Bảo tàng tư nhân: Nở nhưng chưa rộ - Bài 2: Vươn nhưng còn vướng

Các bảo tàng tư nhân được đầu tư bài bản về cơ sở vật chất cùng những sự kiện, hoạt động tăng tính tương tác, đang ngày càng thu hút công chúng. Nhiều bảo tàng ngoài công lập tại TPHCM đã góp phần không nhỏ nâng tầm giá trị văn hóa - nghệ thuật - lịch sử Việt Nam qua các sự kiện quốc tế và đoàn khách ngoại giao.

Đoàn khách đến từ Tây Ban Nha tham quan Bảo tàng Y học cổ truyền. Ảnh: FITO

Đoàn khách đến từ Tây Ban Nha tham quan Bảo tàng Y học cổ truyền. Ảnh: FITO

Trở ngại bảo hiểm

Với sự đa dạng thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu thưởng thức về mặt tinh thần của công chúng, cùng thành công của những phiên gõ búa tranh Việt giá triệu USD trên sàn quốc tế, để từng bước căn cơ hình thành thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp, sự có mặt của các không gian như bảo tàng nghệ thuật tư nhân là nhu cầu bức thiết. Điều này góp phần định hình thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp, tạo nên sự bài bản cho tác phẩm và người thực hành sáng tạo, cũng như làm cầu nối cho nhà sưu tập tiếp cận thị trường, tác phẩm và nghệ sĩ.

Sau hơn một năm đi vào hoạt động, Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (số 189B/3 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TPHCM) đã khẳng định vai trò cầu nối chuyên nghiệp. Bảo tàng lần lượt đón tiếp và tổ chức các buổi trò chuyện về nghệ thuật cùng bà Sophie Maysonnave - Tham tán Hợp tác và Văn hóa, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam; bà Hoàng Diệu Quỳnh - Phụ trách Dự án và Đối tác của Viện Pháp tại Việt Nam. Vừa qua, bảo tàng cũng đã phối hợp nhà đấu giá Christie’s (Anh) tổ chức buổi trò chuyện chủ đề “A COLLECTOR’S JOURNEY - Hành trình của một nhà sưu tập”. Đây cũng là sự kiện đầu tiên mà nhà Christie’s tổ chức tại Việt Nam. Sự kiện có sự tham dự của ông Dexter How, người có hơn 20 năm kinh nghiệm và đang quản lý thị trường Đông Nam Á của Christie’s. Ông Tira Vanichtheeranont - nhà sưu tập người Thái Lan với lòng yêu thích hội họa Việt Nam, có nhiều năm nghiên cứu và sưu tầm hơn 2.000 tác phẩm tranh Việt.

Tuy nhiên, hiện tại trong nước vẫn chưa có bảo hiểm cho các tác phẩm nghệ thuật. Đây cũng là trở ngại cho bảo tàng tư nhân đặc thù về nghệ thuật. Bức tranh triệu USD có thể đứng trước nguy cơ “trắng tay” nếu có rủi ro mà lại không có bảo hiểm. Cuộc triển lãm Hồn xưa bến lạ do nhà đấu giá Sotheby’s tổ chức tại Việt Nam vào tháng 7-2022, Bảo tàng Nghệ thuật Quang San và một số nhà sưu tập khác đã cho mượn tác phẩm triển lãm. Đây cũng là lần tiên, các nhà sưu tập trong nước cho mượn tác phẩm để triển lãm với hợp đồng bảo hiểm lên đến cả triệu USD. Đội ngũ vận chuyển tác phẩm và làm các hợp đồng bảo hiểm đều trực tiếp từ Hồng Công, trụ sở chính của Sotheby’s, sang làm việc và thương thảo cùng các nhà sưu tập trong nước.

Anh Nguyễn Thiều Kiên (Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Quang San) trăn trở: “Vì trong nước chưa có bảo hiểm về tác phẩm nghệ thuật nên khi thành lập bảo tàng, chúng tôi cũng phải chuẩn bị kỹ càng nhiều phương án đề phòng trường hợp không may xảy ra. Tôi cũng mong trong tương lai sẽ có những đơn vị chuyên làm bảo hiểm cho tác phẩm nghệ thuật vì nó không chỉ hỗ trợ cho bảo tàng, mà còn bảo vệ cả những họa sĩ và người sưu tập trong nước”.

Bên cạnh vấn đề bảo hiểm nghệ thuật, tìm đội ngũ phục chế tác phẩm trong trường hợp cần thiết đối với bảo tàng chuyên về nghệ thuật cũng là vấn đề nan giải. Tại triển lãm Họa duyên tương ngộ vào tháng 7-2023, kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923-1993). Mặc dù không công bố về con số kinh phí, nhưng phía Bảo tàng Nghệ thuật Quang San cùng Phạm Lê Collection (hai nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt, Lê Quang Vinh) và gia đình cố họa sĩ đã đầu tư khá lớn và mất nhiều thời gian để tìm chuyên gia trong việc phục hồi các tác phẩm để giới thiệu công chúng. Bởi sau khi họa sĩ Trần Phúc Duyên mất, toàn bộ tác phẩm của ông đóng thùng và lưu kho đến năm 2017 mới được phát hiện. Qua thời gian hơn 20 năm không được bảo quản kỹ, nhiều tác phẩm đã hư hỏng nặng, có tác phẩm thời gian phục hồi lên đến gần 1 năm trời để đảm bảo một cách nguyên nhất tinh thần nghệ thuật mà họa sĩ gửi vào tác phẩm.

