Bảo tồn biệt thự cổ Hà Nội: thích ứng và linh hoạt các giải pháp
Để gìn giữ bảo tồn biệt thự kiến trúc Pháp cổ tại Hà Nội, nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến bảo tồn thích ứng, mô hình đã được thực hiện và phát huy hiệu quả tại nhiều quốc gia.
Giá trị của biệt thự cổ
Biệt thự kiến trúc Pháp cổ có giá trị về mặt lịch sử văn hóa, cảnh quan đô thị, kiến trúc nghệ thuật, song nhiều căn biệt thự đang đang lâm vào cảnh xuống cấp trầm trọng. Đặc biệt, với sự biến đổi của khí hậu thời tiết và nhu cầu thực tế của người dân đang ở tại đây, những ngôi biệt thự đang bị hư hỏng nặng hoặc biến dạng khối tích do quá trình cơi nới diễn ra trong nhiều năm.
Trong những năm gần đây, Hà Nội đã và thực hiện cải tạo, chỉnh trang các nhà biệt thự, công trình kiến trúc cổ, khôi phục và lưu giữ những nét đẹp lâu đời tại các công trình này. Vào tháng 1/2024, tòa biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã hoàn tất việc trùng tu, cải tạo, “hồi sinh” diện mạo khu phố cũ cũng như trở thành điểm đến thú vị cho khách tham quan. Đây là kết quả hợp tác giữa UBND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội và đơn vị cố vấn là vùng Ile-de-France và Cơ quan hỗ trợ Hợp tác Quốc tế vùng Ile-de-France tại Việt Nam (PRX).
Ngay cạnh đó, tại số 51 phố Trần Hưng Đạo, một tòa nhà biệt thự cổ cũng mới được khánh thành vào ngày 1/8 vừa qua. Đây là một công trình đã chứng kiến nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước. Sau khi được cải tạo, khôi phục gần như hoàn toàn so với hiện trạng ban đầu, nhiều người không khỏi bất ngờ trước vẻ đẹp của tòa biệt thự số 51 phố Trần Hưng Đạo, công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử của Thủ đô. Ông Nguyễn Vũ Phong, một việt kiều Pháp cho hay, hiện nay, căn biệt thự vẫn giữ nguyên được nhiều giá trị kiến trúc thời Pháp. "Một điểm độc đáo tôi thấy được, là Ban Quản lý tòa nhà đã khôi phục lại các chức năng của ngôi biệt thự. Việc trùng tu đã giữ lại những đặc điểm nổi bật của các không gian này, vừa đảm bảo tính chất lịch sử, vừa đáp ứng nhu cầu đa dạng hiện nay" - ông Nguyễn Vũ Phong chia sẻ.
Cần bảo tồn giá trị của “quỹ di sản”
Giới chuyên gia kiến trúc đô thị cho rằng, những ngôi biệt thự kiến trúc Pháp mang giá trị rất lớn về kinh tế lẫn văn hóa, xã hội, cảnh quan đô thị, nhưng hầu hết, tuy nhiên chưa được chú trọng trong việc đào sâu khai thác để làm sao vừa phục vụ được như cầu sẵn có, vừa thay đổi mô hình, cấu trúc cho phù hợp với bối cảnh xã hội.
Đánh giá về công tác bảo tồn, duy tu, tôn tạo các công trình có lối kiến trúc Pháp tại Thủ đô, TS. KTS Trương Ngọc Lân, Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội) nêu quan điểm, để gìn giữ các công trình theo lối kiến trúc Pháp, đồng thời tiếp tục phát triển, khai thác hiệu quả kinh tế - xã hội từ những công trình ấy, Hà Nội nên thực hiện theo mô hình bảo tồn thích ứng, được hiểu là phương pháp bảo tồn chuyển tiếp được các giá trị cũ và bổ sung các giá trị mới phù hợp cho di sản tồn tại được với cộng đồng, với xã hội đương đại.
