Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Thổ, Dao, Mông tỉnh Thanh Hóa

Mỗi dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất xứ Thanh đều có nguồn gốc lịch sử, văn hóa, điều kiện và môi trường sống, với những đặc điểm khác nhau. Đó cũng chính là cơ sở để mỗi dân tộc có được những sắc thái riêng, hay nét bản sắc tộc người riêng có. Do vậy, những năm qua, Thanh Hóa đã dành một nguồn lực không nhỏ trong việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, trang phục, nghề truyền thống, giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trong bài viết này tác giả xin đưa ra 3 dân tộc: Mông, Thổ và Dao.

Khèn Mông - nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Mông.

Khèn Mông - nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Mông.

Thanh Hóa là một trong những cái nôi của những giá trị văn hóa phi vật thể của người Việt và của đồng bào các dân tộc thiểu số còn lưu lại đến ngày nay đậm nét. Cũng như các dân tộc thiểu số khác đang cư trú trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cộng đồng người Mông sở hữu một kho tàng văn nghệ dân gian rất phong phú, đặc sắc.

Nhắc đến kho tàng văn hóa dân gian của người Mông không thể không nhắc đến những nhạc cụ truyền thống độc đáo của tộc người này. Đó là khèn, sáo trúc, đàn môi, kèn lá... Những thanh âm ấy không chỉ được người Mông yêu thích mà còn làm say lòng biết bao trái tim trong cộng đồng các dân tộc anh em. Tiêu biểu phải kể đến nhạc cụ truyền thống mà người dân quen gọi là “khèn”. Từ xưa đến nay, trong văn hóa của người Mông chiếc khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ khiến người nghe, người xem bị cuốn vào những âm thanh, tiết tấu biến hóa điêu luyện. Khèn của người Mông cũng vừa là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh nhưng cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, chia sẻ tâm tư tình cảm, giúp chủ thể văn hóa thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời. Từ chiếc khèn, biết bao chàng trai, cô gái Mông đã dùng tiếng khèn để gặp gỡ, hò hẹn nên duyên vợ chồng. “Rượu ngô anh uống khèn anh thổi/ Váy hoa em múa hòa sắc xuân”.

Cùng với chiều dài lịch sử, dân tộc Mông sớm có một nền văn học dân gian phong phú. Các thể loại đặc sắc gồm có: Thần thoại, truyền thuyết, cổ tích và đặc biệt là thơ ca dân gian. Nội dung của dân ca Mông được phân thành 5 mảng đề tài chính: Tiếng hát cúng ma, tiếng hát tình yêu, tiếng hát cưới xin, tiếng hát làm dâu và tiếng hát mồ côi. Tục ngữ Mông đề cập đến mọi lĩnh vực và các mối quan hệ xã hội nhiều mặt (quan hệ gia đình, quan hệ cộng đồng...). Trong quan hệ cộng đồng, tục ngữ Mông đề cao tinh thần đoàn kết. Người Mông có câu: “Có nước tất cả cùng đổ - Có tiền tất cả cùng tiêu”. Trong quan hệ gia đình, người Mông rất đề cao công dưỡng dục của cha mẹ, rất coi trọng tình cảm anh em, tình cảm vợ chồng: Anh em cãi nhau không bỏ ma, Tình yêu tốt một thời - Vợ chồng tốt một đời, Hàm răng đẹp đôi khi cũng cắn phải lưỡi - Vợ chồng hòa hợp đôi khi cũng có dỗi hờn... Bên cạnh đó, họ cũng có rất nhiều câu tục ngữ đề cập đến vai trò quan trọng của người già: “Gừng già gừng cay - Người già hiểu điều hay”; đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người: “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu - Trai khỏe không biết làm rẫy cũng hèn”...

Trên địa bàn 11 huyện miền núi với các dân tộc thiểu số từ bao đời họ đã sáng tạo nên các loại hình dân ca đặc sắc. Trong đó phải kể đến dân ca của đồng bào dân tộc Thổ. Người Thổ ở Thanh Hóa sinh sống tập trung tại huyện Như Xuân, chủ yếu ở thị trấn Yên Cát và các xã: Cát Tân, Cát Vân, Hóa Quỳ, Bãi Trành, Xuân Bình, Bình Lương. Âm nhạc cũng được người Thổ sử dụng trong hội lễ, hát trao duyên, trao tình. Người Thổ sử dụng thành thạo đàn môi, sáo, kèn, đánh trống đất, yêu thích văn hóa, văn nghệ, say mê ca hát họ hát trong khi lên rẫy, xuống đồng cao, ruộng thấp; hát khi đập lúa, giã gạo, giã cốm; hát ru con ngủ, hát giao duyên gửi thương gửi nhớ cho người mình yêu, cảm mến. Dân ca của người Thổ vừa cất cao trong cuộc sống lao động, vừa diễn xướng trong lễ tiết hội hè, “Xuân Thu nhị kỳ“ mà còn ngân lên trong cuộc sống thường ngày. Trong các làn điệu dân ca của người Thổ, hát “Chậm đò ho” trở nên phổ biến “Chậm đò ho/ Xanh chồi thắm lộc/ Cành ngọn cao cao/ Vươn thẳng trời sao/ Gọi con cánh điếng/ Muốn uống nước giếng/ Lên ngọn cây cau/ Muốn uống nước rào/ Lên ngọn vông đồng/ Phượng vĩ đỏ bông/ Ve sầu ca hát,...”. Khi hát, người ta thường chia hai nhóm, đối đáp qua lại. Bắt đầu là những câu hát vui nhộn nhưng được hát chậm rãi nói về cảnh sinh hoạt đời thường, bài dân ca “Chậm đò ho” đã bắc cầu cho không ít đôi trai gái người Thổ bén duyên, nên vợ, nên chồng. Âm thanh của tiếng trống, tiếng chiêng, cặp nặp hòa cùng tiếng chày giã gạo không chỉ tạo nên không khí vui nhộn, xua đi những nhọc nhằn trong cuộc sống mà còn lưu lại những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Thổ từ bao đời nay. Lúa mang về mẹ phơi ba nắng/ Em giã bằng chày, gạo trắng như bông, Mồ hôi dù đổ trên đồng/ Nghe chày giã gạo mà lòng ta vui. Bên cạnh các giá trị văn hóa dân gian của người Thổ, hiện vẫn còn được truyền lại trong Nhân dân như trống chiêng, váy áo, thắt lưng, thì còn nhiều giá trị văn hóa cổ truyền nếu không kịp thời bảo lưu sẽ rất dễ bị mai một, nhất là đối với các giá trị phi vật thể như phong tục tập quán, các chuyện kể, các làn điệu dân ca cổ như: Đu đu điềng điềng, cồng chiêng tập tính tập tang dạ ơi...

