Bạo lực học đường: 'Xử lý một vụ, cảnh tỉnh một vùng'

Trước thực trạng bạo lực học đường đáng báo động, lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm minh theo tinh thần 'xử lý một vụ, cảnh tỉnh một vùng'.

Nữ sinh bị đánh tại quán nước xã Nhơn Hạnh . Ảnh cắt từ clip.

Nữ sinh bị đánh tại quán nước xã Nhơn Hạnh . Ảnh cắt từ clip.

Thời gian gần đây, dư luận tỉnh Bình Định không khỏi lo lắng trước tình trạng bạo lực học đường liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương, trong đó có những vụ việc học sinh bị hành hung ngay tại nơi công cộng, thậm chí bởi các đối tượng ngoài nhà trường.

Dư luận tỉnh Bình Định chưa hết xôn xao trước đoạn clip được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một nam sinh bị bạn đánh liên tục vào đầu bằng tay và một vật giống chiếc thau. Sự việc xảy ra tại một quán cà phê thuộc xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Nạn nhân trong clip được xác định là em L.Đ.K. (15 tuổi, học sinh lớp 8A4, Trường Trung học cơ sở Phước Hưng, huyện Tuy Phước). Người đánh em K. là một thiếu niên cùng tuổi, hiện sinh sống tại xã Phước Hưng, nhưng chưa xác định được danh tính cụ thể.

Nữ sinh bị đánh hội đồng tại thị xã An Nhơn. Ảnh cắt từ clip.

Nữ sinh bị đánh hội đồng tại thị xã An Nhơn. Ảnh cắt từ clip.

Đây không phải là vụ việc hành hung học sinh đầu tiên xảy ra trong năm nay trên địa bàn Bình Định. Trước đó, từ ngày 23/3 đến 16/4, toàn tỉnh đã ghi nhận ít nhất 3 vụ nữ sinh THCS bị hành hung tại thị xã An Nhơn, huyện Phù Cát. Trong đó, có hai vụ việc học sinh bị đánh hội đồng. Các nhóm đánh nhau đều là nữ sinh, phần lớn đang theo học tại các trường trung học cơ sở trên địa bàn. Điều đáng nói là có vụ việc không dừng lại ở hành động bạo lực mà còn bị quay clip và tung lên mạng xã hội như một “chiến tích”.

Theo ông Nguyễn Đình Hùng, Quyền Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định, các vụ việc học sinh bị đánh xảy ra thời gian vừa qua có một số vụ việc là do học sinh trong trường với nhau nhưng cũng có một số vụ do thanh niên bên ngoài đánh học sinh trong trường. Đa số các vụ việc đều xảy ra ngoài khuôn viên nhà trường.

Ngay sau khi các vụ việc xảy ra, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm phòng ngừa bạo lực học đường. Sở đã ban hành văn bản yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố cùng các trường phổ thông chú trọng công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi bạo lực.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi bạo lực học đường. Ảnh: Diễm Phúc.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi bạo lực học đường. Ảnh: Diễm Phúc.

Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, báo cáo từ UBND thị xã An Nhơn và huyện Phù Cát về các vụ việc này chỉ dừng lại ở mức độ tường thuật vụ việc. Các báo cáo vẫn chưa phân tích rõ nguyên nhân để xảy ra vụ việc, chưa đưa ra được biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm khắc đối với các cá nhân học sinh vi phạm đạo đức học đường.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương liên quan chỉ đạo sâu sát các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương tìm hiểu, phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên. Đồng thời, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục cụ thể và xử lý kỷ luật nghiêm đối với tập thể, các cá nhân liên quan đến các vụ việc bạo lực trong học sinh xảy ra trên địa bàn trong thời gian vừa qua.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; tích cực triển khai các nội dung xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực; xây dựng, ban hành quy tắc ứng xử trong nhà trường và có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm.

Các đơn vị tăng cường trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong quản lý, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời tình trạng bạo lực học đường. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, thường xuyên trao đổi, nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh để có biện pháp giáo dục hiệu quả. Phát huy vai trò của học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác các hành vi bạo lực học đường; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, cơ quan công an, ban đại diện cha mẹ học sinh, các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương để có biện pháp phòng ngừa, đẩy lùi bạo lực học đường. Bên cạnh đó, Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc điều tra, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực học đường

“Vấn đề bạo lực học đường phải được xử lý nghiêm và không để các gia đình tự thỏa thuận với nhau. Các ngành chức năng phải quy rõ trách nhiệm cho gia đình và nhà trường trong việc quản lý học sinh. Tôi yêu cầu nếu thôn, xã nào để xảy ra các vụ học sinh bị bạo lực thì không xét công nhận danh hiệu thôn, xã văn hóa. Ngoài ra, công an phải vào cuộc điều tra, xử lý theo pháp luật. Việc thỏa thuận chỉ là để giảm nhẹ tình tiết, nhưng chính quyền vẫn phải xử lý theo đúng quy định. Chúng ta phải xử lý nghiêm theo đúng tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh một vùng”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn nói.

Thùy Trang - Diễm Phúc

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-luc-hoc-duong-xu-ly-mot-vu-canh-tinh-mot-vung-10305355.html
Zalo