Bạo lực với phụ nữ dân tộc thiểu số: Kìm hãm sự phát triển của cả cộng đồng và quốc gia

Phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) tại Việt Nam đang gồng mình đối mặt với bạo lực giới - một 'rào cản vô hình' nhưng đầy nghiệt ngã, ăn sâu vào văn hóa, xã hội và kinh tế. Vượt ra ngoài những tổn thương cá nhân, tình trạng này đang ghìm chân hàng triệu phụ nữ, kìm hãm nghiêm trọng sự phát triển của cả cộng đồng và quốc gia.

 Tổ hợp tác thổ cẩm Dao Tiền thuộc xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình (cũ)

Tổ hợp tác thổ cẩm Dao Tiền thuộc xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình (cũ)

Thực trạng đáng báo động

Báo cáo tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề "Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi vào hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức, TS. Nguyễn Lê Hoài Anh(Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, phụ nữ DTTS tại Việt Nam đang chịu gánh nặng của bạo lực giới ở mức đáng báo động. Theo Điều tra Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019, 62,9% phụ nữ từng kết hôn đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực bởi chồng hoặc bạn tình. Đáng chú ý, tỷ lệ phụ nữ DTTS chịu bạo lực thể chất và tình dục cao hơn đáng kể so với phụ nữ Kinh, lên tới 42,3%.

Bạo lực giới đối với phụ nữ DTTS biểu hiện đa dạng và mang tính đặc thù. Bạo lực tinh thần và hành vi kiểm soát là những hình thức phổ biến và dai dẳng trong cộng đồng này. Phụ nữ DTTS chịu tỷ lệ bạo lực kiểm soát hành vi từ chồng/bạn tình cao hơn mức trung bình toàn quốc và phụ nữ Kinh, với 33,8% trong đời và 17,4% trong 12 tháng qua.

Đặc biệt, phụ nữ Mông (54,7% trong đời, 25,6% trong 12 tháng) và Dao (51,3% trong đời, 32,0% trong 12 tháng) có tỷ lệ cao nhất. Về bạo lực kinh tế, phụ nữ DTTS cũng chịu tỷ lệ cao hơn (24,1% trong đời, 16,4% trong 12 tháng) so với toàn quốc (20,6% và 11,5%) và phụ nữ Kinh (19,9% và 10,5%), đặc biệt ở phụ nữ Dao (45,8% trong đời, 28,6% trong 12 tháng). Khoảng 70% phụ nữ dân tộc Dao từng bị kiểm soát tài chính và không được quyết định chi tiêu.

Bên cạnh đó, các hủ tục như ép hôn, hôn nhân cận huyết và tảo hôn vẫn còn tồn tại ở một số cộng đồng DTTS, thậm chí có dân tộc tỷ lệ tảo hôn trên 50%. Cụ thể, dân tộc Mông có tỷ lệ cao nhất (51,5%), tiếp theo là Cơ Lao (47,8%), Mảng (47,2%), Xinh Mun (44,8%) và Mạ (39,2%). Tỷ lệ tảo hôn ở nữ DTTS (23,5%) cao hơn so với nam DTTS (20,1%).

Phụ nữ Mông làm kinh tế từ việc dệt và may các sản phẩm truyền thống

Phụ nữ Mông làm kinh tế từ việc dệt và may các sản phẩm truyền thống

Đáng lo ngại, theo TS Nguyễn Lê Hoài Anh, nhiều phụ nữ DTTS không coi các hành vi kiểm soát tài chính hay cấm ra khỏi nhà là bạo lực do đã quen với khuôn mẫu gia trưởng. Sự "bình thường hóa" bạo lực này khiến đa số nạn nhân giữ im lặng (72,1%), rất ít trường hợp nói với người có trách nhiệm xử lý (chưa đến 2%).

TS Nguyễn Lê Hoài Anh cho biết, bạo lực giới đối với phụ nữ DTTS là do văn hóa gia trưởng. Nhiều cộng đồng DTTS duy trì cấu trúc gia đình phụ quyền, coi bạo lực như "công cụ" duy trì trật tự. Các hủ tục như tảo hôn, cướp vợ, ép hôn còn phổ biến, hợp thức hóa nhiều hình thức bạo lực giới.

Bên cạnh đó, là do thiếu thông tin và nhận thức. Phụ nữ DTTS thường thiếu học vấn, ít hiểu biết về pháp luật và quyền của bản thân. Sự phụ thuộc kinh tế vào chồng dẫn đến quan hệ hôn nhân không bình đẳng. Định kiến giới và tập tục lạc hậu trong cộng đồng cũng góp phần duy trì bạo lực. Là phụ nữ và là người DTTS, họ chịu thiệt thòi kép: khó tiếp cận thông tin, dịch vụ hỗ trợ do rào cản ngôn ngữ, địa lý.

