Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ - nơi lưu giữ ký ức hào hùng
Giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh có một không gian lặng thầm lưu giữ những mảnh ghép hào hùng của lịch sử dân tộc. Đó là Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, nơi từng hiện vật, từng hình ảnh đều mang hơi thở của một thời khói lửa. Không chỉ khắc họa sinh động chặng đường chiến đấu gian khổ của quân và dân ta, bảo tàng còn truyền cảm hứng, khơi dậy lòng tự hào và ý chí cống hiến trong mỗi bước chân tìm về nguồn cội.
Lưu giữ những giá trị vô giá
Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ có tổng diện tích trưng bày trên 17.500m2 trong nhà và ngoài trời, lưu giữ trên 20.000 hiện vật các loại. Mỗi hiện vật, mỗi hình ảnh được trưng bày tại bảo tàng không chỉ là một chứng nhân lịch sử mà còn là những mảnh ghép của cả một chặng đường giữ nước đầy gian khó. Những khẩu súng hoen rỉ, bộ quân phục cũ kỹ, chiếc mũ sắt đã loang lỗ màu sơn… đều mang một câu chuyện, một dấu ấn không thể phai mờ.


Đại tá, Nhà báo Trần Thế Tuyển, nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng giới thiệu đến các bạn trẻ ý nghĩa của từng hiện vật, hình ảnh, qua đó truyền cảm hứng về một thời đấu tranh kiên cường của dân tộc
Chị Trịnh Thu Hà, thuyết minh viên tại bảo tàng chia sẻ: “Bảo tàng là một thiết chế văn hóa thuộc Cục Chính trị Quân khu 7, nơi lưu giữ rất nhiều hiện vật quý giá, ghi dấu những giai đoạn lịch sử oanh liệt của quân và dân ta, đặc biệt trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đến nay, dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng giá trị lịch sử mà bảo tàng gìn giữ vẫn còn nguyên vẹn. Từng hiện vật tại đây không chỉ phản ánh sự khốc liệt của chiến tranh mà còn thể hiện rõ tinh thần yêu nước, lòng quả cảm và sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước. Là người thuyết minh, tôi luôn mong muốn mỗi lời kể, mỗi câu chuyện đều truyền tải được trọn vẹn cảm xúc và thông điệp lịch sử đến với thế hệ trẻ để các em không chỉ lắng nghe mà còn trân trọng, tự hào và hành động vì Tổ quốc”.
Từng hiện vật tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ là kết tinh của một thời đại kiên cường, là dấu ấn sống động của những năm tháng chiến đấu vì độc lập, tự do. Bảo tàng mang trong mình sứ mệnh lưu giữ ký ức, đồng thời lan tỏa tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc đến các thế hệ hôm nay. Đặc biệt trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), nơi đây trở thành điểm hẹn thiêng liêng để người dân, nhất là giới trẻ, tìm về cội nguồn. Giữa không gian trưng bày trang nghiêm, mỗi kỷ vật đều nói lên tiếng nói của một dân tộc bất khuất, vững vàng trước mọi thử thách.
Không gian trưng bày của Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ không chỉ đơn thuần là nơi tập hợp kỷ vật chiến tranh, mà còn là vùng ký ức sống động cho những ai từng đi qua thời bom đạn. Mỗi kỷ vật, hình ảnh tại đây dù là nhỏ nhất đều là dấu ấn gắn liền với máu, nước mắt và tinh thần bất khuất của lớp lớp thế hệ đi trước.

Đại tá Lưu Hữu Đệ, nguyên Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Tăng thiết giáp, Cục Kỹ thuật Binh chủng, cho biết: Với những người lính từng chiến đấu, bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày mà là nơi từng kỷ vật gợi nhớ một thời chiến đấu gian khổ. Mỗi hiện vật là máu thịt, là minh chứng thiêng liêng cho sự hy sinh vì độc lập dân tộc
Với những người lính từng trực tiếp tham gia chiến đấu, bảo tàng là nơi để họ trở về với ký ức những năm tháng rực lửa, để bắt gặp chính mình trong từng kỷ vật nhuốm màu thời gian. Đại tá Lưu Hữu Đệ, nguyên Phó Trưởng phòng Kỹ thuật tăng thiết giáp, Cục Kỹ thuật Binh chủng, Quân đội nhân dân Việt Nam, xúc động chia sẻ: “Đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ từng phục vụ trong quân đội như chúng tôi, Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ không đơn thuần là nơi trưng bày hiện vật. Đó là một phần ký ức sống động, nơi mà từng khẩu súng, chiếc ba lô, mảnh áo sờn vai hay cả một cỗ xe tăng cũ… đều gợi nhớ lại bao năm tháng chiến đấu gian khổ mà hào hùng. Khi đứng trước những hiện vật từng được mình và đồng đội sử dụng, cảm xúc của tôi lại trào dâng. Những hình ảnh, âm thanh của chiến trường năm xưa như ùa về, đó là đồng đội, là mồ hôi, nước mắt và cả máu đã đổ xuống vì độc lập dân tộc. Với chúng tôi, mỗi kỷ vật là một phần xương máu, là một minh chứng không thể phai mờ”.
Chính từ những ký ức được lưu giữ tại đây, niềm tin và ý chí đã được khơi dậy và bồi đắp, trở thành ngọn lửa âm ỉ trong lòng những người đang khoác lên mình màu áo lính hôm nay. Đó không chỉ là sự nối tiếp truyền thống, mà còn là động lực tinh thần để mỗi cán bộ, chiến sĩ vững vàng vượt qua mọi khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó.

