Bảo tồn gốm Chăm Bình Đức

Tọa lạc dưới chân đồi Ngọc Sơn, trên dải đất Nai Hoa bên dòng sông Lũy, từ xa xưa, làng Chăm Trì Đức còn có tên là xóm Gọ (địa danh Chăm gọi là Palei Ragaok) nổi tiếng với nghề gốm thủ công gia dụng. Trải qua những biến động của lịch sử, thời gian, làng gốm Trì Đức (nay đổi tên thành Bình Đức) có nguy cơ mai một, thất truyền. Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đang tìm hướng bảo tồn làng nghề để những người thợ làm gốm Bình Đức có điều kiện phát triển nghề truyền thống của cha ông.

Sản phẩm gốm Chăm Bình Đức đi khắp muôn nơi, được khá nhiều khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Lâm Tấn Bình

Sản phẩm gốm Chăm Bình Đức đi khắp muôn nơi, được khá nhiều khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Lâm Tấn Bình

Di sản nghề gốm truyền thống

Thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình là làng nghề làm gốm thủ công truyền thống nổi tiếng từ lâu đời, gắn với đời sống kinh tế sản xuất nông nghiệp lúa nước, làm rẫy và một phần chăn nuôi. Nghề làm gốm thủ công truyền thống của thôn Bình Đức mang tính chất kế thừa theo chế độ mẫu hệ “mẹ truyền con nối” từ đời này qua đời khác. Hầu hết các khâu trong quy trình làm gốm như: đập, ủ, nhào trộn đất, nặn sản phẩm ướt, phơi gốm, chỉnh hình, chà nạo, làm bóng sản phẩm trước khi nung... đều do người phụ nữ đảm trách thao tác theo quy trình một cách rất tinh tế.

Người đàn ông ở làng nghề này cũng đóng vai trò khá quan trọng để hỗ trợ trong một số công đoạn của nghề gốm, đó là những công việc rất nặng nhọc như: Đi đào nguyên liệu đất sét vận chuyển về nhà, lấy củi, rơm, vận chuyển gốm từ nhà đến lò nung, nung gốm rồi gánh về nhà. Nghệ nhân Ưu tú Đơn Thị Hiệu cho biết, các khâu trong quy trình làm gốm của người Chăm Bình Đức từ xưa đến nay vẫn bảo lưu khá nguyên vẹn kỹ thuật, phương thức theo lối thủ công truyền thống. Từ khâu lấy nguyên liệu đất sét, ủ đất, tỷ lệ pha trộn cát với đất sét, nhào nặn hình sản phẩm, rồi chỉnh hình chà bóng cho đến khâu nung gốm, chế biến nước màu trang trí lên gốm để tạo hoa văn đặc thù sau khi nung... đều được người nghệ nhân thực hiện tuần tự theo quy trình thủ công theo kiểu trao truyền giữa các thế hệ. Đây là nét độc đáo hiếm thấy trong một xã hội hiện đại, khi mà khoa học công nghệ đang ngày càng phát triển.

Kỹ thuật nhào nặn tạo ra sản phẩm gốm không dùng bàn xoay mà được thực hiện bằng những công cụ giản đơn theo phương pháp thủ công truyền thống là nét độc đáo và đặc sắc nhất trong quy trình làm gốm của người Chăm Bình Đức. Bằng đôi bàn tay tài hoa, khéo léo và những bước chân kéo lùi theo nhịp điệu nhẹ nhàng di chuyển xoay quanh chiếc bàn kê cố định, người phụ nữ Chăm đã thổi hồn vào hòn đất sét vô tri, vô giác thành những sản phẩm hết sức tinh tế. Do yêu cầu về độ tinh xảo và bền bỉ về chất liệu của các loại sản phẩm gốm làm ra, nên đòi hỏi nghệ nhân phải tự rèn cho mình tính kiên nhẫn và tỉ mỉ để đạt được trình độ tay nghề kỹ thuật cao.

Vào khoảng thập niên 1990 trở về trước, ở Bình Đức có rất nhiều nghệ nhân làm gốm nổi tiếng do tuổi cao nên đã qua đời, mang theo tay nghề chưa kịp trao truyền cho thế hệ kế thừa, đơn cử như cố nghệ nhân Đa Thị Đủng chuyên làm một số sản phẩm gốm gia dụng hết sức tinh xảo như niêu kho cá (glah, klaih), hỏa lò (gin), nồi nấu thuốc nam (gaok aom), khuôn bánh căn... Sau này, cố nghệ nhân Minh Thị Hồng chuyên làm sản phẩm khương, lu đựng nước (khang, kuang aia), cố nghệ nhân Đơn Thị Bậu chuyên làm dụ lớn để nấu bánh tét (buk praong), Nghệ nhân Ưu tú Đơn Thị Hiệu thì chuyên làm nồi nấu cơm (buk lisei) và ống nhổ (tacuec) rất tinh xảo... Bà Hiệu đã đào tạo rất nhiều truyền nhân kế thừa trong tộc họ, hiện nay, bà đã nghỉ làm gốm vì tuổi đã ngoài bát tuần.

