Bão Julian đã tiến gần Biển Đông, nguy cơ tăng cấp thành siêu bão với sức mạnh cực đại

Cơ quan thời tiết Philippines (PAGASA) cho hay, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão nhiệt đới Julian và nguy cơ tăng cấp thành siêu bão với sức mạnh cực đại.

Chính thức trở thành cơn bão nhiệt đới Julian

Theo thông tin mới nhất từ cơ quan thời tiết Philippines (PAGASA), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên và chính thức trở thành bão nhiệt đới Julian vào trưa ngày 28/9.

Tâm bão hiện đang nằm cách Aparri, tỉnh Cagayan của Philippines khoảng 465 km về phía đông. Đây là cơn bão gần Biển Đông nhất vào thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, sức gió mạnh nhất trong vùng gần tâm bão Julian đạt 65 km/h, với gió giật lên tới 80 km/h. Cơn bão này đang di chuyển chậm về phía Nam Tây Nam.

Cơn bão gần Biển Đông Julian được dự báo mạnh lên thành siêu bão. Ảnh: PAGASA

Cơn bão gần Biển Đông Julian được dự báo mạnh lên thành siêu bão. Ảnh: PAGASA

Các chuyên gia khí tượng của PAGASA không loại trừ khả năng bão Julian có thể tăng cấp thành siêu bão trong những ngày tới. Theo dự báo của PAGASA, đến lúc 8h sáng 29/9, siêu bão Julian cách Aparri, Cagayan, 230km về phía đông.

Tới 8h sáng 30/9, Julian cách Calayan, Cagayan 160km về phía đông. Tiếp đó, tới 20h cùng ngày, cơn bão này có khả năng đạt sức gió cực đại khi tiếp cận quần đảo Batanes và/hoặc Babuyan vào ngày 30/9. Đây cũng là thời điểm mà bão Julian có thể đạt cường độ mạnh nhất, hoặc gần với mức siêu bão.

Sau khi ảnh hưởng đến Philippines, bão Julian dự kiến sẽ tăng tốc về phía Đông Bắc, vượt qua vùng biển phía đông của Đài Loan (Trung Quốc) vào ngày 1/10.

Theo tin bão, áp thấp mới nhất của Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) của Hải quân Mỹ, áp thấp nhiệt đới 20W (tên Philippines là Julian) đã mạnh lên thành bão nhiệt đới.

Bão Julian là cơn bão gần Biển Đông nhất, được dự báo mạnh lên thành siêu bão. Ảnh: PAGASA

Bão Julian là cơn bão gần Biển Đông nhất, được dự báo mạnh lên thành siêu bão. Ảnh: PAGASA

Bên cạnh đó, Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) của Hải quân Mỹ cũng đã đưa ra dự báo về cơn bão này. Theo JTWC, áp thấp nhiệt đới 20W, hay còn được gọi là Julian tại Philippines, đã mạnh lên thành bão nhiệt đới và hiện nằm cách Manila, Philippines khoảng 685 km về phía Đông Bắc.

Trong 6 giờ qua, bão đã di chuyển về phía Nam Đông Nam với tốc độ 7 km/h. Khi dải áp thấp trên Biển Đông rút về phía tây, bão Julian dự kiến sẽ chuyển hướng Tây Tây Bắc và tiếp tục di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc trong vòng 2 ngày tới.

Dải áp thấp cận nhiệt đới phía đông Philippines đang ảnh hưởng đến hướng di chuyển của bão Julian. Sau đó, cơn bão này có thể di chuyển lên phía Bắc và vòng lại hướng Đông Bắc, theo đường bờ biển phía Đông của Đài Loan.

JTWC dự báo rằng cường độ cực đại của bão Julian có thể lên tới 195 km/h trong 4 ngày tới, tiềm ẩn nguy cơ thành siêu bão nguy hiểm.

Cơ quan khí tượng khuyến cáo người dân tại khu vực Philippines và các vùng lân cận theo dõi sát sao diễn biến của bão Julian để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Vì sao cơn bão ngày càng dữ dội hơn?