Thiếu tá Vũ Xuân Điềm, công tác tại Quân chủng Phòng không - Không quân, chia sẻ: “Những hiện vật từ thời kháng chiến không chỉ gợi lại lịch sử hào hùng mà còn truyền cảm hứng, tiếp thêm động lực để tôi tiếp tục rèn luyện, cống hiến, xứng đáng với niềm tin mà Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó”
Thiếu tá Vũ Xuân Điềm hiện công tác tại Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân đội nhân dân Việt Nam sau khi tham quan khu trưng bày cho biết: “Tôi cảm thấy xúc động khi có mặt tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, nhất là trong những ngày tháng Tư lịch sử. Khi nhìn ngắm những vũ khí, quân trang, quân dụng từ thời kháng chiến chống Mỹ, tôi không chỉ cảm nhận được chiều sâu của lịch sử mà còn thấy rõ hơn ý chí kiên cường của các thế hệ cha anh. Những hiện vật ấy không đơn thuần là sắt thép hay vải vóc, mà là minh chứng sống động cho một thời máu lửa. Những hiện vật ở đây đã truyền cảm hứng rất lớn, thôi thúc tôi tiếp tục nỗ lực, rèn luyện và cống hiến hết mình, để xứng đáng với niềm tin mà Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó”.
Truyền lửa cho người trẻ
Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ là nơi để những người từng đi qua chiến tranh tìm về kỷ niệm và cũng là không gian ý nghĩa cho thế hệ trẻ - những người sinh ra trong hòa bình nhưng mang trên vai sứ mệnh tiếp bước cha ông. Trong dòng chảy hiện đại, giữa thời đại số và nhịp sống gấp gáp, nơi đây như một điểm dừng lặng lẽ nhưng sâu sắc, giúp khơi dậy lòng yêu nước, hun đúc lòng tự hào dân tộc và nuôi dưỡng lý tưởng sống tích cực trong mỗi người trẻ. Không gian trưng bày không chỉ kể chuyện quá khứ, mà còn gieo mầm tương lai bằng cảm xúc, niềm tin và trách nhiệm.
Đối với nhiều bạn trẻ, đến bảo tàng là lần đầu họ thực sự được chạm vào lịch sử không phải qua sách báo, mà qua những hiện vật chân thực, qua giọng kể truyền cảm của người thuyết minh, qua ánh mắt xúc động của những người lính già từng trải. Những điều ấy tạo nên một kết nối cảm xúc sâu sắc, giúp lịch sử không còn là kiến thức khô khan mà trở thành trải nghiệm sống động.
Em Phan Lê Yến Nhi, sinh viên Trường Đại học Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) xúc động nói: “Đây là lần đầu tiên em đến tham quan bảo tàng và thực sự em rất xúc động. Khi bước vào khu trưng bày, được tận mắt chứng kiến những hiện vật gắn liền với lịch sử đấu trang tranh của dân tộc từ chiếc xe đạp thồ, khẩu súng, đến những lá thư, tấm bản đồ cũ, em thấy như được sống trong không khí hào hùng của dân tộc. Những ngày tháng Tư lịch sử càng khiến em trân trọng hơn sự hy sinh to lớn của ông cha. Em đặc biệt khâm phục tinh thần chiến đấu, sự kiên cường và lòng yêu nước của thế hệ đi trước. Từ đó em thấy rõ trách nhiệm của người trẻ hôm nay phải sống có lý tưởng, sống biết ơn và biết cống hiến".
Trong mỗi dịp lễ lớn của đất nước, đặc biệt là tháng Tư - tháng của những khúc ca khải hoàn, bảo tàng lại trở thành điểm đến của nhiều đoàn thanh niên, học sinh, sinh viên. Người trẻ đến đây không chỉ để tri ân mà còn là dịp để tự soi rọi chính mình: “Mình đã làm gì cho đất nước hôm nay?”.
Bảo tàng đang âm thầm làm một công việc lớn lao đó là truyền "lửa". Lửa từ những ký ức đau thương nhưng hào hùng. Lửa từ tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Lửa từ những lý tưởng cao đẹp đã giúp dân tộc vượt qua muôn vàn thử thách. Và chính ngọn lửa ấy đang tiếp tục cháy lên bền bỉ và sâu sắc trong những người trẻ.