Bảo tồn, lan tỏa văn hóa S'tiêng
Giữa nhịp sống hiện đại, nhưng đâu đó tại những ấp, sóc trên địa bàn huyện Hớn Quản vẫn vang lên thanh âm cồng, chiêng rộn rã. Từ những buổi tối miệt mài tập luyện bên ánh lửa sau một ngày dài lao động đến những lễ hội truyền thống được phục dựng công phu, tất cả đều minh chứng cho việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của người S'tiêng. Không chỉ dừng lại ở đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý huyện Hớn Quản đã và đang chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, đưa văn hóa S'tiêng lan tỏa mạnh mẽ.
Từ sự chung tay của mỗi cá nhân…
Với niềm đam mê và tâm huyết dành cho văn hóa dân tộc, đội cồng chiêng xã Thanh An đã nhận được rất nhiều show diễn trong và ngoài tỉnh. Chị Thị Xinh, thành viên trẻ tuổi của đội tâm sự: “Các buổi biểu diễn đem lại lợi ích “3 trong 1”, vừa gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa S’tiêng vừa được thể hiện bản thân mình. Đồng thời, qua mỗi buổi biểu diễn lại có thêm thu nhập, đó chính là động lực, cảm hứng để chúng tôi miệt mài tập luyện đưa văn hóa dân tộc S’tiêng lan tỏa hơn nữa”.
![Đội cồng chiêng xã Thanh An biểu diễn tại khu du lịch Thanh Tùng (huyện Hớn Quản) dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_415_51461920/44d6997ba935406b1924.jpg)
Đội cồng chiêng xã Thanh An biểu diễn tại khu du lịch Thanh Tùng (huyện Hớn Quản) dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Là người trẻ và là Trưởng ấp Bù Dinh, xã Thanh An, chị Thị Bé đã cùng với người già tại địa phương dành nhiều thời gian để xây dựng kịch bản và tổ chức tập luyện cho chương trình phục dựng lễ hội cầu an của người S’tiêng (Bù Đek) tại xã Thanh An, diễn ra vào cuối năm 2024. Chị Thị Bé cho biết: “Ban ngày, hầu hết bà con phải ra đồng, làm rẫy, cạo mủ cao su hoặc làm thuê nên chỉ có thể tập luyện vào buổi tối, có khi buổi tập kéo dài đến 23 giờ. Mặc dù vất vả nhưng bà con rất nhiệt huyết và hứng khởi, bởi ai cũng mong muốn được chung tay gìn giữ và tái hiện những nét văn hóa đặc sắc của ông cha”.
…đến nỗ lực từ cơ quan quản lý
Thời gian qua, huyện Hớn Quản không ngừng nỗ lực gìn giữ, duy trì hiệu quả hoạt động của các đội cồng chiêng, tổ dệt thổ cẩm, câu lạc bộ thanh niên yêu văn hóa, ẩm thực S’tiêng…
Minh chứng, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với Bảo tàng tỉnh và các cơ quan liên quan lập hồ sơ di tích trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận các di sản văn hóa của người S’tiêng. Cùng với đó, các đoàn nghệ nhân đã được thành lập, tập luyện để tham gia giới thiệu văn hóa S’tiêng tại nhiều sự kiện trong và ngoài tỉnh, nổi bật như biểu diễn tại Làng văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) vào tháng 3-2024 và các huyện, thị trong tỉnh.
![Các đội, nhóm người S’tiêng Hớn Quản tham gia biểu diễn tại Làng văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội từ ngày 8-3 đến 12-3-2024](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_415_51461920/5d988335b37b5a25036a.jpg)
Các đội, nhóm người S’tiêng Hớn Quản tham gia biểu diễn tại Làng văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội từ ngày 8-3 đến 12-3-2024
Song song đó là các lớp tập huấn về cồng chiêng, dệt thổ cẩm và dạy tiếng S’tiêng cho cộng đồng nhằm từng bước khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng dân tộc. Nổi bật là việc phục dựng Lễ hội Cầu an của người S’tiêng (Bù Đek) tại xã Thanh An. Để có được thành công của chương trình phục dựng, Ban tổ chức đã triển khai nhiều buổi làm việc với chính quyền địa phương và các nghệ nhân để điều tra, khảo sát, nghiên cứu và xây dựng nội dung phục dựng. Chương trình đã huy động sự tham gia của hơn 20 người thực hành phục dựng S’tiêng. Chương trình gồm phần lễ và phần hội. Qua đó, các đại biểu và nhân dân được chứng kiến nghi lễ cầu an. Dâng lễ tạ ơn thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa mang đến mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Phần hội với hoạt động văn hóa, văn nghệ; chế biến, trình diễn ẩm thực truyền thống; trưng bày vật dụng, đồ vật, trang phục truyền thống của người S’tiêng; thi cà kheo, bắn nỏ. Bên cạnh đó, lễ hội còn có hoạt động đốt lửa trại, đánh cồng chiêng.
![Bà con đồng bào dân tộc S’tiêng xã Thanh An thực hiện nghi lễ trong Lễ hội cầu an](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_415_51461920/b19d6e305e7eb720ee6f.jpg)
Bà con đồng bào dân tộc S’tiêng xã Thanh An thực hiện nghi lễ trong Lễ hội cầu an
![Bà con thực hiện nghi thức buộc chỉ cầu an trong Lễ hội cầu an](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_415_51461920/1f48ffe5cfab26f57fba.jpg)
Bà con thực hiện nghi thức buộc chỉ cầu an trong Lễ hội cầu an
Ông Nguyễn Viết Đợi, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: “Sau 20 năm, lễ hội cầu an được phục dựng lại. Thông qua đó, chúng tôi mong muốn khơi dậy niềm tự hào dân tộc và ý thức bảo tồn văn hóa trong cộng đồng người S’tiêng, hướng tới phát triển văn hóa gắn với du lịch cộng đồng, góp phần đưa văn hóa S’tiêng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa địa phương”.
Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành chức năng, chính quyền địa phương và cộng đồng người S’tiêng, huyện Hớn Quản đã minh chứng cho nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc S'tiêng hiệu quả, cần thực hiện các giải pháp như: tôn vinh và truyền dạy tiếng S’tiêng cho thế hệ trẻ; phục hồi các lễ hội như cầu an, mừng lúa mới…; bảo tồn nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, đan gùi... Đồng thời, cần giáo dục cộng đồng về giá trị văn hóa, kết hợp bảo tồn để phát triển du lịch nhằm nâng cao đời sống người dân và khuyến khích giao lưu văn hóa với các dân tộc khác.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hớn Quản
NGUYỄN VIẾT ĐỢI