Bảo hiểm nỗ lực hỗ trợ tái thiết sau thiên tai
Sự vào cuộc chi trả, bồi thường khẩn trương, kịp thời của doanh nghiệp bảo hiểm không chỉ thể hiện tinh thần nhân văn, chia sẻ, mà còn là nguồn lực đáng kể hỗ trợ công cuộc tái thiết sau thiên tai...
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), trong đó yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo các công ty bảo hiểm khẩn trương rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho các khách hàng bị ảnh hưởng, trước mắt, thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường cho khách hàng theo quy định. Sự vào cuộc chi trả, bồi thường khẩn trương, kịp thời của các doanh nghiệp bảo hiểm không chỉ thể hiện tinh thần nhân văn, chia sẻ, mà đây còn là nguồn lực đáng kể hỗ trợ công cuộc tái thiết sau thiên tai...
Thiệt hại nặng nề
Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế - xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch…
Thống kê sơ bộ đến ngày 17/9, đã có 329 người chết, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; khoảng 234,7 nghìn căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; trên 307,4 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị bị gẫy đổ…
Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50 nghìn tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… có thể giảm trên 0,5% so với dự báo trước khi có bão số 3.
Trước thiệt hại nặng nề của cơn bão số 3, số tiền yêu cầu bảo hiểm bồi thường thiệt hại người và tài sản do bão gây ra hiện ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng và đang tiếp tục tăng.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, đến 17h ngày 12/9/2024, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận thông tin hơn 9.000 vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới... Tổng số tiền chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng. Đây là những số liệu sơ bộ ban đầu, trong bối cảnh thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra còn chưa thống kê được toàn diện, đầy đủ.
Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong lịch sử, chưa có trận bão, lũ nào mà ngành bảo hiểm phải chi trả quyền lợi bảo hiểm nhiều như bão Yagi, mặc dù ngành bảo hiểm đã xử lý bồi thường, chi trả bảo hiểm cho khách hàng trong nhiều sự cố thiên tai nguy hiểm, xảy ra trên quy mô lớn.
Nhanh chóng tái thiết
Khó khăn, thách thức đối các doanh nghiệp bảo hiểm là vô cùng lớn. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm đã nhanh chóng tiếp cận bám sát địa bàn và khẩn trương có phương án hỗ trợ tốt nhất cho tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh theo đúng quy định và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính.
Theo ông Huỳnh Quốc Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), ngay sau khi bão tan, BIC đã thực hiện một loạt công việc để đảm bảo quyền lợi của khách hàng. BIC đã chung tay cùng với chính quyền các địa phương khắc phục hậu quả sau bão, đồng thời huy động toàn bộ lực lượng định giám định bồi thường từ Trụ sở chính và các địa bàn lân cận tới các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của bão, phối hợp với các đơn vị giám định độc lập để hỗ trợ khách hàng thống kê, giám định thiệt hại. Các bộ phận chuyên môn ứng trực 24/24 giờ sẵn sàng tiếp nhận và xử lý hồ sơ tổn thất, giảm thiểu tối đa thời gian cho khách hàng.
Theo số liệu thống kê cập nhật mới nhất tới 14h chiều 17/9, BIC tiếp nhận 841 vụ tổn thất từ khách hàng với tổng thiệt hại ước tính khoảng 360 tỷ đồng. Tổn thất chủ yếu tập trung ở các địa bàn như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên… Đối tượng bảo hiểm chủ yếu là tài sản, hàng hóa, tàu thuyền, xe cơ giới…
Về các công việc hỗ trợ khách hàng sau bão, BIC thực hiện chủ trương hỗ trợ kịp thời theo Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Theo đó, BIC chỉ đạo toàn bộ các bộ phận liên quan đẩy nhanh thực hiện thủ tục để chi trả bảo hiểm cho khách hàng trong thời gian sớm nhất và đúng quy định.
