Bảo tồn di sản trong dân: Nhà xưa trăn trở chuyện nay

Các di sản kiến trúc, cụ thể là nhà cổ, được ví như những nhân chứng lịch sử đầy tính thuyết phục về dấu ấn hình thành của một đô thị, vùng đất. Tuy nhiên, công tác bảo tồn di sản kiến trúc, đặc biệt là các công trình nhà cổ còn thuộc sở hữu cá nhân hiện nay gặp không ít khó khăn. Bởi đôi khi chủ sở hữu còn chưa phân định thì công tác bảo tồn vẫn chưa đến lượt.

LTS: Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vẫn giữ nguyên đề xuất thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa như đã trình Quốc hội tại kỳ họp trước. Đây là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm để tạo nguồn kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ…

Tuy nhiên, vấn đề bảo tồn di sản thuộc sở hữu tư nhân vẫn là nỗi niềm trăn trở. Giá trị văn hóa - kiến trúc - lịch sử không thể chờ dư luận lên tiếng, rồi mới bàn giữ hay không.

Hơn 20 năm chưa rõ ràng thừa kế

Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống của ông Vương Hồng Sển (được xếp hạng theo Quyết định số 140/2003/QĐ-UB ngày 5-8-2003), hay còn được gọi Nhà cụ Vương (phường 14, quận Bình Thạnh, TPHCM) trở thành mối quan tâm cho những ai yêu mến di sản cũng như trân trọng và ngưỡng mộ sự nghiệp nghiên cứu văn hóa mà ông để lại.

Từ khi được xếp hạng di tích đến nay, vì tranh chấp thừa kế trong gia đình, nên hơn 20 năm trôi qua, di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà cụ Vương chưa một lần được tu sửa, nâng cấp. Trước tình trạng xuống cấp nặng của ngôi nhà, vừa qua UBND quận Bình Thạnh có quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định số 6200/QĐ-KPHQ ngày 23-8-2023 của Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, ngôi nhà cổ hiện tại nhiều kèo cột bị mối, mọt, mưa dột và nhiều chỗ hư hỏng trong nhà đã được “vá” bằng bê tông, không còn giữ được kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống. Theo nhiều thông tin từ giới yêu mến di sản - lịch sử, tâm nguyện của cụ Vương muốn hiến lại toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu văn hóa và sưu tầm của mình cho Nhà nước sau khi ông qua đời.

Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM, chia sẻ: “Theo văn bản giấy tờ, trước khi mất, ông có lên danh sách các loại sách và cổ vật hiến tặng lại Nhà nước. Trong biên bản tiếp nhận số sách và cổ vật khi đó, có chữ ký của nhà cách mạng lão thành, nhà nghiên cứu nổi tiếng Trần Bạch Đằng và chữ ký của tôi - đại diện Sở VH-TT. Ngoài ra, trong nội dung hiến tặng, không có đề cập đến ngôi nhà, và bản thân ngôi nhà khi ấy cũng đã có tranh chấp chủ quyền. Khi ngôi nhà được xếp hạng di tích cấp thành phố, số sách ông hiến tặng được đưa về bảo quản tại Thư viện Khoa học Tổng hợp và số cổ vật đưa về Bảo tàng Lịch sử TPHCM”.

Liên quan đến tranh chấp thừa kế ngôi nhà, thông tin mới nhất từ một thành viên trong gia đình cụ Vương cho biết, 23 tủ sách vốn đã được niêm phong và nằm trong số hiện vật ông hiến tặng lại cho Nhà nước đột ngột biến mất.

Và nếu đúng là mất 23 tủ sách như phía gia đình cho biết, chưa cần xác định rõ giá trị số sách theo quy trình giám định hiện vật/cổ vật, đây sẽ là một thiệt thòi trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa… Và điều đáng tiếc hơn nữa chính là việc những hiện vật gắn liền với tên tuổi học giả lẫy lừng trong nghiên cứu văn hóa đất Nam bộ đang mất đi một cách xót xa.

Trăn trở trước tình trạng ngôi nhà hao mòn theo năm tháng, nhưng kiện tụng tranh chấp vẫn chưa ngừng, bà Lê Tú Cẩm chia sẻ thêm: “Hiện tại, ngôi nhà còn chưa rõ ràng người thừa kế, sở hữu thì làm sao đến lượt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản vào cuộc”.

Nhà lầu ông Phủ

Vẫn là câu chuyện bảo tồn di sản còn thuộc sở hữu tư nhân, vừa qua dư luận không ít ý kiến xôn xao quanh biệt thự cổ của Đốc phủ Võ Hà Thanh (còn gọi là nhà lầu ông Phủ), công trình kiến trúc nằm ven sông Cái (sông Đồng Nai), thuộc diện phải đập bỏ một phần để triển khai dự án đường ven sông Đồng Nai.

Nhà lầu ông Phủ được xây dựng vào năm 1924, mang phong cách kiến trúc - nghệ thuật của Pháp kết hợp phong thủy phương Đông trong những năm đầu thế kỷ XX với kiến trúc đối xứng, nền móng xây bằng đá xanh, tường xây gạch nung bằng đất sét, quét sơn màu vàng, cột đổ bê tông cốt thép, mái nhà lợp ngói xếp lớp, những cửa chính, cửa phòng và các ô cửa sổ theo kiểu lá sách gỗ màu nâu; hoa văn trang trí trên trần nhà, đầu cột chủ yếu là các họa tiết hoa lá đơn giản theo phong cách châu Âu.

