Báo Nhân Dân tổ chức tọa đàm hướng tới Ngày Thế giới nhận thức về Tự kỷ
Chiều 28/3, Báo Nhân Dân đã tổ chức buổi tọa đàm 'Tương lai nào cho trẻ tự kỷ?' nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về Tự kỷ (2/4). Sự kiện có sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, y tế và tâm lý học, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Phát biểu khai mạc, ông Phan Văn Hùng, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho biết, tọa đàm "Tương lai nào cho trẻ tự kỷ" do Báo Nhân Dân tổ chức nhằm hướng tới Ngày Thế giới nhận thức về Tự kỷ (2/4).

Ông Phan Văn Hùng, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân phát biểu.
Theo ông Phan Văn Hùng, tại Việt Nam, số trẻ mắc hội chứng này ngày càng gia tăng, và đây không chỉ là mối quan tâm của các bậc phụ huynh mà còn là vấn đề cần sự chung tay của toàn xã hội.
"Mỗi trẻ em sinh ra đều có quyền được yêu thương, được học tập và phát triển. Trẻ tự kỷ không nằm ngoài điều đó. Các em không phải là gánh nặng, mà chính là một phần của xã hội chúng ta, những con người có tiềm năng, có khả năng đóng góp nếu được trao cơ hội phù hợp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều trẻ tự kỷ và gia đình vẫn gặp phải vô vàn khó khăn, từ nhận thức xã hội, giáo dục đặc biệt đến các chính sách hỗ trợ", Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nêu thực trạng.

Quang cảnh buổi tọa đàm.
Chính vì vậy, buổi tọa đàm không chỉ là dịp để cùng nhau chia sẻ những thách thức mà trẻ tự kỷ và gia đình các em đang đối mặt, mà còn là cơ hội để lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý, tổ chức xã hội nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực.
Ông Phan Văn Hùng chia sẻ, với vai trò là cơ quan báo chí hàng đầu của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Báo Nhân Dân luôn tích cực, chủ động hoàn thành tốt, toàn diện công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương và những quan điểm định hướng lớn của Đảng, Nhà nước ta. Báo cũng luôn chú trọng đề cao trách nhiệm xã hội, nỗ lực truyền tải thông tin chính xác, nhân văn tới bạn đọc, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về những vấn đề thiết yếu trong đời sống, trong đó có trẻ tự kỷ.

Em nhỏ tham dự tại sự kiện.
"Truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thay đổi nhận thức xã hội. Khi hiểu đúng về tự kỷ, chúng ta sẽ có cách ứng xử đúng đắn hơn, từ đó tạo ra một môi trường bao dung, hỗ trợ để trẻ tự kỷ có cơ hội phát triển và hòa nhập. Báo Nhân Dân đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và cộng đồng để lan tỏa thông điệp nhân văn, góp phần thúc đẩy các chính sách hỗ trợ thiết thực hơn, để không ai bị bỏ lại phía sau", ông Hùng nhấn mạnh.
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố đầu năm 2019, Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó khoảng 1 triệu người tự kỷ. Ước tính, cứ 100 trẻ sinh ra thì có một trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Trong vòng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ tự kỷ tại Việt Nam đã tăng đáng kể và trở thành một vấn đề xã hội rất đáng lưu tâm.
Bức tranh đó càng có thêm những gam màu tối tăm đáng báo động, khi tỷ lệ trẻ em mắc chứng này ước tính lên tới 1% số trẻ sinh ra. Số lượng trẻ tự kỷ tăng nhanh, khi chỉ từ năm 2000 đến năm 2007 đã nhân lên tới 50 lần. Cũng theo thống kê, tự kỷ chiếm 30% số trẻ mắc các khuyết tật học đường.

Những tác phẩm tranh của bé Tạ Đức Bảo Nam, trẻ tự kỷ sinh năm 2011.
Thống kê cũng cho thấy, những bất thường của rối loạn phổ tự kỷ gây ảnh hưởng kéo dài suốt đời đến các chức năng cá nhân, gây suy giảm chất lượng sống, suy giảm nguồn nhân lực lao động kéo theo gánh nặng kinh tế lâu dài cho cả gia đình và xã hội.
Các chuyên gia ước tính, hơn 1 triệu trẻ tự kỷ sẽ kéo theo 8 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp. Không chỉ có vậy, mỗi năm sẽ có một con số không nhỏ trẻ tự kỷ bước vào tuổi trưởng thành.
Đặc biệt, khi các em đến tuổi dậy thì, phụ huynh phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải. Phần lớn trong số họ phải đối diện với một tương lai mờ mịt khi người thân ngày càng già yếu, chi phí chăm sóc ngày một tăng cao, ít có khả năng lao động để tự nuôi sống bản thân. Tương lai của họ sẽ ra sao, khi cha mẹ không còn nữa cũng là một vấn đề an sinh xã hội gây nhức nhối.
Cuộc tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, y tế và tâm lý học. Các vị khách mời đã cùng thảo luận nhằm chia sẻ thực trạng - thách thức và đưa ra những giải pháp cùng kiến nghị với mong muốn thắp sáng tương lai cho trẻ tự kỷ.