“Cụ thể như vụ xe khách bị lũ cuốn tại huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), BIC đã thực hiện tạm ứng ngay khi nhận được thông tin tổn thất cũng như sơ bộ danh tính của các nạn nhân trên xe trên cơ sở Nghị định 67/2023/NĐ-CP ngày 06/09/2023 của Chính phủ. Hay trường hợp nạn nhân đuối nước ở địa phận sông Lô, Việt Trì (Phú Thọ), BIC cũng nhanh chóng thực hiện chi trả với quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, mảng tài sản, hàng hóa, xe cơ giới cũng được BIC hoàn thiện gấp rút các thủ tục, hồ sơ với khách hàng để thực hiện tạm ứng cũng như chi trả bồi thường đến tay khách hàng nhanh nhất có thể. Trong tuần này, BIC cũng dự kiến tiếp tục thực hiện tạm ứng, bồi thường hàng loạt cho khách hàng”, ông Huỳnh Quốc Việt cho biết.
Tại Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank), ông Đỗ Minh Hoàng, Thành viên Hội đồng Quản trị cho biết, trong những ngày sau bão lũ, Bảo hiểm Agribank đã thành lập 15 tổ công tác đi đến những “điểm nóng” tiếp cận hiện trường, chủ động liên hệ với từng khách hàng đã mua bảo hiểm để nắm bắt thông tin về tổn thất trong điều kiện có thể. Cùng với đó, Công ty cũng thực hiện phân cấp, phân quyền để cơ sở, chi nhánh linh hoạt trong xác định thiệt hại và đưa ra phương án bồi thường ngay cho khách hàng.
“Hiện quy trình bồi thường của chúng tôi gồm 3 bước: bước 1, tiếp cận hiện trường, giám định tổn thất; bước 2, lập phương án chi trả tạm ứng bồi thường và sau đó mới chuyển sang bước 3 là hoàn tất hồ sơ. Như vậy là tiền chi trả được ứng ra trước khi hoàn tất hồ sơ để khách hàng kịp thời sửa chữa tài sản, thay mới tài sản, sau đó mới bổ sung chứng từ, hoàn thiện hồ sơ”, ông Đỗ Minh Hoàng cho biết.
Mạng lưới của Agribank tại cơ sở gồm có 2.400 chi nhánh, phòng giao dịch và đội ngũ cộng tác viên tổ vay vốn, Tổ Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… tại thôn, xóm, bản là lợi thế để Bảo hiểm Agribank thực hiện quy trình và thủ tục bồi thường nhanh chóng.
Còn tại Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), việc tăng hiệu suất chi trả bồi thường được đẩy nhanh nhờ ứng dụng công nghệ. Ông Huỳnh Quốc Việt cho biết, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, AI trong hoạt động bảo hiểm điện tử, giao dịch trực tuyến đã hỗ trợ rất lớn trong việc đền bù cho khách hàng nhanh chóng. Với việc giám định từ xa qua các ứng dụng di động, khách hàng có thể gửi hình ảnh, video về thiệt hại qua các ứng dụng di động hoặc website của doanh nghiệp bảo hiểm. Điều này giúp giám định viên có thể đánh giá sơ bộ từ xa trong trường hợp không tiếp cận hiện trường hoặc đến không kịp thời, giúp giảm thời gian xử lý và tăng tốc độ giải quyết bồi thường.
Việc sử dụng phần mềm bồi thường cũng thuận lợi cho công tác giám định, thu thập hồ sơ đánh giá tổn thất, đảm bảo thông tin chính xác đồng nhất trong quá trình xử lý giải quyết, đồng nghĩa với việc đẩy nhanh tốc độ xử lý và phê duyệt bồi thường. Hiện tại, đối với bảo hiểm con người, BIC cũng đã áp dụng việc thực hiện đòi bồi thường trực tuyến trên nền tảng công nghệ, tức là trên web, app, khách hàng chỉ cần scan gửi các hồ sơ liên quan, BIC sẽ tiếp nhận và nhanh chóng thực hiện việc xử lý bồi thường, chuyển trả tiền bảo hiểm cho khách hàng.
Thiên tai đi qua để lại hậu quả nặng nề, tuy nhiên, tinh thần, trách nhiệm hỗ trợ, chia sẻ của các cấp, các ngành trong khắc phục và giải quyết hậu quả đã và đang xoa dịu nỗi đau mất mát và mang lại hy vọng vào sự tái thiết khẩn trương sau thiên tai.