Bảo hiểm sức khỏe, xe cơ giới vực dậy các doanh nghiệp bảo hiểm

Sau giai đoạn lao đao vì khủng hoảng niềm tin và chi phí bồi thường, thị trường bảo hiểm đã có tín hiệu phục hồi khi Bảo Việt, PVI, MIC, PJICO đã tăng trưởng trở lại.

 Bảo hiểm xe cơ giới là một trong 2 động lực tăng trưởng giúp ngành bảo hiểm phục hồi trong quý I/2025. Ảnh: Tùng Tin.

Bảo hiểm xe cơ giới là một trong 2 động lực tăng trưởng giúp ngành bảo hiểm phục hồi trong quý I/2025. Ảnh: Tùng Tin.

Sau thời gian trầm lắng vì khủng hoảng niềm tin của bảo hiểm nhân thọ, hay chi phí bồi thường vì cơn bão số 3 (bão Yagi), thị trường bảo hiểm Việt Nam quý I/2025 đang ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực.

Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong quý I, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 56.575 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2024, đánh dấu quý tăng trưởng thứ 3 liên tiếp sau giai đoạn suy giảm mạnh. Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 34.561 tỷ đồng, tăng 3% và lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 22.014 tỷ đồng, tăng 10,6%.

Số liệu từ báo cáo kết quả kinh doanh quý I của nhóm doanh nghiệp cũng cho biết doanh thu toàn ngành đã tăng 9%, với sự khởi sắc rõ nét đến từ các doanh nghiệp đầu ngành như Bảo Việt, PVI, MIC, PJICO hay cả “tân binh” Techcom. Lợi nhuận và doanh thu từ tái bảo hiểm, khai thác nền tảng thương mại điện tử hay hợp tác đang trở thành điểm tựa tăng trưởng mới.

Bứt phá từ bảo hiểm phi nhân thọ, thương mại điện tử

Quý đầu năm nay, "ông lớn" trong ngành bảo hiểm là Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất 14.381 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2024.

Lợi nhuận trước và sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 872 tỷ và 707 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 18% và 15%. Tổng tài sản hợp nhất tính đến 31/3 đạt trên 255.800 tỷ đồng, tương đương gần 10 tỷ USD.

Trong đó, công ty mẹ Bảo Việt đạt doanh thu 445 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 316 tỷ đồng, tăng lần lượt 11% và 9%.

Đóng góp lớn trong mức tăng trưởng này tới từ mảng bảo hiểm phi nhân thọ khi ghi nhận doanh thu 3.171 tỷ đồng, tăng 6%. Lợi nhuận sau thuế đạt 100 tỷ đồng, tăng 19%.

Trong khi đó, mảng bảo hiểm nhân thọ của Bảo Việt cũng tăng trưởng dương khi đạt doanh thu 10.885 tỷ đồng (+2%) và lợi nhuận sau thuế đạt 479 tỷ đồng.

Tương tự, Bảo hiểm PVI cho biết trong quý I, công ty tiếp tục giữ vững vị trí số 1 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.

Quý đầu năm, PVI ghi nhận doanh thu 7.217 tỷ đồng, vượt kế hoạch quý, lợi nhuận trước thuế đạt 288 tỷ đồng, vượt 63% chỉ tiêu.

Nổi bật nhất của PVI là mảng tái bảo hiểm với doanh thu 2.174 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, doanh thu bán chéo qua các đối tác lớn như Thế Giới Di Động, Samsung, Momo, Shopee, Zalopay cũng đạt 291 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi. Thương mại điện tử cũng là kênh tăng trưởng mạnh mẽ của PVI khi doanh thu mang về gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024.

Vực dậy nhờ bảo hiểm sức khỏe và xe cơ giới

Ngoài 2 "ông lớn" kể trên, Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng ghi nhận doanh thu bảo hiểm gốc đạt 1.269 tỷ đồng quý đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế ước đạt 126 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả này là bước phục hồi ấn tượng của doanh nghiệp sau năm 2024 sụt giảm do ảnh hưởng của bão Yagi, đã khiến lợi nhuận cả năm ngoái chỉ đạt 70% kế hoạch.

Trong năm 2025, MIC đặt mục tiêu tham vọng với lợi nhuận tăng 75%, đạt gần 540 tỷ đồng và doanh thu bảo hiểm tăng 25%.

Tương tự, Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đạt tổng doanh thu 1.343 tỷ đồng trong quý I, tăng 3%. Lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 90 tỷ đồng, tăng 6% và hoàn thành gần 30% kế hoạch năm.

Dù mới chỉ hoạt động từ tháng 10/2024, CTCP Bảo hiểm Phi nhân thọ Techcom (TCGIns) đã ước đạt doanh thu phí khoảng 150 tỷ đồng tính đến cuối tháng 2 cho thấy tiềm năng phát triển của “tân binh” khi được hậu thuẫn bởi hệ sinh thái ngân hàng và công nghệ mạnh mẽ.

Theo đánh giá chung của thị trường, mức tăng trưởng doanh thu quý I đang là bước đệm tích cực cho cả năm 2025 với các nhà kinh doanh bảo hiểm. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng phí bảo hiểm phi nhân thọ trong năm nay có thể đạt mức 15%, chủ yếu nhờ hai phân khúc chủ lực là bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới vốn có nhu cầu cao sau đại dịch và thiên tai.

Năm nay, Bộ Tài chính đặt mục tiêu tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành đạt 239.636 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2024. Trong đó, doanh thu từ bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến đạt 85.938 tỷ đồng (+9,8%) còn doanh thu bảo hiểm nhân thọ được kỳ vọng đạt 153.698 tỷ đồng (+3%).

Sự gia tăng hợp tác với các đối tác công nghệ, phát triển kênh bán chéo, đẩy mạnh bảo hiểm số và thương mại điện tử cũng được dự báo là chiến lược tăng trưởng chủ đạo của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Vietcap, trong năm nay, thị trường bảo hiểm sẽ chứng kiến sự phục hồi về lợi nhuận, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Tăng trưởng phí bảo hiểm dự kiến đạt 14,7% nhờ vào sự phát triển của bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới.

Cùng với đó, chiến lược tập trung tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam, bao gồm các dự án năng lượng tái tạo và giao thông, cầu đường sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu bảo hiểm tài sản.

Tuy nhiên, dự báo một số gián đoạn ngắn hạn trong doanh thu phí bảo hiểm liên kết đầu tư do quá trình cải thiện quy trình bán hàng và thay đổi tâm lý khách hàng. Dù vậy, sản phẩm này vẫn sẽ là chủ lực trong dài hạn nhờ vào khả năng cung cấp giải pháp tài chính phù hợp với nhu cầu cá nhân và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thị trường vốn.

Ngoài ra, nhóm các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cũng sẽ phải đối mặt với áp lực gia tăng chi phí bồi thường do lạm phát và cạnh tranh gay gắt hơn.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/bao-hiem-suc-khoe-xe-co-gioi-vuc-day-cac-doanh-nghiep-bao-hiem-post1556310.html
Zalo