Bảo hiểm cho nông dân
Thời gian qua, thiên tai gây thiệt hại rất lớn ở nước ta. Theo thống kê của Chính phủ, riêng bão số 3 đã gây thiệt hại hơn 50.000 tỷ đồng, một phần lớn trong số đó là thiệt hại của ngành nông nghiệp.
Bảo hiểm vốn được coi là “tấm lá chắn” trước thiên tai. Những cá nhân, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm được chi trả quyền lợi kịp thời sẽ nhanh chóng ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Do vậy, ngay khi trực tiếp thị sát việc khắc phục hậu quả bão số 3 và trong các văn bản chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều nhấn mạnh yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhanh chóng bồi thường thiệt hại theo hợp đồng.
Đến nay, tổng giá trị bảo hiểm thanh toán cho các hợp đồng có liên quan tới thiệt hại do cơn bão số 3 được công bố khoảng 7.000 tỷ đồng, chủ yếu là bảo hiểm tài sản doanh nghiệp, xe cộ, nhân thọ và sức khỏe. Tổng số tiền bồi thường cho các hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp ước tính chỉ khoảng vài trăm tỷ đồng. Đây là con số quá nhỏ bé so với tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra. Điều đó cho thấy rất ít nông dân, ngư dân tham gia các gói bảo hiểm nông nghiệp. Trong khi đó, họ là những đối tượng rất dễ bị tổn thương do thiên tai.
Điều gì khiến nông dân, ngư dân ít mặn mà với các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp? Câu trả lời chắc chắn là rào cản chi phí. Sản xuất nông nghiệp vốn đã cho lợi nhuận rất thấp, nhưng phí bảo hiểm nông nghiệp lại không hề nhỏ. Vì vậy, nhiều nông dân, ngư dân không đủ “lực” để tham gia.
Thực tế, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp, trong đó quy định hỗ trợ từ 20% đến 90% phí bảo hiểm nông nghiệp cho cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nghị định chỉ giới hạn ở một số loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và trên một số địa bàn nhất định. Do vậy, độ bao phủ chưa rộng.
Mỗi khi xảy ra thiên tai, Nhà nước đều phải bỏ ra một khoản ngân sách rất lớn để hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả. Nếu cả Trung ương và địa phương cùng chủ động bố trí một khoản ngân sách nhất định hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp bao phủ trên cả nước và mở rộng đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ, thì nông dân, ngư dân sẽ được bảo hiểm bồi thường khi thiên tai gây thiệt hại. Nhà nước sẽ phải chi ít ngân sách hơn cho công tác khắc phục hậu quả.
Vẫn biết rằng, ngân sách nhà nước còn rất khó khăn, eo hẹp, trong khi còn rất nhiều khoản phải chi. Nhưng chi cho bảo hiểm nông nghiệp là chi cho phát triển bền vững, cũng là chi cho an sinh xã hội, do vậy nên được ưu tiên!
Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, với nhiều quyền lợi bảo hiểm hấp dẫn và có giải pháp bán hàng hiệu quả hơn để thu hút nông dân, ngư dân tham gia nhiều hơn vào các gói bảo hiểm nông nghiệp.
Với nông dân, ngư dân lâm vào cảnh “trắng tay” sau bão số 3, có lẽ đây là bài học thực tế đau xót nhất cho thấy sự cần thiết của việc tham gia bảo hiểm. Hy vọng, nông dân, ngư dân ở các khu vực khác sẽ thấy được bài học này để chủ động hơn trong việc bảo hiểm cho tương lai của chính mình!