Bão tan, giám định bảo hiểm vẫn quá tải

Phản ánh tới Báo Đầu tư Chứng khoán, một số doanh nghiệp (là chủ tài sản) và công ty hỗ trợ đòi bồi thường cho biết, đã hơn 1 tháng kể từ khi bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại lớn vẫn chưa nhận được tiền bồi thường từ công ty bảo hiểm.

Công tác giám định gặp khó do khối lượng tổn thất cần giám định quá lớn.

Công tác giám định gặp khó do khối lượng tổn thất cần giám định quá lớn.

Khách hàng phản ánh công tác giám định, bồi thường chậm

Ngày 7/9/2024, siêu bão Yagi đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh, khiến Tổ hợp khách sạn 5 sao và căn hộ dịch vụ À La Carte Ha Long Bay (TP. Hạ Long) bị vỡ hàng trăm tấm kính cường lực cùng hệ thống nội thất bị hư hại, mức độ tổn thất có thể lên đến cả trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc Thanh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Taseco, chủ đầu tư tổ hợp này cho biết, tới nay vẫn chưa nhận được tiền bồi thường tổn thất từ Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VBI), cho dù nhà bảo hiểm đã xuống kiểm tra hiện trường và thẩm định thiệt hại, chủ đầu tư cũng đã hoàn tất nộp hồ sơ đòi bồi thường theo yêu cầu.

Theo đại diện chủ đầu tư, việc chưa nhận được tiền bồi thường thiệt hại kịp thời đã ảnh hưởng tới kế hoạch chuẩn bị nguồn tài chính để sửa chữa, thay mới trang thiết bị, từ đó làm chậm quá trình khôi phục hoạt động kinh doanh của khách sạn.

Còn ông Trương Minh Cát Nguyên - CEO TILA Finance, đơn vị đang hỗ trợ một số khách hàng có thiệt hại lớn do bão Yagi gây ra cho hay đã nộp hồ sơ, chứng từ cho công ty giám định độc lập từ mấy tuần trước để làm căn cứ đòi bồi thường thiệt hại, nhưng tới nay chưa nhận được hồi đáp từ đơn vị giám định.

Tương tự, một số luật sư khác chia sẻ, khách hàng mà họ đang hỗ trợ đòi bồi thường bảo hiểm cũng phản ánh chưa nhận được kết luận từ phía công ty giám định độc lập, dù đã nộp hồ sơ yêu cầu giám định từ nhiều ngày trước.

Nhà Bảo hiểm, đơn vị giám định nói gì?

Về phía công ty bảo hiểm, thông tin với Báo Đầu tư Chứng khoán, VBI cho biết, sau bão, Công ty đã gấp rút triển khai nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có việc phê duyệt kế hoạch tạm ứng 50 tỷ đồng cho các khách hàng bị tổn thất, bao gồm cả khách hàng là chủ đầu tư khách sạn À La Carte Ha Long Bay.

Tuy không công bố sẽ bồi thường cho khách hàng trên là bao nhiêu, nhưng phía VBI khẳng định đang triển khai việc tạm ứng. Theo cập nhật mới nhất, VBI ghi nhận hơn 800 vụ tổn thất do cơn bão Yagi gây ra, ước tính tổng thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng. Hiện tại, VBI đã tạm ứng 2 đợt và chuẩn bị tạm ứng đợt 3, tổng số tiền tạm ứng gần 100 tỷ đồng.

Thực tế, không chỉ VBI, nhiều công ty bảo hiểm khác như Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm Bảo Minh, Bảo hiểm Bưu điện (PTI)… cũng tích cực chung tay cùng cả nước khắc phục hậu quả bão lũ.

Đại diện một công ty bảo hiểm trong tốp đầu thị trường cho hay, ngay khi tiếp nhận thông tin về thiệt hại, đội ngũ giám định viên nhanh chóng có mặt tại hiện trường và phối hợp chặt chẽ với khách hàng để thực hiện đo lường, thống kê mức độ thiệt hại. Tuy nhiên, do khối lượng hồ sơ yêu cầu giải quyết bồi thường từ khách hàng quá nhiều dẫn tới công tác giám định gặp khó.

“Ngoài một số trường hợp khách hàng hoàn thiện hồ sơ chậm, việc lực lượng giám định còn mỏng trong khi số lượng tổn thất cần giám định quá lớn là nguyên nhân chính dẫn đến chậm trễ”, vị này nói.