Bài toán vận hành

Hiện nay, số lượng bảo tàng ngoài công lập hiện đang mở cửa đón khách tại TPHCM có thể nói ngang với số lượng bảo tàng công lập. Điều này cho thấy sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tạo điều kiện hướng dẫn và hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho khối bảo tàng tư nhân, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp để thực sự được tham gia vào công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa của thành phố.

 Buổi trò chuyện nghệ thuật do Bảo tàng Nghệ thuật Quang San kết hợp cùng nhà đấu giá quốc tế Bonhams (Anh) tổ chức

Buổi trò chuyện nghệ thuật do Bảo tàng Nghệ thuật Quang San kết hợp cùng nhà đấu giá quốc tế Bonhams (Anh) tổ chức

Tuy nhiên, đa số các bảo tàng tư nhân được thành lập là từ một cá nhân có đam mê với một chủ đề sưu tập, qua một quá trình dài trong việc sưu tập thì số lượng hiện vật, quy mô bộ sưu tập hoặc nhiều bộ sưu tập ngày một lớn hơn, dẫn đến nhu cầu cần thiết để thành lập bảo tàng. Vì vậy, hầu hết các thành viên sáng lập đều không phải là người có xuất thân được đào tạo chuyên môn về nghiệp vụ bảo tàng, nên trên thực tế việc cần phải có sự tư vấn chuyên môn về nghiệp vụ bảo tàng để hoàn thiện các bước thủ tục hồ sơ thành lập bảo tàng là tất yếu.

Bảo tàng Y học cổ truyền - Fito, một trong những bảo tàng tư nhân khá đặc biệt chỉ chuyên về y học cổ truyền của dân tộc, hiện vật trưng bày chủ yếu về bài thuốc cổ truyền, dân gian… Nhưng với nỗ lực ngay từ đầu của đội ngũ thành lập và vận hành, bảo tàng đã trở thành điểm tham quan thu hút công chúng bởi không gian kiến trúc hoài cổ, nội dung trưng bày phong phú và khách tham quan được trải nghiệm thăm khám sức khỏe theo các phương pháp đông y...

Tính hiệu quả và khả quan từ hoạt động bảo tàng tư nhân đã thấy rõ, nhưng bài toán vận hành lâu dài vẫn khiến người trong cuộc trăn trở tìm cách. Chị Thanh Hằng (Quản lý Bảo tàng Fito) bày tỏ: “Thành lập được một bảo tàng mới chỉ là bước đầu, làm thế nào để tồn tại được đó mới là vấn đề quan trọng, Nhiều năm bảo tàng chúng tôi đã lao đao trong việc gìn giữ và phát triển. Có một thực tế đã tồn tại ở hệ thống bảo tàng Việt Nam nói chung và bảo tàng y học cổ truyền nói riêng là việc tham quan bảo tàng của khách nội địa đa phần chỉ gắn với các chương trình giáo dục truyền thống, các buổi học ngoại khóa, các sự kiện kỷ niệm đặc biệt, còn việc thu hút khách tự nguyện thì rất ít”.

Và một khó khăn chung mà nhiều đơn vị bảo tàng tư nhân cùng chia sẻ chính là việc mô hình bảo tàng tư nhân ở Việt Nam là một khái niệm khá mới, việc vận hành, quản lý và triển khai các kế hoạch sao cho hiệu quả nhất. Về mặt tên tuổi, các bảo tàng tư nhân tại TPHCM đa phần không quá 10 năm hoạt động, thậm chí có bảo tàng chỉ mới hoạt động 1-2 năm trở lại đây, quá “trẻ” so với các bảo tàng nhà nước, nên vẫn cần nhiều thời gian để có thể lan tỏa tên tuổi mạnh mẽ hơn. Về mặt nhân sự, bảo tàng phải dành nhiều thời gian huấn luyện đội ngũ nhân sự về nghiệp vụ và những kiến thức chuyên môn cần thiết để tạo nên môi trường làm việc bài bản và chuyên nghiệp. Chi phí vận hành cũng là một bài toán khó hiện nay, làm sao nguồn thu phải đủ bù chi, giữ được chất lượng hiện vật, nâng chất hoạt động, tất cả nhằm để khách tham quan không phải thất vọng khi ghé bảo tàng.

Cạnh tranh là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy việc sáng tạo để thu hút và giữ chân công chúng, việc mở rộng hệ thống bảo tàng tư nhân, đặt thiết chế bảo tàng trong và ngoài công lập của thành phố nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Tiềm lực kinh tế từ các bảo tàng tư nhân thúc đẩy việc phát huy, nâng tầm các giá trị Việt đã được chứng minh thực tế, tuy nhiên trước khi thực sự để các bảo tàng tư nhân vươn mình, vẫn cần nhiều giải pháp để gỡ các vướng mắc.

Bàn về giải pháp để tạo động lực hỗ trợ cho bảo tàng tư nhân phát huy hiệu quả, chị Thanh Hằng (Quản lý Bảo tàng Fito) chia sẻ: “Bảo tàng Y học cổ truyền có giá trị cao về khoa học, bảo tồn di sản văn hóa, nhân văn, kinh tế… Ngoài ra, bảo tàng còn góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương. Vì thế, bảo tàng tư nhân rất cần có sự hỗ trợ về chủ trương, cần phải thể chế hóa rõ hơn các quy định về điều kiện thành lập, cơ chế hoạt động, hỗ trợ quảng bá trên thông tin đại chúng của Sở VH-TT TPHCM cũng như các ban, ngành tại địa phương nơi đặt trụ sở bảo tàng.

HỒNG DƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bao-tang-tu-nhan-no-nhung-chua-ro-bai-2-vuon-nhung-con-vuong-post752731.html
Zalo