Các chuyên gia phân tích, năm 2013, cơn bão Haiyan với sức gió siêu cường 370 km/h đổ bộ vào Philippines đã khiến hơn 4.000 người chết, 12.500 người bị thương và gần 3 triệu người không còn nơi trú ẩn.

Theo ước tính, thiệt hại do cơn bão này lên đến 14,5 tỷ USD. Cuối tháng 7/2024, cơn bão Gaemi đổ bộ vào Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) và tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), gây ra lũ lụt và lở đất, phá hủy nhiều công trình xây dựng, khiến ít nhất 100 người thiệt mạng, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người.

Gió mạnh tới 233km/giờ đã đánh chìm hai con tàu lớn, gây lũ lụt khiến nước ngập sâu ở Manila (Philippines).

Bão Yagi gây thiệt hại nặng nề khi đổ bộ vào nước ta. Ảnh: Thạch Thảo

Bão Yagi gây thiệt hại nặng nề khi đổ bộ vào nước ta. Ảnh: Thạch Thảo

Tại Việt Nam, siêu bão Yagi (bão số 3) và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh, TP). Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm nhiều nhà ở bị hư hỏng; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội...

Nhiều tỉnh đã chịu thiệt hại rất lớn về người như Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Phú Thọ... Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), các địa phương đã thống kê bước đầu một số thiệt hại tính đến 13 giờ 30 phút ngày 11/9/2024 đã có 296 người chết, mất tích (155 người chết, 141 người mất tích).

Biến đổi khí hậu đang làm các cơn bão mang nhiều hơi nước hơn, nhiều gió hơn và dữ dội hơn. Ngoài ra, cũng có bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu khiến bão di chuyển chậm hơn, theo đó bão có thể trút nhiều nước hơn vào một chỗ. Phân tích của các nhà nghiên cứu từ tổ chức đánh giá về thời tiết trên thế giới WWA cho thấy, hiện tượng nóng lên toàn cầu và việc đốt nhiên liệu hóa thạch khiến tốc độ của các cơn bão như Gaemi hay Yagi nhanh hơn và lượng mưa cao hơn thông thường.

Tiến sĩ Ben Clarke, thuộc Đại học Hoàng gia London và là thành viên của nhóm WWA cho biết: "Sự nóng lên do nhiên liệu hóa thạch đang mở ra một kỷ nguyên mới của những cơn bão lớn hơn, chết chóc hơn. Châu Á sẽ trở thành nơi ngày càng nguy hiểm bởi những cơn bão kiểu này cho đến khi nhiên liệu hóa thạch được thay thế bằng năng lượng tái tạo".

Không chỉ gây ra những cơn bão mạnh hơn, hiệu ứng nhà kính còn làm tăng mực nước biển dâng, gia tăng nguy cơ ngập lụt ở các vùng ven biển. Khi các cơn bão kết hợp với hiện tượng nước biển dâng, hậu quả sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động của các cơn siêu bão, chúng ta cần có những giải pháp toàn diện.

Rõ ràng, hiệu ứng nhà kính đang trở thành một trong những thủ phạm chính tạo ra siêu bão mạnh mẽ, và sự gia tăng tần suất cũng như cường độ của các cơn bão này là minh chứng rõ ràng cho tác động của biến đổi khí hậu. Để đối phó với thách thức này, cần có sự chung tay của cộng đồng quốc tế trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính và chuẩn bị tốt hơn cho các tình huống thiên tai. Đồng thời, đầu tư vào các công trình hạ tầng chống chịu thiên tai, trồng rừng và bảo vệ hệ sinh thái cũng là những giải pháp quan trọng. Cuối cùng, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và khuyến khích mọi người thay đổi hành vi tiêu dùng là điều cần thiết để đạt được mục tiêu chung.

KHÁNH LINH (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bao-julian-da-tien-gan-bien-dong-nguy-co-tang-cap-thanh-sieu-bao-voi-suc-manh-cuc-dai-204240928215115663.htm
Zalo