Bảo tàng tỉnh Gia Lai tiếp nhận hơn 200 kỷ vật của Anh hùng Núp
Việc trao tặng những kỷ vật của Anh hùng Núp cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai với mong muốn lan tỏa những câu chuyện vô cùng thú vị về một người con ưu tú của các dân tộc Tây Nguyên.
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Anh hùng Núp (2/5/1914-2/5/2024), bà Giang Kim Năm cùng các thành viên trong gia đình đã trao tặng hơn 200 hiện vật, hình ảnh, kỷ vật về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Anh hùng Núp cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai.
Bà Giang Kim Năm là con dâu Anh hùng Núp, hiện sinh sống tại làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Bà chính là người đã chăm sóc Anh hùng Núp những năm cuối đời, gìn giữ những kỷ vật của ông kể từ khi ông qua đời năm 1999.
Trong số những kỷ vật được gia đình Anh hùng Núp trao tặng Bảo tàng tỉnh Gia Lai lần này, có những kỷ vật quý như cái chăn do cố Tổng Bí thư Đỗ Mười tặng khi Anh hùng Núp điều trị trong bệnh viện, huy hiệu do lãnh tụ Fidel Castro tự tay đeo cho ông khi sang thăm đất nước Cuba…
Ngoài một số kỷ vật khi còn sống ông hay sử dụng như ghế, kính mắt, còn có những kỷ vật gắn với kỷ niệm riêng tư của gia đình như vòng tai Anh hùng Núp tặng cho con dâu và khăn, mũ thổ cẩm của bà Chrơ - người vợ nối dây của ông.
Bà Giang Kim Năm cho biết, theo phong tục của người Bahnar, khi có người qua đời thì tất cả những gì thuộc về người chết đều phải chôn theo. Nhưng trước khi Anh hùng Núp mất, ông đã dặn phải trao đồ đạc lại cho Nhà nước. Ước nguyện của ông là muốn mọi người hiểu được những đóng góp của các dân tộc Tây Nguyên với cách mạng.
“Nay gia đình bàn bạc và quyết định tặng lại hết cho Bảo tàng. Chúng tôi mong những hiện vật tiếp tục được gìn giữ, bảo quản tốt nhất để chúng có thể kể cho con cái mai sau về cuộc đời và sự nghiệp của một người con của vùng đất Tây Nguyên bất khuất này”, bà Giang Kim Năm chia sẻ.
Trước đó, gia đình bà Giang Kim Năm đã tặng cho Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (xã Tơ Tung, huyện Kbang) 238 hiện vật; tặng cho Khu di tích lịch sử Trường Cán bộ dân tộc miền Nam (tỉnh Hòa Bình) 8 hiện vật.
Anh hùng Núp còn có tên là Sar, sinh năm 1914 trong một gia đình Bahnar nghèo sống bằng nghề nương rẫy tại làng Đe Dong, xã Nam, huyện An Khê (nay là làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang). Ông đã cùng đồng bào mình một lòng đoàn kết đánh đuổi giặc ngoại xâm chỉ với vũ khí thô sơ như chông, cung tên, bẫy đá... làm nên một huyền thoại bất tử. Không chỉ là người Bahnar đầu tiên được kết nạp vào Đảng, ông còn là người Tây Nguyên đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.