Bão số 3 tàn phá Bắc Bộ
Bão số 3 đã tàn phá nhiều nhà cửa, công trình, đánh đắm tàu thuyền; hàng triệu khách hàng ở miền Bắc mất điện. Thiệt hại rất nặng nề: ít nhất 19 người chết và mất tích, nhiều người bị thương
Từ trưa 7-9, bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ Quảng Ninh - Hải Phòng, quần thảo trong nhiều giờ với sức gió gần tâm bão mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 17, gây thiệt hại vô cùng nặng nề.
Tan hoang sau bão
Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, bão số 3 đổ bộ vào Bắc Bộ đã gây ra hàng loạt sự cố, tai nạn trên biển. Tàu Tiến Thành 05 (tàu cần cẩu, phương tiện thủy nội địa, thuộc Công ty CP Thương mại logistics Quảng Ninh) neo tránh trú bão tại Vũng Đục (Cẩm Phả) bị mất tích cùng 7 thuyền viên. Ngoài ra, tàu kéo biển Hồng Gai (thuộc Công ty CP Cảng Quảng Ninh) khi neo tránh bão tại khu vực hang Bồ Nâu có tọa độ 20-51.03N, 107-05.10E, trên tàu có 7 thuyền viên bị mất tích, đến 18 giờ đã vớt được 1 thi thể, 6 thuyền viên còn lại đang mất tích.
Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 7-9, bão số 3 đổ bộ đã làm 4 người chết (Quảng Ninh 3, Hải Dương 1) và 78 người bị thương (Quảng Ninh 58, Hải Phòng 20). 5 tàu xi-măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh), 1 tàu vận tải (Huyền Trang 2 - Hải Phòng) bị đứt neo trôi dạt. Nhiều nhà cửa bị hư hỏng, tốc mái và hàng ngàn cây xanh ngã đổ tại các tỉnh, thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Là địa phương đầu tiên bị ảnh hưởng của bão số 3, tỉnh Quảng Ninh chịu thiệt hại vô cùng lớn.
Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, bão số 3 quét qua từ trưa 7-9 khiến đường phố TP Hạ Long ngổn ngang. Hàng loạt biển quảng cáo, biển hiệu của các nhà hàng, cơ sở kinh doanh bị gió thổi bay, nằm la liệt trên mặt đường. Một số gia đình cố gắng chằng chống, gia cố cửa kính nhưng cũng không đủ để chống lại những cơn gió giật cực mạnh của bão số 3. Hàng loạt nhà cửa bị vỡ kính. Một số nhà bị gió giật tốc mái tôn, khung sắt. Nhiều cơ sở lưu trú ở Hạ Long cũng hư hại tài sản như cửa kính, cửa sổ, biển hiệu… do sức công phá của siêu bão Yagi. Tại TP Cẩm Phả, mưa lớn gió giật mạnh làm đổ hàng loạt cột điện, đèn chiếu sáng. Trong khi ở Vân Đồn, gió to sóng lớn khiến nhiều tàu, bè của ngư dân bị đánh ra xa, nhấn chìm.
Do ảnh hưởng của cơn bão, toàn huyện đảo Cô Tô bị mất điện, 30 điểm dây điện bị đứt; mất kết nối hệ thống cáp quang mạng viễn thông; 6 tàu tại khu vực âu tàu bị đắm; khoảng 100 nhà dân, trụ sở, trường học, khách sạn bị tốc mái, chưa có nhà bị sập; trên 80 cây xanh hai bên đường bị gãy đổ. Tại huyện Vân Đồn, nhiều cây xanh bị gãy đổ, nhiều nhà lợp mái tôn bị tốc mái. Do gió to, mưa lớn nên chưa thể tổng hợp được thiệt hại do bão gây ra nhưng trước mắt, theo phản ánh của người dân, nhiều bè nuôi thủy sản, dây nuôi hàu của người dân tại các khu vực biển đã bị sóng đánh thiệt hại nặng nề.
Mất điện trên diện rộng
Tại Hải Phòng, 1 trường hợp tử vong do tôn bay vào người, 20 trường hợp được cấp cứu tại bệnh viện khi bị cây, cành gãy rơi, đổ vào người.
Tại Hà Nội, dù xa tâm bão đổ bộ nhưng ngay từ trưa 7-9, gió bão đã gầm rú, gió giật cấp 7, cấp 8 khiến nhiều cây xanh, mái nhà bị tốc mái.
Theo thống kê sơ bộ của TP Hà Nội, đã có 7 người bị thương do cây xanh gãy, đổ. Từ 13 giờ 30 phút, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trợ giá trên địa bàn thủ đô tạm dừng. Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội đã tạm dừng vận hành 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội.