 Biệt thự cổ nhà lầu ông Phủ ở TP Biên Hòa đã 100 năm tuổi. Ảnh: VĂN PHONG

Biệt thự cổ nhà lầu ông Phủ ở TP Biên Hòa đã 100 năm tuổi. Ảnh: VĂN PHONG

.Lầu 1 phía trước là nơi thờ tự, phía sau là các phòng dành cho sinh hoạt các thành viên trong gia đình. Còn ở tầng trệt, chính giữa là cầu thang bằng gỗ đi lên lầu 1, đối xứng 2 bên là 2 phòng khách phía trước, phía sau là các phòng sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Hiện tầng hầm của ngôi nhà bị ngập nước, không thể khảo sát cụ thể nhưng theo thông tin của gia đình, bên dưới tầng hầm có một đường hầm bí mật đi thông ra phía bờ sông Đồng Nai.

Phần lớn các vật liệu được sử dụng để xây dựng biệt thự đều được nhập khẩu từ Pháp và thời điểm hoàn thành, đây là dinh thự lớn nhất ở tỉnh Biên Hòa (cũ). Trong những năm tháng chiến tranh, có thời điểm căn biệt thự kiên cố từng là nơi trú ngụ cho hơn 100 người dân ở khu vực lân cận đến lánh nạn. Tuy nhiên, đến nay căn biệt thự này đã xuống cấp nghiêm trọng do lâu không được trùng tu, tôn tạo.

Công trình gần như đã chìm vào quên lãng cho đến khi dự án quy hoạch xây dựng đường ven sông Đồng Nai được công bố. Theo đó, dự án sẽ “lấn” biệt thự khoảng 9m (tương đương nửa biệt thự) và giá bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 5,4 tỷ đồng nên công trình kiến trúc trăm tuổi đứng trước nguy cơ “biến mất”.

Đến lúc đó, thông tin về căn biệt thự mới trở nên dồn dập, sôi động dẫn đến việc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã chủ trì, phối hợp Sở VH-TT-DL tỉnh, các đơn vị liên quan đã tiến hành khảo sát vị trí, hiện trạng của ngôi biệt thự cổ.

Trước ý kiến của dư luận cho rằng Đồng Nai cần bảo tồn biệt thự cổ nhằm tạo điểm nhấn văn hóa kiến trúc, kết nối du lịch trên sông, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã đề xuất 4 phương án giữ lại nhà lầu ông Phủ, gồm: phương án 1, Nhà nước bỏ kinh phí thuê các đơn vị có kinh nghiệm, năng lực thực hiện di dời biệt thự cổ, phần đất phía sau chiều sâu 6m phải thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng của hộ dân; phương án 2 là nắn tuyến đường ven sông với chiều dài 200m, và phạm vi diện tích đất dôi dư do nắn tuyến đường ra phía ngoài bờ sông sẽ tổ chức làm đất công viên, bãi xe; phương án 3 là quy hoạch lại cảnh quan tôn tạo biệt thự cổ thành quảng trường gốm sứ (với điều kiện Nhà nước trưng dụng toàn bộ biệt thự cổ), và tuyến đường ven sông qua khu vực sẽ có 2 nhánh (nhánh dịch ra phía bờ sông Đồng Nai, nhánh bọc về phía phải ngôi biệt thự cổ); phương án 4, giao thông khác mức, kết hợp đảo hoa viên bao quanh biệt thự, phía bờ sông bố trí công viên, 2 đường dẫn rộng 7m…

Bài toán công tác bảo tồn di sản trong bối cảnh phát triển đô thị vốn không dễ cân bằng, càng khó hơn đối với những hiện vật, cổ vật, hay công trình kiến trúc thuộc sở hữu tư nhân. Việc nhà cổ cụ Vương xuống cấp và nếu có chuyện thất thoát hiện vật bên trong, lỗi thuộc về ai? Nhà lầu ông Phủ nếu không có nguy cơ bị xóa bỏ thì liệu có ai quan tâm và sắp tới sẽ làm gì khi đó vẫn là tài sản cá nhân?

Để giải bài toán bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc sở hữu tư nhân đòi hỏi sự kết hợp liên ngành, cần sự chung tay nhiều người, nhiều lĩnh vực, chứ không phải tìm cho ra một đầu mối để gánh trách nhiệm là xong. Nhưng di sản cũng không thể mòn mỏi chờ dư luận lên tiếng, rồi mới biết số phận mình được giữ hay không.

Theo ông Nguyễn Hồng Ân, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Nai, địa phương chọn phương án nắn tuyến đường ven sông Đồng Nai theo đề xuất của Sở Xây dựng để giữ lại nhà lầu ông Phủ. Ngôi nhà này hiện do bà Đặng Thị Phương Linh quản lý, sử dụng và chưa xác định được người thừa kế. Toàn bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ ngôi nhà cổ đang được tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước theo quy định.

Hiện phần diện tích ngôi nhà cổ được quy hoạch là đất du lịch theo quy hoạch chung năm 2014 và Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Nai đang giao bảo tàng tỉnh triển khai thực hiện lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh trước tháng 4-2025.

VĂN PHONG - HOÀNG BẮC - THIÊN THANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bao-ton-di-san-trong-dan-nha-xua-tran-tro-chuyen-nay-post769138.html
Zalo