Bạo loạn ở Anh: Phép thử liều cao cho Thủ tướng Starmer
Các cuộc bạo loạn cực hữu đã lan rộng ở nhiều thành phố và thị trấn của Anh và ở thủ phủ Belfast của Bắc Ireland trong tuần qua trong đợt bùng phát tồi tệ nhất ở Anh trong 13 năm qua. Hơn 400 người đã bị bắt kể từ khi tình trạng bạo loạn cực hữu, chống người nhập cư nổ ra sau vụ 3 bé gái bị sát hại ở thị trấn Southport, Tây Bắc nước Anh hôm 29/7/2024.
Mồi lửa từ vụ 3 bé gái bị sát hại
Theo các cơ quan an ninh Anh, làn sóng biểu tình, bạo loạn hiện nay bắt nguồn từ vụ việc 3 bé gái tên là Bebe King (6 tuổi), Elsie Dot Stancombe (7 tuổi) và Alice Dasilva Aguiar (9 tuổi) đã bị sát hại trong một vụ đâm dao liên hoàn tại một lớp học khiêu vũ, lớp lấy cảm hứng từ nữ ca sĩ Taylor Swift ở thị trấn Southport vào ngày 29/7.
Ngoài ra, còn có 8 trẻ em khác bị thương do dao đâm, trong đó có 5 trẻ đang trong tình trạng nguy kịch. 2 người lớn cũng bị thương nặng. Axel Rudakubana (17 tuổi) sinh ra ở Cardiff và sống tại Banks, một ngôi làng ở Lancashire, cách Southport vài dặm về phía Bắc, đã bị cáo buộc 3 tội danh giết người và 10 tội danh cố ý giết người.
Tuy nhiên, trước khi danh tính của nghi phạm được xác nhận, những tuyên bố sai sự thật đã lan truyền trực tuyến (trên mạng xã hội) rằng hung thủ là “một người xin tị nạn theo đạo Hồi đến Vương quốc Anh bằng thuyền”. Sau những thông điệp này, các thành phần cực hữu - được hướng dẫn bởi mạng xã hội - đã tụ tập tại các thị trấn và thành phố trên khắp nước Anh với một số khẩu hiệu chống nhập cư và bài xích Hồi giáo. Các cuộc phản đối cũng đã nổ ra với các cuộc đụng độ giữa các nhóm đối lập.
Hàng trăm kẻ bạo loạn đã tràn xuống thị trấn ven biển Southport vào hôm 30/7, nơi mọi người vẫn đang đau buồn. Hơn 50 cảnh sát đã bị thương trong các cuộc đụng độ nhắm vào một nhà thờ Hồi giáo cách hiện trường vụ thảm sát một quãng ngắn. Hôm sau, bạo loạn lan đến các thành phố lớn như London, Manchester ở Tây Bắc nước Anh, Hartlepool ở Đông Bắc và Aldershot ở phía Nam. Tình trạng hỗn loạn tiếp tục diễn ra vào cuối tuần với các cuộc đụng độ vào ngày 3/8 trên khắp nước Anh (tại Liverpool, Blackpool, Hull, Stoke-on-Trent, Leeds, Nottingham và Bristol và cả Belfast ở Bắc Ireland).
Ngày 4/8, những kẻ bạo loạn đã đốt phá 2 khách sạn nơi trú ngụ của những người xin tị nạn ở thị trấn Rotherham, Nam Yorkshire và thị trấn Tamworth, Staffordshire và tấn công các cảnh sát. Tại thị trấn Middlesbrough ở phía Đông Bắc, những kẻ bạo loạn đập vỡ cửa sổ nhà cửa, ô tô và ném đồ vật vào cảnh sát.
Người ta ước tính hàng ngàn người đã tham gia các vụ biểu tình phản đối, gây bạo loạn, đập phá kể trên. Bộ trưởng Nội vụ Anh Yvette Cooper cho biết đã có hơn 400 kẻ quá khích đã bị bắt giữ, trong đó 120 người đã bị tòa tuyên án. Đặc biệt, một kẻ cực đoan đã nhận tội kích động thù hận chủng tộc bằng cách sử dụng ngôn ngữ phân biệt chủng tộc trong video phát trực tiếp lên mạng xã hội cho “hàng triệu người” xem.
Viết trên tờ Times, bà Cooper cho biết các cảnh sát vẫn đang xem lại các video clip để xác định “những kẻ ném bom xăng, đốt phá, cướp bóc cửa hàng và tấn công những người qua đường vô tội”. Một số nghi phạm đã ra hầu tòa với các tội danh bao gồm gây rối bạo lực, ẩu đả, tấn công và trộm cắp. Một thẩm phán mô tả cảnh bạo lực ở Belfast là “thật đáng xấu hổ” khi ông từ chối tại ngoại cho 2 người đàn ông bị buộc tội tham gia bạo loạn sau cuộc tụ tập phản đối người nhập cư tại thành phố này vào hôm 3/8.