“Việc gìn giữ và bảo vệ giá trị kiến trúc nhưng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của xã hội là giải pháp rất hay mà chúng ta nên học tập. Bởi nó là vấn đề quyết định đến việc gìn giữ một kho tàng công trình kiến trúc khổng lồ, độc đáo, có một không hai trong dòng chảy hối hả của cuộc sống đương đại” – TS. KTS Trương Ngọc Lân lý giải thêm.
KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng đưa ra các yêu cầu như: cần khôi phục tối đa ngôn ngữ kiến trúc gốc, giảm các yếu tố cơi nới; sắp xếp hợp lý với tầm nhìn ở các tuyến phố và chỉnh trang theo hướng văn minh, thống nhất thể loại, quy mô, kích thước...
Với riêng những công trình kiến trúc thời Pháp, việc bảo tồn phải thích ứng và linh hoạt giải pháp theo từng ô phố, như ô phố nhà ở, ô phố công trình công cộng, ô phố hỗn hợp... Theo đó, với ô phố công cộng, giải pháp cần thiết là ưu tiên bảo tồn, tôn tạo công trình công cộng và không gian công cộng, tạo sự kết nối các không gian cảnh quan xung quanh. Bảo tồn và tôn tạo hình khối, mặt đứng công trình nhằm giữ được tính nguyên bản của công trình. Với ô phố hỗn hợp nên linh hoạt trong quá trình cải tạo để không làm ảnh hưởng tới các giá trị cần bảo tồn.
Theo TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc bảo tồn, tu sửa các biệt thự cũ, cổ là giải pháp để nâng cao chất lượng sống của người dân trong các biệt thự. Chúng ta cần có phân loại giá trị đặc biệt cần bảo tồn nguyên trạng, phân loại biệt thự có giá trị trung bình cần bảo tồn phong cách của nó nhưng được phép cải tạo nội thất bên trong. Một cách phân loại nữa đó là chỉ cần giữ gìn một số công trình chính, còn có thể cải tạo khu vực xung quanh. Quan trọng là chúng ta cần chú trọng đến đặc điểm của từng loại biệt thự.
“Biệt thự cũ là “quỹ di sản” đặc biệt của Hà Nội, việc bảo tồn, sửa chữa các biệt thự cũ, cổ là việc làm rất cần thiết. Quan trọng là khi bảo tồn, sửa chữa, chúng ta vẫn giữ được “hồn cốt” của “quỹ di sản” đó. Không chỉ quan tâm đến vật thể mà còn có cả phi vật thể bên trong nữa” - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết.
Liên quan đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của các biệt thự cổ ở Hà Nội, UBND TP Hà Nội vừa có kế hoạch triển khai việc thiết lập hồ sơ quản lý, cơ sở dữ liệu, số hóa 3D đối với biệt thự thuộc nhóm 1 và xây dựng phần mềm quản lý nhà biệt thự theo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy.
Kế hoạch nhằm góp phần nâng cao năng lực quản lý cho các cơ quan quản lý nhà nước về việc quản lý, khai thác, sử dụng nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình quản lý, sử dụng nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước; tăng khả năng phân tích, thực hiện các mô hình dự đoán thông minh làm cơ sở để đưa ra các quyết định phù hợp trong hoạt động bảo tồn, chỉnh trang biệt thự cũ khu vực nội đô lịch sử, các quận theo Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy và thực hiện các quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Nhà ở, các nghị quyết của HĐND TP và các quy định pháp luật liên quan khác; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội.
Về tiến độ thực hiện, UBND TP giao Sở Xây dựng tiếp tục giao Trung tâm Quản lý nhà TP Hà Nội thuộc Sở hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư trong quý III - 2024. Đối với nhiệm vụ số hóa 3D biệt thự thuộc nhóm 1, hoàn thành việc chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu thực hiện trong quý IV - 2024.
Định hướng pháp lý và thực tiễn đều đưa tới bài học: Bảo tồn cần gắn với khai thác và phát huy giá trị. Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, để “ứng xử” với quỹ di sản đa dạng, phong phú tại Hà Nội, trong khi nguồn lực còn có hạn, thành phố cần nhận diện đúng giá trị và phân loại di sản để có những kịch bản khai thác phù hợp” - TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết.