Bảo hộ chỉ dẫn địa lý nâng giá trị đặc sản địa phương
Trong danh sách các chỉ dẫn địa lý (CDĐL) được bảo hộ tại Việt Nam, Sóc Trăng hiện có 2 sản phẩm được bảo hộ CDĐL là hành tím và artemia Vĩnh Châu. Ngoài vai trò bảo vệ thương hiệu cho nông sản, giúp nâng cao chuỗi giá trị nông sản, phát triển thị trường, bảo vệ giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm, những sản phẩm mang CDĐL thường có giá bán cao hơn thông thường và được người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng.
Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 2665/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL số 00075 cho sản phẩm hành tím Vĩnh Châu. Đến năm 2020, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4655/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL số 00095 cho CDĐL “Vĩnh Châu” với sản phẩm là artemia. Khu vực địa lý được bảo hộ đối với sản phẩm hành tím gồm 7 xã, phường thuộc thị xã Vĩnh Châu, gồm: Phường 1, Phường 2, phường Vĩnh Phước, xã Lai Hòa, xã Lạc Hòa, xã Vĩnh Tân và xã Vĩnh Hải. Đối với sản phẩm artemia gồm 3 xã, phường là xã Vĩnh Tân, xã Lai Hòa và phường Vĩnh Phước.
Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản gắn với đăng ký bảo hộ CDĐL đã và đang trở thành một định hướng quan trọng giúp gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản địa phương. Trong những năm gần đây nhiều người dân ở thị xã Vĩnh Châu đã chuyển đổi từ làm muối hoặc nuôi tôm sang nuôi artemia, mô hình này dần khẳng định được hiệu quả kinh tế. Hiện tại, diện tích nuôi artemia tại thị xã Vĩnh Châu khoảng 460ha. Trung bình mỗi hécta nuôi artemia có thể tạo ra lợi nhuận từ 100 - 150 triệu đồng mỗi vụ.

Hành tím Vĩnh Châu là nông sản đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ảnh: XUÂN THANH
Giám đốc Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu Đinh Hoàng Vũ cho biết: “Trung bình 1ha artemia sau 8 tháng nuôi tốt sẽ cho khoảng 100kg trứng tươi. Với giá trứng hiện nay là 1 triệu đồng/kg trứng tươi bán tại chỗ, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi 50 triệu đồng/ha. Cùng với việc được chứng nhận CDĐL, sản phẩm artermia càng gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu. Tại thị xã Vĩnh Châu, việc triển khai hiệu quả mô hình nuôi artemia thâm canh và nghiên cứu quy trình nuôi artemia ở độ mặn thấp theo chế độ dinh dưỡng cải tiến đã giúp cho thị trường tiêu thụ trứng bào xác artemia Vĩnh Châu được mở rộng đến các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện giá artermia của Việt Nam đang đứng cao nhất trên thị trường ngoài nước, như tại Mỹ trứng nhập từ Việt Nam giá 2 - 2,2 triệu đồng/lon, tương đương 1kg khoảng trên dưới 5 triệu đồng, tiềm năng để artemia phát triển là rất lớn”.
Cùng với artermia, hành tím Vĩnh Châu cũng đã trở thành sản phẩm chủ lực, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Diện tích trồng hành tím ở Vĩnh Châu khoảng 6.500ha, trong đó, 30% diện tích trồng hành theo quy trình VietGAP và hướng hữu cơ. Theo Trung tâm Thẩm định CDĐL và Nhãn hiệu quốc tế - Cục Sở hữu trí tuệ, sản phẩm hành tím được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL và được trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện đã có 6 tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng CDĐL hành tím Vĩnh Châu. Sản phẩm hành tím Vĩnh Châu cũng đã có mặt tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, cửa hàng OCOP, được giao dịch trên các sàn thương mại điện tử Voso, postmart, lazada, soctrangtrade…
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các vùng, miền phát triển các đặc sản của địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1068/QĐ-TTg, ngày 22/8/2019 về Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Quyết định số 2205/QĐ-TTg, ngày 24/12/2020 về Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28/1/2022 về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các địa phương đã phối hợp triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển tài sản trí tuệ. Nhờ đó, số lượng sản phẩm được bảo hộ thương hiệu cộng đồng ngày càng tăng nhanh. Sau bảo hộ, nhiều sản phẩm đã được khai thác và phát triển thương mại để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị.
Hiện tại, theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Long An, Tiền Giang, An Giang, Sóc Trăng đều có sản phẩm CDĐL. Có thể nói, CDĐL khẳng định lợi thế riêng của địa phương trong phát triển và quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. CDĐL còn cho thấy vai trò quan trọng bảo vệ nhà sản xuất chống lại nạn hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng, hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn... Sản phẩm sau khi được bảo hộ được duy trì bảo đảm chất lượng sẽ phát triển bền vững. Do đó, việc duy trì chất lượng sản phẩm mang CDĐL là điều cần thiết.