Các loại hình sản phẩm gốm thủ công truyền thống của người Chăm Bình Đức sản xuất chủ yếu là đồ gia dụng. Dựa vào tính năng sử dụng của nó, có thể phân chia ra thành hai nhóm: Nhóm đồ đun nấu và nhóm đồ đựng. Nhóm đồ đun nấu gồm: Trã (niêu đất), nồi, ấm, khương, dụ, hỏa lò, khuôn bánh xèo, khuôn bánh căn...; nhóm đồ đựng gồm: Lu, chum lớn, chum nhỏ, chậu, ống nhổ...

Các sản phẩm này có những tính năng đặc biệt trong văn hóa ẩm thực, dùng để nấu nướng, chế biến thức ăn sẽ thơm ngon hơn nhiều so với các dụng cụ bằng đồng, nhôm, gang hoặc inox. Sản phẩm gốm Chăm như trã kho cá, nồi cơm niêu có tính năng giữ nhiệt độ rất lâu hay lu đựng nước lã lâu ngày, uống mát lạnh. Vì vậy, không chỉ cộng đồng người Chăm mà cả người Việt đều rất ưa chuộng, sử dụng khá phổ biến từ trong gia đình đến các nhà hàng, quán ăn...

Hiện nay, nghề gốm mỹ nghệ đang được một số nghệ nhân ở Bình Đức tiếp cận và tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo... vẫn từ những chất liệu tại chỗ nhưng có hàm lượng thẩm mỹ cao hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Nghệ nhân Lương Thị Hòa, xã Phan Hiệp cho biết, từ năm 19 tuổi, bà đã được truyền nghề làm gốm. Năm 2001, tỉnh Bình Thuận tổ chức cho bà tham gia lớp học gốm mỹ nghệ và học nâng cao tại một số địa phương ngoài tỉnh, từ đó, bà chuyển sang làm các sản phẩm gốm mỹ nghệ. Sản phẩm khá đa dạng như tháp Chăm, bình nước, bình hoa, linga... theo đơn đặt hàng hoặc khách đặt làm theo mẫu. Tuy nhiên, sản phẩm tiêu thụ còn rất hạn chế, chủ yếu ở các triển lãm, trưng bày.

Còn đối với các sản phẩm gốm gia dụng Bình Đức chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh, nhất là thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc và thành phố Phan Thiết. Gần đây, có một số cửa hàng ăn uống ở thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh cũng tìm đến đặt hàng, nhất là sản phẩm nồi cơm niêu và nấu lẩu...

Giải pháp phát triển làng gốm

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nghề làm gốm truyền thống ở Bình Đức có nguy cơ mai một đi nhiều. Theo số liệu thống kê năm 2023 của chính quyền địa phương thì hiện nay, thôn Bình Đức chỉ còn khoảng 48 hộ gia đình với 63 nghệ nhân còn thường xuyên duy trì làm nghề gốm. Số lượng nghệ nhân làm nghề gốm truyền thống ngày càng suy giảm theo thời gian. Nguyên nhân do gốm truyền thống khó cạnh tranh với đồ gốm Trung Quốc và các mặt hàng gia dụng khác, hơn nữa, chi phí mua nguyên vật liệu đất sét và chất đốt rất cao, giá thành sản phẩm lại không được tăng giá nên người làm gốm khó sống được với nghề.

Nghệ nhân Kim Thị Bích Lan, ở thôn Bình Đức làm sản phẩm gốm tại nhà. Ảnh: Lâm Tấn Bình

Nghệ nhân Kim Thị Bích Lan, ở thôn Bình Đức làm sản phẩm gốm tại nhà. Ảnh: Lâm Tấn Bình

Từ thực trạng khó khăn có thể dẫn đến nguy cơ thất truyền nghề gốm thủ công truyền thống của thôn Bình Đức, ngày 19/8/2021, UBND tỉnh Bình Thuận đã ra Quyết định số 2097/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình” với 5 mục tiêu và 7 giải pháp rất căn bản, trong đó, phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành chức năng liên quan mang đầy đủ cơ sở yếu tố pháp lý. Đây thật sự là “luồng gió mới” thổi mát lòng, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng mong đợi của đồng bào Chăm huyện Bắc Bình nói chung và thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp nói riêng.

Bên cạnh đó, thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đã giao cho Bảo tàng tỉnh phối hợp với UBND huyện Bắc Bình và xã Phan Hiệp, triển khai mở lớp truyền dạy đào tạo tay nghề làm gốm cho 35 học viên thôn Bình Đức. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận tổ chức tọa đàm đề xuất giải pháp để góp phần bảo tồn và phát huy nghề gốm thủ công truyền thống của người Chăm.

Hi vọng, với “luồng gió mới” từ Dự án 6 và Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình”, gốm Chăm Bình Đức sẽ có cơ hội vươn lên, phát triển gắn với địa chỉ làng nghề du lịch và sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Bình Thuận.

Nghề làm gốm Chăm Bình Đức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể năm 2012. Ngày 29/11/2022, UNESCO chính thức ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Hiện nay, vùng đồng bào Chăm chỉ còn 2 làng duy trì nghề thủ công làm gốm truyền thống là làng gốm Bàu Trúc, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận và làng gốm Bình Đức, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Lâm Tấn Bình - Ánh Ngọc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-ton-gom-cham-binh-duc-post485648.html
Zalo