Bảo tồn, phát huy giá trị tri thức dân gian

Các tri thức dân gian (TTDG): phở Nam Định, phở Hà Nội, mì Quảng, tri thức may, mặc áo dài Huế… vừa được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TTDL) ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Nghề làm rượu cần của đồng bào Mường, xã Phú Túc, huyện Định Quán đã và đang được bảo tồn, phát huy. Ảnh:Ly Na

Nghề làm rượu cần của đồng bào Mường, xã Phú Túc, huyện Định Quán đã và đang được bảo tồn, phát huy. Ảnh:Ly Na

Hiện Đồng Nai chưa có TTDG được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, nhiều TTDG đã và đang được các ngành, các cấp quan tâm, tổ chức kiểm kê, sưu tầm và nghiên cứu.

Nhiều TTDG là di sản

TTDG được hiểu là tri thức hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài của các dân tộc, được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua thực tiễn lao động, sản xuất và thực hành xã hội. Khó có thể kể hết hoặc hệ thống một cách tường tận về tất cả những gì thuộc về TTDG của mỗi dân tộc sinh sống, gắn bó lâu đời. Đó là những kinh nghiệm về trồng trọt, sản xuất, cách tính thời gian, phán đoán thời tiết, những kiến thức về xây dựng nhà ở, bài thuốc chữa bệnh… Tất cả được truyền khẩu, truyền tay, được ghi nhớ và áp dụng trong đời sống thường ngày.

Cùng với sưu tầm, nghiên cứu các TTDG, thời gian qua, Bảo tàng Đồng Nai triển khai thực hiện nhiều đề tài khoa học như: các lễ cúng của người Hoa ở Đồng Nai; di sản văn hóa người Mường xã Phú Túc (huyện Định Quán); ẩm thực các dân tộc ở Đồng Nai…

Cũng bởi sự độc đáo và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của TTDG đối với sự tồn tại, phát triển của mỗi dân tộc, mới đây, Bộ VH-TTDL đã ghi danh nhiều TTDG vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nổi bật như tri thức may, mặc áo dài Huế được nuôi dưỡng trên nền của một vùng văn hóa từng là kinh đô cuối cùng của triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam.

Với bề dày hơn 325 năm hình thành và phát triển, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Đồng Nai đã tích lũy và duy trì được kho tàng TTDG quý giá như: nhạc cụ, nhạc khí; trang phục, trang sức; ẩm thực các dân tộc, các bài thuốc dân gian… Mặc dù các tri thức này chưa được ghi danh vào danh mục di sản song đã được Bảo tàng Đồng Nai tổ chức sưu tầm, kiểm kê, nghiên cứu, phục vụ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Bảo tồn và phát huy giá trị TTDG

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, thạc sĩ Trần Quang Toại cho biết, Đồng Nai có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ngoài việc xây dựng hồ sơ ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Sayangva của người Chơro, Đồng Nai cần nghiên cứu thêm một số di sản văn hóa phi vật thể trong đồng bào dân tộc. Trong đó có nghề làm rượu cần của đồng bào Mường và những bài thuốc dân gian của người Chơro. Đây là những di sản văn hóa rất quý, cần được gìn giữ, trao truyền cho thế hệ mai sau.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh Đồng Nai, việc bảo tồn, phát huy giá trị các TTDG của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai là việc làm rất cần thiết. Để di sản không bị mai một, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức sưu tầm, kiểm kê, nghiên cứu các TTDG, lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TTDL ghi danh. Bên cạnh đó, tổ chức truyền dạy, đưa các di sản văn hóa phi vật thể trở thành nguồn tài nguyên du lịch nhân văn, có giá trị văn hóa, ý nghĩa lịch sử to lớn gắn với phát triển du lịch Đồng Nai.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202408/bao-ton-phat-huy-gia-tri-tri-thuc-dan-gian-49878b4/
Zalo