Thủ tướng Anh Keir Starmer đã cảnh báo vào hôm 5/8 rằng bất kỳ ai “kích động bạo lực trực tuyến” sẽ phải đối mặt với pháp luật. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết “không có lý do chính đáng nào” cho những bình luận của tỉ phú Elon Musk, ông chủ của mạng xã hội X. Ông Musk đã nói rằng “nội chiến là điều không thể tránh khỏi” sau cuộc bạo loạn. Một số quốc gia bao gồm Nigeria, Malaysia và Indonesia ban hành cảnh báo an toàn cho công dân của họ ở Anh do các cuộc bạo loạn.
Để ứng phó với tình hình, Thủ tướng Starmer đã chủ trì một cuộc họp khẩn cấp với các cảnh sát trưởng và bộ trưởng vào sáng 5/8. Cuộc họp diễn ra sau bài phát biểu trên truyền hình của ông trước toàn quốc vào hôm 4/8, trong đó ông tuyên bố rằng những kẻ bạo loạn sẽ phải hối hận vì đã tham gia vào hoạt động côn đồ cực hữu.
Giới quan sát cho rằng Thủ tướng Anh Starmer đang đứng trước “phép thử” đầu tiên với “liều cao” kể từ khi ông lên nhậm chức. Nhiều người đang trông đợi ông và chính phủ của ông sẽ hành động như thế nào để dập tắt hay kiểm soát tình trạng bạo loạn hiện nay. Bộ trưởng Nội vụ Cooper cho biết tòa án đang sẵn sàng để đảm bảo “công lý nhanh chóng” và Bộ Nội vụ đã đưa ra các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo an ninh cho các nhà thờ Hồi giáo. Hôm 7/8, cảnh sát Anh đã huy động hơn 6.000 nhân lực để ứng phó tình trạng hỗn loạn với hơn 100 cuộc tụ tập do thành phần cực hữu tổ chức.
Vai trò của truyền thông xã hội
Sự trỗi dậy trở lại của bạo lực cực hữu ở Anh một phần là do quyết định của các trang mạng xã hội cho phép những nhân vật cộm cán như Tommy Robinson quay trở lại nền tảng truyền thông xã hội.
Robinson, tên thật là Stephen Yaxley-Lennon và những người cùng loại với ông ta không phải là những nhà lãnh đạo theo nghĩa truyền thống và chủ nghĩa cực hữu không có tổ chức trung ương nào có khả năng chỉ đạo tình trạng hỗn loạn và bạo lực như đang diễn ra. Vào tháng 3/2018, Robinson đã bị cấm vĩnh viễn không được tham gia mạng xã hội X, khi đó được gọi là Twitter, nhưng đã được phục hồi vào tháng 11/2023 sau khi tỉ phú Elon Musk mua lại nền tảng này. Vào ngày 27/7/2024, Robinson đã tổ chức một cuộc biểu tình có sự tham gia của hơn 20.000 người tại London và đã chiếu một bộ phim tài liệu lặp lại những tuyên bố sai sự thật về một người tị nạn Syria, chống lại lệnh của Tòa án Tối cao.
Jacob Davey, Giám đốc chính sách và nghiên cứu tại Viện Đối thoại chiến lược (ISD), cho biết: “Nước Anh cũng giống như những nơi khác trên thế giới, hiện có một phong trào cực hữu phi tập trung. Đã có những kẻ đầu sỏ được biết đến trong các cuộc biểu tình - bao gồm một số phần tử tân phát xít công khai - nhưng cũng có một mạng lưới lỏng lẻo bao gồm những công dân địa phương và những kẻ côn đồ bóng đá quan tâm. Tất cả những thành phần này có liên hệ với nhau bởi những nền tảng mạng xã hội, được kích hoạt bởi những ảnh hưởng mơ hồ và được thúc đẩy bởi thông tin sai lệch trực tuyến lan truyền từ các nguồn không xác định và không đáng tin cậy”.
Chuyên gia Joe Mulhall, Giám đốc nghiên cứu tại Hope Not Hate, một tổ chức chống phát xít, nhận xét: “Robinson và những nhân vật khác đóng vai trò là “kẻ gây bão”. Họ truyền cảm hứng cho mọi người thực hiện hành động cục bộ tùy tiện hoặc phát tán các video trực tuyến sai lệch, gây hiểu lầm về các vấn đề bao gồm thuyền di cư và các băng nhóm dụ dỗ trẻ em”.
Giáo sư Stephan Lewandowsky của Đại học Bristol, một chuyên gia về thông tin sai lệch, cho biết các nền tảng truyền thông xã hội đã khuếch đại tiếng nói của những kẻ cực hữu như Robinson. Đó là một vấn đề nghiêm trọng. Còn chuyên gia Julia Ebner, thuộc Trung tâm nghiên cứu sự gắn kết xã hội tại Đại học Oxford, thì cho rằng có một “hệ sinh thái thông tin” hình thành xung quanh các nền tảng mạng xã hội và sẵn sàng khuếch tán thông tin một cách nhanh chóng, tạo ra làn sóng lan truyền thông tin nhanh hơn bao giờ hết.
Thời của bạo lực cực hữu?
Các chuyên gia về cực hữu cũng tin rằng những gì đang diễn ra không chỉ có ở Anh, mà đang là một “hiện tượng” lan khắp châu Âu. Người ta quan sát thấy các cuộc tấn công bạo lực vào các chính trị gia châu Âu trong 2 tháng qua, trùng hợp với sự gia tăng mức độ phổ biến của các đảng phái chính trị cấp tiến trước cuộc bầu cử ngày 9/6 vừa qua tại châu Âu, đã tạo ra ấn tượng rằng bạo lực cực đoan đang gia tăng. Trên thực tế, dữ liệu của tổ chức ACLED (tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu xung đột vũ trang) cho thấy bạo lực cực đoan nói chung ở châu Âu vẫn ở mức gần như tương tự kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2020 và cực hữu đứng sau 85% trong số đó.
Vào ngày 15/5 vừa qua, một kẻ cực đoan đã bắn và làm bị thương nặng Thủ tướng mới được bầu lại của Slovakia Robert Fico. Kẻ này viện dẫn sự bất đồng quan điểm với chính quyền Thủ tướng Fico về việc đàn áp giới truyền thông và ngành tư pháp như một lý do cho vụ tấn công. Vào đầu tháng 4 và tháng 5, những kẻ cực hữu bị tình nghi đã tấn công một số ứng cử viên và nhà vận động của đảng Xã hội và đảng Xanh ở Đức và tấn công một sự kiện chống phát xít do các đảng cánh tả và đảng Xanh tổ chức ở Stockholm (Thụy Điển). Trong khi nỗ lực ám sát ông Fico xảy ra để đáp trả kết quả bầu cử thì các sự cố ở Đức và Thụy Điển có khả năng liên quan đến cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (diễn ra từ ngày 6 đến ngày 9/6).
Trên thực tế, bất chấp các sự cố gần đây liên quan đến các nhóm cực đoan và có sự gia tăng nhẹ vào năm 2021, bạo lực do các nhóm cực đoan gây ra ở toàn EU vẫn không đổi kể từ năm 2020. Tổ chức ACLED đã theo dõi hoạt động cực hữu ở 22 trong số 27 thành viên của EU kể từ năm 2020, và hoạt động của các nhóm cực tả, vô chính phủ ở 10 quốc gia. Mặc dù bao gồm hơn 100 sự kiện bạo lực liên quan đến các nhóm cực tả và cực hữu trên khắp EU vào năm 2023, nhưng con số này không cao hơn những năm trước.
Tại Pháp, trong khi mức độ bạo lực vẫn tương đối thấp thì cực hữu dường như đang phát triển ngầm và ngày càng tham gia vào các hoạt động tự phát. Trong các sự kiện gần đây, các nhóm này đã tấn công những người có nguồn gốc nhập cư trên đường phố với lý do "giúp đỡ" cảnh sát trong bối cảnh căng thẳng giữa các cộng đồng.
Vụ sát hại Thomas Perotto trong một cuộc ẩu đả ở Crépol vào tháng 11/2023 đã thúc đẩy các nhóm cực hữu hơn nữa, với một số nhóm thậm chí còn tuần tra khu phố Monnaie của Romans-sur-Isère để truy lùng những thanh niên mà họ cho là chịu trách nhiệm cho cái chết của Perotto.
Bạo lực phân biệt chủng tộc cũng ảnh hưởng đến các quan chức địa phương, những người đã phải chịu áp lực ngày càng tăng trên đường phố. Chính phủ Pháp đã phản ứng lại hoạt động cực hữu gia tăng bằng cách tăng cường sự hiện diện của cảnh sát, cấm các cuộc biểu tình cực hữu và tiếp tục giải tán các nhóm cực đoan thông qua một điều khoản pháp lý được sử dụng nhiều lần chống lại các nhóm cực tả và môi trường.
Tại Đức, việc phát hiện ra một âm mưu trục xuất hàng loạt đã khuếch đại thách thức chính thống đang diễn ra đối với cực hữu. Vào tháng 11/2023, các quan chức cấp cao của đảng Alternative for Germany (AfD) và các nhà hoạt động cực hữu châu Âu đã cân nhắc việc trục xuất hàng loạt công dân Đức có lý lịch di cư trong một cuộc họp ở Potsdam. Sự tiết lộ này đã khuấy động một làn sóng biểu tình chống lại chủ nghĩa cực hữu trên khắp nước Đức. Từ tháng 1 đến giữa tháng 5/2024, tổ chức ACLED ghi nhận hơn 1.000 cuộc biểu tình liên quan, bao gồm hơn 380 cuộc chỉ riêng trong tháng 1.