Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi

Sáng 24/2, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Dự và chủ trì Hội nghị có Tổng biên tập, TS Vũ Hoài Nam; Phó Tổng biên tập Trần Ngọc Hà.

Cảnh Hội nghị.

Cảnh Hội nghị.

Tham dự Hội nghị là lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn thuộc Báo Pháp luật Việt Nam; biên tập viên, phóng viên thuộc Báo.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng biên tập, TS Vũ Hoài Nam cho biết, Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) nhận được sự quan tâm rất lớn của các cơ quan báo chí. Luật này tác động lớn đến định hướng phát triển của báo chí nói chung và Báo Pháp luật Việt Nam nói riêng trong giai đoạn tới.

Theo Tổng biên tập Vũ Hoài Nam, Dự thảo Luật có nhiều vấn đề cần trao đổi, thảo luận như cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý báo chí, kinh tế báo chí, mô hình hoạt động của báo chí trong thời gian tới như thế nào, xuất bản báo chí trên môi trường số, thời hạn cấp thẻ nhà báo…

Hội nghị nhằm huy động trí tuệ của cán bộ, phóng viên, những người trực tiếp hoạt động báo chí góp ý vào Dự thảo. Tất cả các ý kiến góp ý sẽ được tập hợp, chắt lọc lại để gửi tới Hội Nhà báo.

Tổng biên tập, TS Vũ Hoài Nam phát biểu tại Hội nghị.

Tổng biên tập, TS Vũ Hoài Nam phát biểu tại Hội nghị.

Tổng biên tập Vũ Hoài Nam lưu ý, khi góp ý cần đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của Báo trong giai đoạn hiện nay. Cũng theo Tổng biên tập Vũ Hoài Nam, trong thời gian tới, Báo có thể tổ chức Hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học về Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Trần Ngọc Hà điều hành thảo luận

Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Trần Ngọc Hà điều hành thảo luận

Điều hành Hội nghị, Phó Tổng Biên tập Trần Ngọc Hà đã gợi mở một số vấn đề quan trọng trong Dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) để các đại biểu tập trung thảo luận như vấn đề tiêu chuẩn để cấp Thẻ nhà báo, các đối tượng được cấp thẻ, vấn đề liên kết báo chí, chính sách của nhà nước về phát triển báo chí, hoạt động của báo chí trên không gian mạng...

Phát biểu tại Hội nghị, Nhà báo Lam Hạnh cho biết, qua nghiên cứu Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), có thể thấy Dự thảo luật này đã đảm bảo được tinh thần mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV "Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc..."

Góp ý từng điều cụ thể, Nhà báo Lam Hạnh cho rằng tại Điều 2 Dự thảo quy định về giải thích từ ngữ còn thiếu một số định nghĩa và một số khoản, việc định nghĩa chưa đầy đủ. Theo bà Lam Hạnh, nên thêm vào Điều 2 các khái niệm: cơ quan báo chí trực thuộc; kênh nội dung của cơ quan báo chí trên không gian mạng; xuất bản báo chí trên không gian mạng là gì; đồng thời đề xuất bổ sung nội dung Báo in còn được truyền dẫn trên không gian mạng dưới dạng PDF; bổ sung Khoản 2, Điều 23 nội dung cơ quan báo chí được phép liên kết trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, thể thao, giải trí, quảng cáo, thông tin kinh tế và pháp luật.

Trưởng Ban Nội chính Bùi Thị Thu Hằng phát biểu tại Hội nghị.

Trưởng Ban Nội chính Bùi Thị Thu Hằng phát biểu tại Hội nghị.

Góp ý Dự thảo sửa đổi, Trưởng Ban Nội chính Bùi Thị Thu Hằng ủng hộ quy định siết chặt quy định tiêu chuẩn cấp thẻ nhà báo. Theo Trưởng Ban Nội chính, hiện nay, việc cấp thẻ nhà báo đang quá dễ dàng. Luật hiện hành quy định tiêu chuẩn cấp thẻ nhà báo: có bằng đại học, sau 2 năm công tác tại cơ quan báo chí thì có thể xem xét cấp thẻ nhà báo. Việc quy định như trên dễ dẫn đến hệ lụy trong quá trình hành nghề do nhà báo thiếu năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức. Tuy nhiên khi hướng dẫn vấn đề này, cần quy định rõ những trường hợp nào phải qua đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ.

Góp ý Điểm d, Khoản 2, Điều 28 về quyền của nhà báo, Trưởng Ban Nội chính Bùi Thị Thu Hằng đề nghị bổ sung trường hợp nhà báo tác nghiệp mà không phải xin phép đối với trường hợp người phạm tội quả tang, người đã bị khởi tố, truy tố, xét xử, người đang bị truy nã...

Trưởng Ban Điện tử Nguyễn Đức Trường phát biểu tại Hội nghị.

Trưởng Ban Điện tử Nguyễn Đức Trường phát biểu tại Hội nghị.

Góp ý Dự thảo tại Hội nghị, Trưởng Ban Điện tử Nguyễn Đức Trường cho rằng Dự thảo có rất nhiều thay đổi so với Luật 2016. Theo Trưởng Ban Điện tử, Điều 4 của Luật Báo chí 2016 quy định rất rõ về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí, trong đó có nêu “phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”. Tuy nhiên, trong Dự thảo mới, quy định này bị bỏ đi. Do đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung chức năng phản biện xã hội của báo chí vào Luật.

Về quyền tiếp cận thông tin của báo chí, theo Trưởng Ban Điện tử, thực tế có việc nhà báo đến các cơ quan, đơn vị đặt lịch làm việc nhưng không nhận được câu trả lời hoặc không nhận được lịch hẹn làm việc của cơ quan, đơn vị. Điều này gây hạn chế trong việc tác nghiệp của phóng viên, thông tin tới độc giả. Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ quan nào bị xử lý. Đề nghị bổ sung chế tài xử lý cơ quan, đơn vị có hành vi cản trở phóng viên, nhà báo tác nghiệp.

Một số lãnh đạo phòng, ban chuyên môn của Báo Pháp luật Việt Nam tại Hội nghị.

Một số lãnh đạo phòng, ban chuyên môn của Báo Pháp luật Việt Nam tại Hội nghị.

Cùng quan điểm trên, một số nhà báo, phóng viên của Báo Pháp luật Việt Nam cũng nêu thực trạng khi đi tác nghiệp, họ bị một số cơ quan, đơn vị gây khó khăn trong việc tác nghiệp. Trong khi đó, theo Luật Báo chí 2016 và Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi: “Nhà báo được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, nhiều cơ quan, đơn vị lại yêu cầu nhà báo phải xuất trình giấy giới thiệu kèm thẻ nhà báo. Do đó, nhiều nhà báo, phóng viên đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung chế tài xử lý đối với hành vi cản trở tác nghiệp báo chí.

Cũng tại Hội nghị, nhiều nhà báo, phóng viên của Báo Pháp luật Việt Nam đã góp ý một số vấn đề: tên gọi cho các cơ quan báo chí bị sáp nhập; những đối tượng được cấp thẻ nhà báo; bổ sung định nghĩa những sản phẩm thông tin có tính báo chí là gì? Bổ sung thêm quy định về cổng thông tin điện tử, trong đó có việc xác định cổng thông tin điện tử của bộ, ngành có phải là đối tượng điều chỉnh của Luật Báo chí không…/.

H.Mây - P.Mai

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bao-phap-luat-viet-nam-to-chuc-hoi-nghi-gop-y-du-thao-luat-bao-chi-sua-doi-post540637.html
Zalo