Bạo lực mạng với thanh thiếu niên: Không phải là 'trò đùa'
Bạo lực mạng hay chỉ là trò đùa giỡn vô hại, đôi khi rất khó để xác định ai đó chỉ đang vui vẻ hay đang cố tình bắt nạt người khác trên mạng. Tuy nhiên, điều khó thể phủ nhận là thực trạng trẻ em và thanh thiếu niên trở thành nạn nhân của bạo lực mạng đang ngày càng gia tăng trên khắp thế giới. Đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tâm lý của thế hệ trẻ, thậm chí có thể dẫn đến việc các em tự kết liễu mạng sống của mình.
Hậu quả tâm lý nghiêm trọng từ bạo lực mạng
Trong thập kỷ qua, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của thanh thiếu niên. Các nền tảng như Facebook, Instagram, TikTok và Twitter cho phép người dùng kết nối với nhau, chia sẻ thông tin và trải nghiệm. Mặt trái của sự kết nối này là sự gia tăng của bạo lực mạng - một hình thức quấy rối, bắt nạt và đe dọa được thực hiện thông qua internet. Bạo lực mạng thường xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm những bình luận tiêu cực, lăng mạ, đe dọa bạo lực, hoặc phát tán thông tin sai lệch. Thanh thiếu niên dễ trở thành mục tiêu vì độ nhạy cảm và tâm lý chưa vững chắc.
Trên các nền tảng như TikTok, trẻ em và thanh thiếu niên thường đăng tải các video cá nhân, từ đó dễ bị chỉ trích, chế giễu, hoặc thậm chí bị đe dọa. Một số trẻ trở thành nạn nhân của việc mỉa mai và đe dọa bởi những kẻ ẩn danh trên mạng. Trên Instagram, bạo lực mạng thường xuất hiện thông qua các tin nhắn trực tiếp hoặc bình luận dưới các bài đăng cá nhân. Những hành vi như này khiến nạn nhân cảm thấy bị cô lập và lo sợ, vì không thể đối mặt với kẻ tấn công.
Các vụ việc bạo lực mạng không chỉ giới hạn ở quốc gia hay vùng lãnh thổ nào. Ở Nhật Bản, các diễn viên, ca sĩ trẻ tuổi thường trở thành nạn nhân của những lời bình luận ác ý và đe dọa tính mạng. Hàn Quốc cũng chứng kiến nhiều trường hợp thanh thiếu niên bị quấy rối trực tuyến đến mức trầm cảm và tự tử. Điều này cho thấy sự nguy hiểm của bạo lực mạng và cách nó có thể lan rộng trên quy mô toàn cầu. Theo một nghiên cứu tại Mỹ, có đến 59% thanh thiếu niên thừa nhận từng bị quấy rối trên mạng ít nhất một lần tại quốc gia này.
Tác động của bạo lực mạng đối với tâm lý của trẻ em và thanh thiếu niên là rất lớn. Bị lăng mạ, đe dọa hoặc chế giễu công khai có thể gây ra những tổn thương tâm lý kéo dài, từ lo âu, trầm cảm, đến sang chấn tâm lý (PTSD). Những trẻ em bị bắt nạt trên mạng có nguy cơ phát triển các vấn đề tâm lý cao hơn so với những trẻ em không bị ảnh hưởng. Theo tổ chức UNICEF, cảm giác bị người khác cười nhạo hoặc quấy rối có thể khiến mọi người không thể lên tiếng hoặc cố gắng giải quyết vấn đề. Nạn nhân của bắt nạt trực tuyến có thể cảm thấy như thể đang bị tấn công ở khắp mọi nơi, ngay cả trong nhà riêng của mình và “có vẻ như không có lối thoát”. Bắt nạt có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe tâm lý, từ lo lắng, trầm cảm, đến cảm giác bị cô lập. Những hậu quả về thể chất như mất ngủ, đau đầu, và đau bụng cũng thường xảy ra. Trẻ em và thanh thiếu niên bị bắt nạt trực tuyến đôi khi cảm thấy xấu hổ và thu mình khỏi gia đình và bạn bè. Các tác động có thể kéo dài một thời gian dài và ảnh hưởng đến một người theo nhiều cách khác nhau. Trong những trường hợp nghiêm trọng, đe dọa trực tuyến thậm chí có thể dẫn đến việc mọi người tự kết liễu mạng sống của mình.
Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy rằng 37% thanh thiếu niên trải qua bạo lực mạng đã xuất hiện các triệu chứng trầm cảm. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên có liên quan đến bạo lực mạng cũng đang ở mức báo động. Nạn nhân của bạo lực mạng thường cảm thấy cô đơn, bị cô lập và không tìm thấy sự hỗ trợ từ người xung quanh. Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi nhiều thanh thiếu niên cảm thấy khó khăn trong việc thảo luận về những gì họ phải đối mặt trực tuyến với người lớn.
Những hậu quả tâm lý nghiêm trọng của bạo lực mạng không chỉ tác động ngắn hạn mà còn kéo dài trong suốt cuộc đời của một cá nhân. Trẻ em và thanh thiếu niên, nếu không nhận được sự hỗ trợ và can thiệp kịp thời, có thể trở nên tự ti, mất tự tin và có xu hướng thu mình lại khỏi xã hội. Đặc biệt, các nghiên cứu tại Nhật Bản cho thấy rằng những nạn nhân của bạo lực mạng thường có tỷ lệ mắc các chứng lo âu xã hội và trầm cảm cao gấp đôi so với những trẻ không bị ảnh hưởng.
