Bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp tại Huế - Bài 2: Tiếc nuối những công trình đang dần biến mất
Theo thời gian, nhiều công trình kiến trúc Pháp ở khu vực trung tâm thành phố Huế đã bị 'hạ giải' vì nhiều lý do khác nhau như: Chất lượng công trình xuống cấp, công năng sử dụng không còn phù hợp, nằm trong quy hoạch tạo quỹ đất thương mại và một số công trình hiện trong tình trạng bỏ trống, chờ quyết định của chính quyền. Điều này đặt ra nhiều thách thức trong việc tạo ra sự cân bằng, hài hòa giữa bảo tồn những công trình kiến trúc của giai đoạn Pháp thuộc với nhu cầu phát triển của thành phố Huế hiện nay.
Nhiều công trình đẹp đã trở thành miền ký ức

Biệt thự Pháp ở số 4 Hoàng Hoa Thám, từng là trụ sở của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch thành phố Huế, hiện bị bỏ hoang. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Trong ký ức của nhiều người dân Huế vẫn còn im đậm hình ảnh những dãy biệt thự Pháp tuyệt đẹp nằm dọc mặt tiền của tuyến đường Lý Thường Kiệt, góp phần tạo cho không gian đô thị Huế trở lên sang trọng, cổ kính. Tuy nhiên sau đó, những công trình này dần bị tháo dỡ để thành phố tạo quỹ đất kêu gọi các dự án đầu tư về phát triển dịch vụ.
Việc phá dỡ những ngôi biệt thự tại đây đã từng gây lên nhiều ý kiến trái chiều. Đặc biệt, việc đập bỏ ngôi biệt thự hơn 100 năm tuổi, mang đậm nét kiến trúc Pháp tại khu đất số 5 Lý Thường Kiệt, thành phố Huế vào năm 2017 đã để lại tiếc nuối cho bao người.
Năm 2022, thành phố Huế đã từng đưa ra phương án di dời ngôi biệt thự số 26 đường Lê Lợi - trụ sở cũ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật qua vị trí mới để có quỹ đất kêu gọi đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp. Tuy nhiên từ đó đến nay, công trình này bị bỏ hoang, xuống cấp, môi trường xung quanh nhếch nhác ngay trên tuyến đường nhộn nhịp nhất của thành phố.
Cùng chung số phận bị bỏ hoang nhiều năm phải kể đến công trình biệt thự ở số 4 Hoàng Hoa Thám, trụ sở trước đây của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch thành phố; trụ sở Công ty An Phú Tân ở đường Bùi Thị Xuân...
Gần đây nhất vào cuối tháng 3/2025, ngôi nhà cổ Tòa Tổng giám mục Huế được xây dựng từ những năm 1908, một trong những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu của thành phố đã bị hạ giải để xây mới. Theo tờ trình của Tòa Tổng Giám mục Huế gửi Sở Xây dựng thành phố, lý do là công trình đã hết hạn sử dụng, vôi vữa không còn độ bám, nhà không có bê tông cốt thép, chỉ là gạch chồng lên nhau... công trình đã xuống cấp đến mức báo động.

Công trình kiến trúc Pháp vốn là trụ sở Công ty An Phú Tân tại đường Bùi Thị Xuân bị bỏ hoang nhiều năm, đang xuống cấp. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Theo thống kê, tại Huế có gần 250 công trình kiến trúc Pháp được xây dựng, tuy nhiên hiện chỉ còn dưới 70 công trình. Trước sự sụt giảm của những công trình kiến trúc Pháp, năm 2018, thành phố Huế ban hành quyết định công nhận 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu, tuy nhiên không có cơ chế đi kèm về việc hỗ trợ trùng tu, bảo vệ khi công trình xuống cấp.
Theo Sở Xây dựng thành phố Huế, trong số 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu có 11 công trình đang được các cơ quan nhà nước quản lý, 16 công trình thuộc sở hữu của các đơn vị, tổ chức tôn giáo và mới chỉ có 3 công trình được xếp hạng di tích gồm Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc học Huế; Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế; Nhà máy nước Vạn Niên.
Hiện nay, nhiều trụ sở của các cơ quan hành chính Nhà nước của thành phố Huế đã và sẽ chuyển về khu hành chính tập trung mới ở Khu đô thị An Vân Dương. Đồng thời với việc sắp xếp tinh gọn bộ máy hành chính, một số trụ sở làm việc có kiến trúc Pháp sẽ bị dôi dư, trong số này phải kể đến tòa nhà của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Hội Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh ở số 1, 3 đường Hà Nội...
Để những công trình luôn ở trạng thái tốt