Ngoài ra, còn do áp lực kinh tế và kiểm soát tài chính. Kiểm soát kinh tế là biểu hiện phổ biến của bạo lực giới. Phụ nữ DTTS ít khi có tài sản riêng, không có quyền tài chính, phụ thuộc kinh tế vào nam giới. 74,2% hộ DTTS có nam giới đứng tên độc lập về đất đai và tín dụng (so với 40,6% ở người Kinh). Nghèo đói, áp lực kiếm sống, cùng thói quen uống rượu bia (phổ biến ở Nùng 76,2%, Dao 80,8%, Mường 84%, Tày 85%) càng làm gia tăng mâu thuẫn và bạo lực. Bạo lực giới ước tính gây thiệt hại 1,8% GDP quốc gia mỗi năm, tương đương hơn 100.000 tỷ đồng.

Chưa kể, đó còn do hệ thống hỗ trợ yếu kém. Cơ chế phản ứng với bạo lực giới ở vùng DTTS còn hạn chế. Tỷ lệ phụ nữ DTTS tham gia cán bộ chính trị thấp, làm giảm tiếng nói của họ. Thiếu cơ sở tư vấn pháp lý, y tế tại chỗ, cùng rào cản ngôn ngữ và định kiến từ một bộ phận cán bộ địa phương, khiến nạn nhân khó tiếp cận hỗ trợ và thường chọn cách im lặng.

Rào cản vô hình đối với phát triển kinh tế - xã hội

Bạo lực giới không chỉ gây tổn thương cá nhân mà còn là rào cản vô hình nhưng mạnh mẽ, ngăn cản phụ nữ DTTS tham gia đầy đủ vào phát triển kinh tế - xã hội. Đó là hạn chế phụ nữ DTTS hạn chế tiếp cận thông tin và cơ hội, khiến họ suy giảm sức khỏe và năng suất, mất tiếng nói và quyền ra quyết định.

Đặc biệt, hạn chế phụ nữ DTTS về cơ hội kinh tế. Phụ nữ từng trải qua bạo lực có khả năng tham gia thị trường lao động thấp hơn 25%. Việc bị cấm ra ngoài, kiểm soát chi tiêu, hoặc gánh toàn bộ công việc nội trợ khiến họ mất cơ hội tạo thu nhập. 45% phải từ bỏ công việc, 32% mất thu nhập do ảnh hưởng sức khỏe/tinh thần.

Thành viên CLB Dân vũ phụ nữ DTTS xã Hồng Kỳ (Yên Thế, tỉnh Bắc Giang (cũ) trao đổi kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc

Thành viên CLB Dân vũ phụ nữ DTTS xã Hồng Kỳ (Yên Thế, tỉnh Bắc Giang (cũ) trao đổi kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc

Chưa kể, bạo lực giới tạo ra một vòng luẩn quẩn, bạo lực dẫn đến nghèo đói, phụ thuộc, và tái bạo lực. Thiệt hại kinh tế do bạo lực giới ở Việt Nam ước tính 1,8% GDP (khoảng 100.000 tỷ đồng) mỗi năm, chủ yếu từ giảm năng suất lao động và mất tiềm năng đóng góp của phụ nữ vào phát triển.

Giải pháp toàn diện tháo gỡ rào cản

Để tháo gỡ "rào cản vô hình" này, theo TS Nguyễn Lê Hoài Anh, cần có một hệ thống các giải pháp toàn diện, đặt phụ nữ DTTS vào trung tâm nỗ lực phát triển.

Về chính sách và thể chế: Hoàn thiện khung pháp lý về phòng chống bạo lực gia đình, có điều khoản đặc thù cho phụ nữ DTTS; lồng ghép bình đẳng giới vào các chương trình mục tiêu quốc gia.

Về truyền thông - giáo dục: Thiết kế tài liệu truyền thông song ngữ, thân thiện văn hóa; lồng ghép giáo dục bình đẳng giới vào trường học và hoạt động cộng đồng; tổ chức các chiến dịch truyền thông sâu rộng, thu hút nam giới tham gia.

Về dịch vụ hỗ trợ: Phát triển mạng lưới nhà tạm lánh, dịch vụ pháp lý - tâm lý lưu động tại vùng sâu, vùng xa; đào tạo cán bộ cơ sở, đặc biệt là nữ cán bộ người DTTS, có kiến thức giới và hiểu văn hóa địa phương.

Về kinh tế và quyền năng: Hỗ trợ phụ nữ tiếp cận đất đai, tín dụng, đào tạo nghề, cơ hội kinh doanh, việc làm tại chỗ; tăng cường vai trò, tiếng nói và vị thế của phụ nữ trong cộng đồng.

Về nghiên cứu - giám sát: Đầu tư nghiên cứu định tính và định lượng chuyên sâu theo từng dân tộc; thiết kế cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả mô hình can thiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu phân tách theo giới, dân tộc, vùng miền để hoạch định chính sách chính xác và hiệu quả.

N.Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bao-luc-voi-phu-nu-dan-toc-thieu-so-kim-ham-su-phat-trien-cua-ca-cong-dong-va-quoc-gia-20250702162643103.htm
Zalo