã tồn tại rất lâu đời, tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân làng chúng tôi”. Những chia sẻ chân thành của ông Đỗ Khắc Bình (64 tuổi, trưởng làng Vệ Yên), ông Lê Hữu Chủ (70 tuổi), Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa nghệ thuật truyền thống phường Quảng Thắng mở ra thêm những câu chuyện về trò diễn cho những vị khách lần đầu đặt chân đến nơi đây hiểu hơn về tình yêu mến, trân trọng và nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các thế hệ người dân nơi đây.

Ông Bình sinh ra và lớn lên ở làng Vệ Yên, ký ức tuổi thơ là những ngày hớn hở cùng đám bạn xem hội, khoái chí nhìn người lớn trong làng tập luyện, biểu diễn trò chạy chữ. Ông Bình kể: “Người làng chúng tôi ai ai cũng thích xem chạy chữ. Chỉ riêng không khí tập luyện thôi đã thấy rộn ràng. Mà ngày ấy kể cả tập luyện các cụ cũng rất nghiêm. Đám trẻ chúng tôi đi xem, nhiều khi thích quá cũng sà vào trong đoàn, lẽo đẽo chạy nối đuôi theo. Các cụ mắng lại phụng phịu đi ra”. Niềm yêu thích với trò chạy chữ cứ thế lớn dần lên theo năm tháng. Từ cậu be theo bạn đi xem hội, đến nay, ông Bình là chủ nhiệm CLB Văn hóa nghệ thuật truyền thống phường Quảng Thắng, phụ trách chính trò chạy chữ.

Cũng xuất phát từ tình yêu, đam mê với văn hóa truyền thống mà dẫu đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” ông Lê Hữu Chủ vẫn hăng hái tham gia CLB Văn hóa nghệ thuật truyền thống phường Quảng Thắng, vẫn dẻo dai, bền bỉ với những màn trình diễn chạy chữ. Ông Chủ bộc bạch: “Chúng tôi đều có tuổi cả rồi, nhưng tình yêu dành cho các giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông để lại thì vẫn còn trẻ mãi. Điều mong mỏi lớn nhất của tôi là có thể lan tỏa được nét đẹp của trò chạy chữ đến với đông đảo người dân hơn; truyền dạy cho nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ biết cách chạy chữ, say mê chạy chữ để bảo tồn và phát huy giá trị trò diễn này”.

Có một điều thú vị, cả ông Bình, ông Chủ là những người nhiều năm đảm nhận vai trò làm “tướng” dẫn đầu hai đội quân trong trò chạy chữ “thiên - hạ - thái - bình”. Những ngày làng có hội hay đoàn được mời tham dự, biểu diễn trò chạy chữ tại các sự kiện lớn của thành phố, của tỉnh, hai “vị tướng” ngày nào cũng bận rộn lo chuyện đạo cụ, trang phục, đôn đáo đội trống, đội quân tập luyện.

Các ông tự hào cho biết: Không kể là chúng tôi mà ai ai trong CLB cũng đều nhiệt tình, trách nhiệm như thế. Người dân làng Vệ Yên rất yêu văn hóa - văn nghệ. Chúng tôi vui vì đến bây giờ vẫn gìn giữ được truyền thống quê hương. Chúng tôi càng vui hơn khi được đóng góp sức mình, được yêu mến, tin tưởng lựa chọn tham gia biểu diễn phục vụ các sự kiện lớn của phường, thành phố và tỉnh.

Trong suốt cuộc nói chuyện, hai ông vẫn luôn nhấn mạnh tâm nguyện lớn nhất của người dân làng Vệ Yên là bảo tồn và phát huy giá trị trò chạy chữ “thiên - hạ - thái - bình”, để từ đó giáo dục các thế hệ sau này biết trân trọng quá khứ, “di sản” của tiền nhân. Như cái cây phải từ gốc rễ khỏe mạnh mà đâm cành, tỏa nhánh, “sức đề kháng” của làng trước vòng xoáy thị trường, nhịp sống hiện đại cốt yếu là việc lưu giữ được bản sắc, truyền thống. Vì lẽ đó, các ông mong mỏi rằng, trên hành trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng Vệ Yên nói riêng, cộng đồng làng xã Việt Nam nói chung tiếp tục nhận được sự quan tâm, động viên, hỗ trợ thiết thực từ các cấp, ngành, chung tay của cả xã hội.

Bài và ảnh: Thảo Linh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/bao-ton-phat-huy-tro-chay-chu-thien-ha-thai-binh-32223.htm
Zalo