Đáng nói, các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền hình, đóng vai trò thiết yếu trong việc nâng cao nhận thức về bạo lực mạng. Những thông tin này giúp cảnh báo cộng đồng về mức độ nghiêm trọng của vấn đề, khuyến khích hành động và can thiệp kịp thời. Nhiều tờ báo uy tín trên thế giới đã công bố các bài viết về hậu quả của bạo lực mạng, giúp đưa vấn đề này ra ánh sáng và khuyến khích sự thay đổi. Tuy nhiên, một mặt khác, chính các nền tảng này cũng tạo điều kiện cho việc lan truyền nhanh chóng các vụ việc bạo lực mạng. Ở Hàn Quốc và Nhật Bản, những vụ bắt nạt trên mạng thường xuyên được đưa tin rầm rộ, dẫn đến việc thông tin tiêu cực lan truyền mạnh mẽ. Ví dụ, vụ tự tử của nhiều người nổi tiếng Hàn Quốc như Sulli và Goo Hara đã khiến vấn đề bạo lực mạng trở thành đề tài nóng bỏng, gây chấn động dư luận. Tương tự, ở Nhật Bản, trường hợp nữ đô vật Hana Kimura tự tử cũng đã gây tranh cãi lớn về tác động tiêu cực của bạo lực mạng và truyền thông.
Để thanh thiếu niên không trở thành nạn nhân
Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã tiến hành nhiều chiến dịch nhằm ngăn chặn và giảm thiểu bạo lực mạng đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Bên cạnh các chiến dịch quốc tế, Liên hợp quốc đã kêu gọi các quốc gia thành viên đưa ra các chính sách bảo vệ trẻ em trên mạng. Châu Âu và Mỹ đã thực hiện các chiến dịch như “Delete Cyberbullying” nhằm nâng cao nhận thức của công chúng và khuyến khích hành vi trực tuyến có trách nhiệm. Những chiến dịch này tập trung vào việc giáo dục thanh thiếu niên và phụ huynh về cách bảo vệ bản thân và con cái khỏi bạo lực mạng, cũng như cách nhận biết và đối phó với các hành vi quấy rối trực tuyến. Tại Hàn Quốc, sau một loạt các vụ tự tử liên quan đến bạo lực mạng, chính phủ đã ban hành các quy định nghiêm ngặt hơn về an toàn mạng.
Giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng chống bạo lực mạng. Các trường học và giáo viên cần nâng cao nhận thức cho học sinh về cách ứng xử trực tuyến, cũng như cung cấp các kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân khỏi bạo lực mạng. Nhiều quốc gia đã tích hợp các chương trình giáo dục về an toàn mạng vào chương trình giảng dạy chính thức. Ở Mỹ, các trường học tổ chức các buổi thảo luận và hội thảo để nâng cao nhận thức về bạo lực mạng, trong khi ở Nhật Bản và Hàn Quốc, các bài học về an toàn mạng đã trở thành một phần quan trọng trong giáo dục phổ thông.
Một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn chặn bạo lực mạng là khuyến khích ứng xử văn minh trên mạng. Thanh thiếu niên cần được giáo dục về cách giao tiếp lịch sự, tôn trọng người khác và biết cách đối phó với các tình huống xung đột trực tuyến mà không dẫn đến hành vi bạo lực. Theo tổ chức UNICEF, thanh thiếu niên cần biết những điều cơ bản như cách nhận biết bắt nạt trên mạng, tác động của bạo lực mạng, cách ngăn chặn và ứng phó với bắt nạt trực tuyến,… để không trở thành nạn nhân của bạo lực mạng. Theo hướng dẫn của tổ chức này, một cách để phân biệt bắt nạt với trò đùa là xem xét cảm giác của bản thân về hành vi đó. Nếu các em cảm thấy bị tổn thương và tình trạng này vẫn tiếp tục dù đã yêu cầu dừng lại thì đó có thể là dấu hiệu của bắt nạt. Nếu ai đó đang bị bắt nạt, điều quan trọng là báo cáo sự việc với những người có thể giúp đỡ, chẳng hạn như cha mẹ, giáo viên hoặc sử dụng các công cụ báo cáo của các nền tảng xã hội.
Việc ngăn chặn và giảm thiểu bạo lực mạng không chỉ đòi hỏi nỗ lực từ phía chính phủ và các tổ chức quốc tế, mà còn đòi hỏi sự hợp tác giữa gia đình, trường học và các nền tảng kỹ thuật số để tạo ra môi trường an toàn cho trẻ em. Hiện nay, nhiều quốc gia đã ban hành quy định pháp luật xử lý nghiêm khắc hành vi bắt nạt trên mạng, hầu hết các trường học cũng đưa chế tài xử phạt vào nội quy. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thay vì chỉ tập trung vào hình phạt, việc khắc phục tổn hại và hàn gắn các mối quan hệ cũng rất quan trọng.