Người Dao quần chẹt huyện Cẩm Thủy trong trang phục truyền thống điệu Múa Rùa.

Người Dao quần chẹt huyện Cẩm Thủy trong trang phục truyền thống điệu Múa Rùa.

Cư trú cùng với đồng bào các dân tộc Mường, Thổ, Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú ở vùng miền đồi núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, từ bao đời nay, người Dao có hai ngành chính là Dao quần chẹt và Dao đỏ, sinh sống ở các huyện: Mường Lát, Ngọc Lặc và Cẩm Thủy. Trong đó người Dao quần chẹt có 6.748 người sống tập trung ở 10 làng (Cẩm Thủy 7 làng và Ngọc Lặc 3 làng). Đồng bào Dao chỉ chiếm gần 3%, so với hơn 1 triệu người sinh sống trên địa bàn miền núi Thanh Hóa, nhưng sắc thái văn hóa và phong tục tập quán phong phú, độc đáo vẫn được đồng bào Dao trân quý, thực hành, trao truyền và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống, trong đó Tết Nhảy là một trong những sắc thái văn hóa đặc sắc.

Tết Nhảy tổ chức vào hai tháng cuối năm âm lịch, khi hoa đào, hoa mơ chúm chím những nụ xuân thì cũng là lúc khắp các bản làng người Dao lại rộn ràng tổ chức Tết Nhảy thâu đêm suốt sáng trong thời gian ba ngày đêm với nhiều nghi thức dâng lễ Bàn Vương, tổ tiên, ông, bà, cha mẹ đã khuất và cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh, cuộc sống yên lành. Bản sắc văn hóa dân tộc Dao còn được thể hiện đậm nét qua một số lễ hội đặc trưng như Lễ Hạ điền (cầu mùa) vào tháng tư; Tết năm cùng... Đặc biệt là các tín ngưỡng và nghi lễ liên quan đến nông nghiệp. Bắt nguồn từ tín ngưỡng đa thần nguyên thủy nên trong quan niệm của người Dao, cây cối và vật nuôi đều có linh hồn, có sống - chết, có cảm xúc như Lễ cúng ma nương; Lễ cầu mùa và diệt trừ sâu bọ, Lễ cúng hồn lúa; Lễ tế mẹ lúa; Lễ cúng cơm mới,... Lễ cúng cơm mới được tiến hành khi lúa sắp được thu hoạch (người Dao đỏ) hoặc khi việc thu hoạch đã hoàn tất (người Dao quần chẹt). Người ta chọn ngày tốt, chọn lúa mới gặt nấu cơm để làm lễ cúng tổ tiên, khấn mời ma nhà, ma nương phù hộ cho mùa sau tươi tốt, gia chủ no ấm... Trong văn hóa truyền thống dân tộc Dao, trang phục có một vị trí rất đặc biệt. Trang phục gồm y phục và đồ trang sức, cũng được xem là kết quả từ sự giao thoa giữa môi trường sống, kỹ thuật chế tác đồ trang sức và quan niệm thẩm mỹ của dân tộc Dao. Ngày nay, cùng với quá trình giao thoa văn hóa, nhất là xu hướng “Kinh hóa” trang phục, nên trang phục truyền thống người Dao thường chỉ xuất hiện nhiều trong các dịp đặc biệt như nghi thức truyền thống, lễ, tết.

Muốn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số hiệu quả, mang tính bền vững, theo chúng tôi, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thanh Hóa cần có một chính sách đầu tư hợp lý, mạnh mẽ và thỏa đáng hơn. Đồng thời phải quan tâm, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, các nghệ nhân, nhà nghiên cứu và những cá nhân đang ngày đêm miệt mài trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống. Bên cạnh đó, cũng cần có sự phê phán, chế tài đủ mạnh đối với những nhận thức sai lệch, làm tổn hại di sản văn hóa của cha ông, làm mờ nhạt bản sắc văn hóa dân tộc và hình ảnh tỉnh Thanh Hóa “Thiên linh - địa tú - nhân kiệt”.

Hoàng Bá Tường, Lâu Minh Pó, Đào Thị Vinh

*Bài viết Sở VHTT&DL đặt hàng theo Đề án “Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023-2025”.

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/bao-ton-phat-huy-ban-sac-van-hoa-truyen-thong-cua-dong-bao-cac-dan-toc-tho-dao-mong-tinh-thanh-hoa-34733.htm
Zalo