Biệt thự kiểu Pháp ở số 26 đường Lê Lợi, trụ sở cũ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Huế, bị bỏ hoang. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Để những tòa nhà kiến trúc Pháp luôn giữ được trạng thái tốt nhất cần phải có hoạt động hằng ngày của con người tại đó, kết hợp với quá trình bảo dưỡng định kỳ cho công trình. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định sự tồn tại lâu bền của mọi công trình xây dựng, nhất là những công trình kiến trúc Pháp có tuổi thọ lên đến trên dưới 100 năm.
Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc học Huế, Di tích Quốc gia đặc biệt, được xây dựng cách đây khoảng 110 năm nhưng vẫn mang nét tươi mới, trở thành một trong những công trình kiến trúc Pháp nổi tiếng của thành phố Huế. Đây là một trong những điểm sáng trong việc bảo tồn công trình kiến trúc Pháp cần được nhân rộng.
Để đáp ứng nhu cầu dạy và học trong bối cảnh hiện nay, nhà trường vẫn trang bị những thiết bị hiện đại trong phòng học nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc Pháp.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc học Huế Nguyễn Phú Thọ cho biết, từ ngày được xây dựng đến nay, trường đã trải qua rất nhiều lần trùng tu, tôn tạo; có một đợt cải tạo lớn nhất trong thập niên 90. Tuy nhiên quá trình trùng tu các nhà cũ hay xây dựng những dãy nhà mới, nhà trường luôn tuân thủ một nguyên tắc chung là giữ nguyên nét kiến trúc về đường nét, màu sắc của ngày xưa để đảm bảo các công trình mới hài hòa với công trình cũ trong khuôn viên tổng thể của ngôi trường.
Theo Tiến sĩ Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Huế, những công trình kiến trúc Pháp tại Huế hầu hết đã được xây dựng cách đây hơn một thế kỷ. Với tác động của thiên nhiên khắc nghiệt, cùng sự bào mòn của thời gian, chiến tranh ác liệt, hầu hết các công trình đều bị ảnh hưởng, nhiều công trình đã bị hủy hoại, các kiến trúc còn lại cũng ở trong tình trạng xuống cấp. Một tình trạng đáng báo động là nhiều công trình đã hết niên đại quy định sử dụng, nhiều ngôi nhà đang xuống cấp và dần hoang phế nhưng việc cải tạo chưa đủ các hồ sơ pháp lý. Một số công trình kiến trúc Pháp hiện nay khi giao cho các đơn vị sở hữu do yêu cầu cần phải có nơi làm việc sinh hoạt đã tiến hành cải tạo nên làm biến dạng, ảnh hưởng đến kết cấu và thẩm mỹ của công trình ban đầu.
Phó giám đốc Sở Xây dựng thành phố Huế Trương Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đơn vị đang tổ chức lập Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Huế, trong đó có nội dung Quy định về quản lý, bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị, bao gồm cả công trình kiến trúc Pháp. Trên cơ sở đó, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế chính sách để bảo tồn, khai thác hiệu quả các công trình kiến trúc Pháp thời gian tới.
Việc bảo tồn các công trình sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực như giữ gìn được những dấu ấn lịch sử phát triển của đô thị; đảm bảo an toàn cho người sở hữu, sử dụng; diện mạo kiến trúc và cảnh quan đô thị được tô điểm thêm đẹp, đóng góp thiết thực làm phong phú sản phẩm du lịch của mảnh đất Cố đô.