Bão số 3 gây thiệt hại khoảng 450 tỷ đồng cho tỉnh Thái Bình
Thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra ước tính khoảng 450 tỷ đồng. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đang tiếp tục đánh giá và tính thiệt hại để có số liệu tổng hợp cuối cùng.
Theo đó, sản xuất nông nghiệp thiệt hại 350 tỷ đồng; hạ tầng điện 25 tỷ đồng; viễn thông 20 tỷ đồng; nhà xưởng, cây xanh và một số thiệt hại khác khoảng 55 tỷ đồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, có khoảng 11 nghìn ha lúa mùa bị ảnh hưởng, tuy nhiên do làm tốt công tác tiêu úng nên diện tích thiệt hại hơn 30% khoảng 6.000ha.
Có 585ha rau màu vụ đông mới trồng và rau màu vụ mùa chưa thu hoạch bị ảnh hưởng từ 30%-70%; 2.760ha bị ảnh hưởng hơn 70%. Bên cạnh đó, có 1.215ha cây ăn quả, chuối… bị ảnh hưởng từ 30%-70%; 170ha bị ảnh hưởng hơn 70%.
Ngoài ra, có 146 gia súc và hơn 60 nghìn gia cầm, thủy cầm bị chết; khoảng 60 tấn cá lăng, chép, diêu hồng, trắm… trên các lồng bè thuộc tuyến sông Hồng huyện Hưng Hà bị lật và cuốn trôi.
Còn Công ty Điện lực tỉnh Thái Bình thông tin, phần điện trung thế và hạ thế có 484 cột bị nghiêng, gãy đổ; 297 quả sứ cách điện, 86 bộ xà, gần 3.700 công-tơ, gần 2,000 hộp công-tơ, 17 trạm tủ phân phối… bị hư hỏng. Mất kết nối các trạm 110kV về Trung tâm điều khiển xa và về hệ thống viễn thông, công nghệ thông tin của ngành điện.
Công tác khắc phục thiệt hại đang tiếp tục được tỉnh Thái Bình đôn đốc, chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Cụ thể, đã cho mở các cống tiêu nước, huy động tối đa mọi phương tiện khơi thông dòng chảy, sử dụng bơm cưỡng bức để cứu cây trồng bị ngập úng.
Ngành điện đã huy động toàn bộ nhân lực, vật tư tập trung xử lý sự cố mất điện trên diện rộng ngay khi cơn bão đi qua. Cho đến ngày 10/9 đã khôi phục toàn bộ lưới điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho tổ chức, cá nhân.
Các đơn vị viễn thông đã kiểm tra, rà soát, khắc phục sớm hệ thống thông tin liên lạc, internet bảo đảm thông tin thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành và nhu cầu của người dân ngay sau bão.
Qua theo dõi, các khu công nghiệp có gần 9.000m2 mái tôn bị tốc mái, 50m tường dậu và khoảng 800 cây xanh bị ngã đổ. Các cơ sở, sản xuất kinh doanh có 62 đơn vị bị tốc mái nhà xưởng trên diện tích khoảng 20 nghìn m2… Tuy nhiên, đến ngày 9/9, hầu hết các khu công nghiệp và cơ sở bị thiệt hại đã hoạt động trở lại bình thường.
Về công tác chống lũ, tính đến ngày 12/9, toàn tỉnh tổ chức di dời 1.767 hộ với 4.993 nhân khẩu sinh sống ở đê bối vào nơi an toàn. Tính chung, sau cơn bão số 3 vừa qua, tỉnh Thái Bình không có thiệt hại về người. Toàn bộ hệ thống đê điều, các công trình dưới đê và 37 trọng điểm đê, kè, cống xung yếu vẫn bảo đảm an toàn tuyệt đối.