Bảo tồn loài dơi để duy trì cân bằng sinh thái

Ngày 26/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị Nghiên cứu và Bảo tồn dơi Đông Nam Á (SEABCRU); Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học và Loài nguy cấp (CBES) và CIM (doanh nghiệp xã hội có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn) phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế về Bảo tồn dơi lần đầu tiên tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu bảo tồn dơi và phát triển bền vững.

Ảnh các loài dơi được trưng bày tại hội nghị.

Ảnh các loài dơi được trưng bày tại hội nghị.

Hội nghị thu hút hơn 120 nhà khoa học, chuyên gia bảo tồn và các nhà hoạt động môi trường từ hơn 20 quốc gia để cùng thảo luận các chủ đề về: sinh thái học và dịch vụ hệ sinh thái của dơi, bảo tồn dơi trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tiến hóa và đa dạng loài cùng mối liên hệ giữa dơi và dịch bệnh.

Phát biểu tại hội nghị, Giáo sư Tigga Kingston từ Đại học Texas Tech (Mỹ), Giám đốc SEABCRU nhấn mạnh, Hội nghị quốc tế về Nghiên cứu và Bảo tồn dơi Đông Nam Á lần thứ 5 không chỉ là nơi chia sẻ các nghiên cứu tiên tiến mà còn là cơ hội để khẳng định vai trò thiết yếu của dơi đối với hệ sinh thái và cuộc sống con người.

Giáo sư Tigga Kingston kỳ vọng, sự kiện này sẽ làm nổi bật những đóng góp to lớn của dơi trong việc duy trì cân bằng sinh thái, hỗ trợ nông nghiệp và mở ra nhiều ứng dụng tiềm năng trong lĩnh vực y học.

Các đại biểu, chuyên gia nhiều quốc gia về dự hội nghị.

Các đại biểu, chuyên gia nhiều quốc gia về dự hội nghị.

Các nghiên cứu cho thấy, dơi là một loài động vật vô cùng đặc biệt và có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái hiện nay.

Thế giới ghi nhận hiện có hơn 1.300 loài dơi, chiếm khoảng 20% tổng số loài động vật có vú, được chia thành 2 nhóm chính là dơi ăn trái cây và dơi ăn côn trùng.

Vai trò của dơi trong hệ sinh thái rất đa dạng, từ việc gieo hạt tự nhiên, kiểm soát sâu bệnh thông qua việc ăn côn trùng để giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Ước tính mỗi năm, dịch vụ kiểm soát sâu bệnh của dơi ở Mỹ có giá trị lên đến 53 tỷ USD.

Không chỉ dừng lại ở đó, dơi còn có tác động đáng kể đến lĩnh vực y học với nghiên cứu về khả năng miễn dịch và hợp chất “draculin” trong nước bọt của dơi ma cà rồng giúp điều trị các loại thuốc giảm nguy cơ đột quỵ; trở thành biểu tượng của phúc lành và thịnh vượng trong nhiều nền văn hóa, đặc biệt là ở Việt Nam.

Dơi thường sống trong môi trường hang động tạo thành các quần thể lớn với những tập tính sống phong phú và đặc biệt. Tuy nhiên, loài động vật này đang đối mặt với nhiều mối đe dọa, từ biến đổi khí hậu, mất môi trường sống đến sự săn bắt và tiêu diệt không cần thiết.

Vì vậy, bảo tồn dơi không chỉ bảo vệ loài động vật này mà còn góp phần bảo vệ sự ổn định của hệ sinh thái.

Hội nghị Seabco 2024 không chỉ tập trung vào nghiên cứu khoa học mà còn đẩy mạnh nhận thức cộng đồng thông qua các chương trình giáo dục, hội thảo và triển lãm.

Theo bà Trương Anh Thơ, Giám đốc CIM kiêm Trưởng ban tổ chức, Seabco 2024 là cơ hội để quảng bá Việt Nam như một điểm đến lý tưởng cho các hoạt động bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững.

Bà Thơ kỳ vọng rằng, thông qua hội nghị, Việt Nam sẽ góp phần vào công cuộc bảo tồn dơi và hệ sinh thái; đồng thời, tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Hội nghị diễn ra từ ngày 26-28/11, thu hút các chuyên gia hàng đầu, giới thiệu các báo cáo khoa học, các nghiên cứu bổ ích và các hoạt động trưng bày nghệ thuật độc đáo do các họa sĩ và nhiếp ảnh gia thực hiện.

KHẢ BÍCH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bao-ton-loai-doi-de-duy-tri-can-bang-sinh-thai-post847047.html
Zalo