Đến chiều tối cùng ngày, khu vực nội đô Hà Nội ghi nhận gió giật cấp 9, cấp 10 kèm mưa to. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã phải khuyến cáo người dân thành phố không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
Trong chiều 7-9, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc thông tin sơ bộ về ảnh hưởng nghiêm trọng của cơn bão số 3 đến lưới điện do đơn vị quản lý vận hành. Tại Quảng Ninh, toàn bộ 52/52 đường dây 110 KV và 21/21 trạm biến áp đã tách khỏi vận hành. Toàn tỉnh mất điện.
Tại TP Hải Phòng, mưa to và gió cấp 15 đã gây sự cố 6 đường dây 110 KV dẫn tới mất điện toàn bộ ở Cát Hải; mất điện trên 50 đường dây trung áp và khoảng hơn 300.000 khách hàng. Tại tỉnh Thái Bình, sự cố 4 đường dây 110 KV và có 3 trạm biến áp 110 KV gây mất điện; 110 lộ đường dây trung áp mất điện; dẫn tới khoảng 570.000 khách hàng bị mất điện. Công ty Điện lực Thanh Hóa thông tin nhanh có 2 đường dây trung thế mất điện, 11.916 khách hàng bị mất điện. Công ty Điện lực Lạng Sơn xác nhận sự cố 10 đường dây trung áp dẫn đến 63.913 khách hàng bị mất điện (trong đó đã khôi phục cấp điện trở lại cho 50.517 khách hàng).
Công ty Điện lực Nam Định báo cáo sự cố 1 đường dây 110 KV (không mất điện trạm biến áp 110 KV); 35 lộ đường dây trung áp mất điện khoảng 265.000 khách hàng. Trong khi đó, tại tỉnh Hải Dương mất điện 4 lộ đường dây 110 KV và 4 trạm biến áp 110 KV, mất điện 75/153 xuất tuyến đường dây trung áp, ảnh hưởng đến 159.000 khách hàng trên địa bàn.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc Nguyễn Đức Thiện nhấn mạnh thiệt hại do bão số 3 gây ra là rất lớn. Chính vì vậy, các công ty điện lực bị ảnh hưởng do bão cần lưu ý an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị khi khôi phục thiệt hại sau khi bão tan. 100% quân số quản lý kỹ thuật vận hành ứng trực, tuyệt đối tuân thủ quy định, quy trình để chủ động các phương án xử lý sự cố.
TP HCM sẵn sàng chia sẻ với các địa phương
Ngày 7-9, Thường trực Thành ủy TP HCM đã có chỉ đạo toàn hệ thống chính trị của thành phố chủ động ứng phó với bão số 3 trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương, từng cơ quan, đơn vị theo sát tình hình, dự báo các tình huống mưa to, triều cường, cây gãy đổ, kịp thời thông báo để người dân sẵn sàng ứng phó, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, thiệt hại. Bên cạnh đó, phân công lực lượng ứng trực, tổ - đội giúp người dân khi gặp khó khăn; thường xuyên báo cáo tình hình về Thường trực Thành ủy để kịp thời chỉ đạo. Đặc biệt, theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, TP HCM có kế hoạch sẵn sàng chia sẻ với Hà Nội và những địa phương vùng tâm bão.
Chiều cùng ngày, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ phát cảnh báo về tình trạng mưa lớn, giông lốc, sét, mưa đá ở TP HCM và các tỉnh lân cận. Tại TP HCM, ghi nhận trong chiều cùng ngày, nhiều nơi đã xuất hiện mưa to, gió lớn như quận Gò Vấp, quận 3, TP Thủ Đức, quận 4.
A.My
Trung Quốc: 2 người chết, 92 người bị thương
Theo Tân Hoa xã, chính quyền địa phương tỉnh đảo Hải Nam - Trung Quốc ngày 7-9 cho biết siêu bão Yagi đã gây mưa lớn và gió giật khắp tỉnh, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng ở huyện Định An, 92 người bị thương ở TP Văn Xương và TP Hải Khẩu.
Đảo Hải Nam là nơi đầu tiên bão Yagi đổ bộ vào chiều 6-9, trước khi đổ bộ lần 2 vào tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc rồi tiến vào vịnh Bắc Bộ. Tính cả Hải Nam và Quảng Đông, đã có gần 1 triệu người dân phải sơ tán để tránh bão. Bộ Chỉ huy phòng chống lũ lụt và hạn hán nhà nước Trung Quốc cũng ban hành cảnh báo lũ lụt cho tỉnh Quảng Tây, nơi được dự báo cũng sẽ có mưa và gió lớn do gần đường đi của bão. Ủy ban Quốc gia về phòng ngừa, giảm nhẹ và cứu trợ thiên tai Trung Quốc đã kích hoạt phản ứng khẩn cấp cứu trợ thiên tai cấp độ IV đối với tỉnh Hải Nam và gửi một đội công tác đến địa phương này để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.
A.Thư