Bảo tàng Hùng Vương, điểm hội tụ của văn minh Việt cổ

Bảo tàng có hai tầng, diện tích xây dựng 1.000 m2, cao gần 30 mét thiết kế theo mô phỏng nhà sàn của người Mường, người Thái. Ði từ cổng Ðền Hùng lên Ðền Hạ nhìn xuống, Bảo tàng Hùng Vương mô phỏng về nhận thức người xưa về trời tròn, đất vuông, mang ý tưởng về câu chuyện cổ bánh dày, bánh chưng mà hoàng tử Lang Liêu cúng tiến vua cha.
Với gần 700 hiện vật được trưng bày ở năm phòng, Bảo tàng Hùng Vương dẫn du khách và người xem về với cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Năm phòng trưng bày hiện vật của bảo tàng được đặt trên tầng hai, liên hoàn với nhau theo thế vòng tròn. Phòng một, giới thiệu đất nước và người Việt thời nguyên thủy.
Ở đó có bức ảnh chụp hang Ngựa ở xã Thu Cúc, huyện Thanh Sơn, nơi có dấu vết cư trú của con người cách đây bốn vạn năm và dấu vết hóa thạch của xương lợn rừng, hươu nai. Ðiều đó khẳng định người Việt cổ sống bằng nghề săn bắt, hái lượm để tồn tại. Nền văn hóa Sơn Vi được trình bày bằng 21 di vật bằng đá có dấu vết bàn tay con người.
Hình thù các công cụ rìu, dao, nạo, mảnh tước, hòn ghè tìm thấy được ở xã Sơn Vi, chỉ cách Ðền Hùng 5 km có niên đại cách đây từ 13.000 đến 18.000 năm đã chứng minh người Việt cổ biết sống thành tập đoàn, biết chế tác các công cụ dùng cho săn bắn, hái lượm và sinh hoạt, những dấu hiệu đầu tiên để hình thành nên bộ lạc và làng xóm sau này.
Phòng hai có hàng trăm hiện vật gốc được trưng bày, chứng minh quá trình phát triển của người Việt cổ qua các nền văn hóa Phùng Nguyên, Ðồng Ðậu, Gò Mun, từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp. Các hiện vật gốc mô tả từ thời đồ đá lên thời kỳ đồ đồng. Tất cả được xếp theo sự tiến triển của lịch sử và sắp xếp theo tiến hóa xã hội từng thời kỳ.
Những bằng chứng ấy đã nói lên người Việt nguyên thủy có bước tiến dài, lấy nghề sống chính là trồng lúa nước, săn bắn và hái lượm. Cuộc sống của người Việt lúc ấy bắt đầu phong phú và đa dạng với nhiều ngành nghề, có đồ trang sức để tôn vinh cái đẹp, có vũ khí để tự vệ, xã hội đã bắt đầu có kẻ giàu, người nghèo, sự phân chia giai cấp manh nha hình thành và các bộ tộc người bắt đầu chinh phục nhau.
Phòng ba, trưng bày sự nghiệp dựng nước của các Vua Hùng. Ðây là thời kỳ nền văn hóa Ðông Sơn rực rỡ. Các hiện vật đồng thau được trưng bày như: lưỡi rìu đồng thau ở làng Cả, rìu đồng ở di chỉ Gò Chiễn, lưỡi thuổng, ống đồng ở di chỉ làng Cả... đã chứng minh sự phát triển của người Việt thời kỳ đồng thau, tiến bộ hơn.
Ở đây, trưng bày cả dao, tấu, lọ gốm có trình độ cao, từ mộ cổ Gò De thuộc xã Thanh Ðình, niên đại 2.300 năm. Dấu tích khảo cổ làng Cả là kho tàng khảo cổ quý giá gồm 217 hiện vật, đồ đồng có gốm rìu, thuổng, giáo, dao găm, âu, thạp, vòng ống, vòng lồng máng, trống đồng, chuông. Ðáng chú ý là rìu xéo góc tròn, rìu xéo góc vuông hình hia, hình xeo, rìu góc vuông hình bàn chân đạt đến trình độ tinh xảo.
Bên cạnh đó là bộ sưu tập 12 bộ trống đồng được trang trí các họa tiết, hoa văn có tính nghệ thuật cao, thể hiện thiên nhiên và sinh hoạt con người. Tiêu biểu hơn cả là trống đồng Ðền Hùng được phát hiện tại làng Cổ Tích ngay dưới chân núi Hùng có đường kính 104 cm. Trống đồng Ðền Hùng được xếp vào loại đứng hàng đầu của hệ thống trống I Heger. So với trống đồng Ngọc Lũ cùng niên đại, trống đồng Ðền Hùng có kích thước và dáng vẻ bề thế hơn. Phòng còn trưng bày trống đồng Tân Long (Yên Lập) có đường kính mặt 108 cm. Ðây là trống đồng lớn nhất tìm thấy ở Việt Nam.
Phòng bốn và phòng năm giới thiệu về khu di tích lịch sử Ðền Hùng, việc thờ cúng các Vua Hùng và tình cảm của nhân dân với Ðền Hùng. Phòng bốn trưng bày bộ kiệu rước Ðền Hùng, tượng Bác nói chuyện với Ðại đoàn quân Tiên phong ngày 19-9-1954 với câu nói của Người: Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước, giới thiệu tình cảm hướng về cội nguồn của người Việt với các Vua Hùng.
Hiện nay, cả nước có 587 nơi thờ tự Vua Hùng. Ðã nghìn đời nay thờ cúng các Vua Hùng không những là tâm linh của người dân mà còn là công việc quốc gia từ đời Lý, Trần đến Nhà nước ta hiện nay. Phòng năm trưng bày 61 tài liệu khoa học của các học giả, các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu về Ðền Hùng và thời đại Hùng Vương. Hai phòng này còn có hơn 100 hiện vật do đồng bào cả nước cúng tiến các Vua Hùng. Tại đây ghi đậm câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng: Trong nhiều truyền thống tốt đẹp, dân tộc Việt Nam ta luôn luôn giữ vững một truyền thống có ý nghĩa hay và đẹp vô cùng: tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ những người đã có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước.
Lời nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng cũng là tâm linh của người dân nước Việt với các Vua Hùng.