Các công ty giám định cũng thừa nhận thực tế này và cho biết, hàng trăm giám định viên của các công ty giám định độc lập đã được điều động bổ sung từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc phối hợp cùng các giám định viên, bồi thường viên ở các công ty bảo hiểm để đẩy nhanh tiến độ giám định, thống kê tổn thất, nhất là với những vụ thiệt hại tài sản phức tạp.

“Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh bảo hiểm khẩn trương bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm. Sau khi tổn thất xảy, ra các công ty bảo hiểm đã chỉ định đơn vị giám định độc lập tiếp cận hiện trường, hướng dẫn người mua bảo hiểm xác định mức độ thiệt hại để sớm khôi phục lại sản xuất, kinh doanh. Người được bảo hiểm mong muốn hoạt động sản xuất - kinh doanh sớm khôi phục, công ty bảo hiểm, công ty giám định mong muốn xử lý nhanh, đúng, đủ quyền lợi cho bên mua bảo hiểm. Vì số lượng doanh nghiệp mua bảo hiểm bị tổn thất nhiều, cả công ty bảo hiểm và công ty giám định đều huy động toàn bộ nhân lực, làm tăng ca ngày đêm để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, do địa bàn tổn thất rộng nên cũng có một số hạn chế, dẫn đến việc tiếp cận hiện trường có thể chậm hơn so với mong muốn của bên mua bảo hiểm”, ông Trần Văn Công - Phó tổng giám đốc Công ty Giám định RACO cho hay.

Một lý do khác, đại diện một công ty bảo hiểm cho biết, có trường hợp khách hàng tham gia bảo hiểm nhưng lại nộp phí chậm, nên khi rủi ro xảy ra công ty bảo hiểm phải cân nhắc rất kỹ vì không có cơ sở bồi thường. Ngoài ra, do đang thiếu giám định viên đạt chứng chỉ hành nghề giám định bảo hiểm theo quy định nên công tác giám định khó đẩy nhanh.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2019 quy định, giám định viên thuộc công ty giám định phải có chứng chỉ giám định bảo hiểm do Viện Phát triển bảo hiểm Việt Nam thuộc Bộ Tài chính sát hạch và cấp chứng chỉ mới được hành nghề.

Trong khi đó, theo các luật sư, pháp luật hiện chưa quy định cụ thể thời gian các công ty giám định độc lập phải ra kết luận giám định vì đây là quan hệ dân sự nên các bên tự thỏa thuận.

Tuy nhiên, luật sư Đỗ Hồng Sơn - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, các công ty bảo hiểm cũng như khách hàng có thể yêu cầu công ty bảo hiểm độc lập phải ấn định thời gian hoàn tất kết luận giám định vào hợp đồng bảo hiểm đã ký với công ty bảo hiểm để tránh trường hợp bị kéo dài.

Thế nào được coi là chậm trả tiền bồi thường bảo hiểm?

Luật sư Phạm Thị Giang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội thông tin, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã bổ sung quy định mới về thời hạn phải bồi thường, trả tiền bồi thường (Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 chưa quy định).

Theo đó, tại Điều 31, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, công ty bảo hiểm phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, nghĩa là sau thời hạn này mà chưa chi trả thì được tính là chậm bồi thường. Do đó, khách hàng có thể rà soát xem mình có thuộc diện bị chậm trả hay không.

Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn thì công ty bảo hiểm phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm. Trường hợp công ty bảo hiểm chậm bồi thường, trả tiền bảo hiểm thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất đối với số tiền chậm trả được xác định theo thỏa thuận của các bên theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Cũng theo bà Giang, pháp luật không quy định về thời hạn phải ra báo cáo giám định, nhưng các bên đều hiểu là phải có báo cáo giám định thì công ty bảo hiểm mới ra kết luận chi trả bồi thường. Chẳng hạn, tại các công ty bảo hiểm như Bảo Việt, PVI, Bảo Minh, PTI…, hợp đồng đã ký với khách hàng đều nêu rõ hồ sơ yêu cầu bồi thường bao gồm cả biên bản giám định.

Theo Nghị định 46/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động giám định tổn thất bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện về văn bằng, chứng chỉ, tiêu chuẩn như sau:

a) Có văn bằng từ cao đẳng trở lên phù hợp với yêu cầu của lĩnh vực giám định;

b) Có chứng chỉ giám định tổn thất bảo hiểm do cơ sở đào tạo về bảo hiểm được thành lập và hoạt động hợp pháp trong và ngoài nước cấp tương ứng với các loại nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ thực hiện giám định tổn thất bảo hiểm;

c) Có ít nhất 3 năm công tác trong lĩnh vực giám định.

Kim Lan

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bao-tan-giam-dinh-bao-hiem-van-qua-tai-post356241.html
Zalo