Bao giờ xử lý dứt điểm vi phạm bãi giữa sông Hồng?

Sau khi báo Kinh tế và Đô thị đăng tải bài viết 'Ngang nhiên 'xẻ thịt' bãi giữa sông Hồng', phản ánh tình trạng vi phạm pháp luật tại khu vực bãi giữa sông Hồng dưới chân cầu Nhật Tân, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cùng chính quyền huyện Đông Anh, quận Tây Hồ đã tích cực vào cuộc; có nhiều động thái thể hiện quyết tâm cao trong xử lý, giải tỏa các vi phạm.

Gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai

Qua quá trình theo dõi, phóng viên báo Kinh tế và Đô thị đã ghi nhận tình trạng san gạt đất bãi nổi, xây dựng công trình trái phép tại khu vực bãi giữa sông Hồng dưới chân cầu Nhật Tân. Đây là địa phận hành chính do UBND huyện Đông Anh và quận Tây Hồ quản lý.

Theo đó, trên diện tích hàng chục ngàn mét vuông, các đối tượng đã tự ý san gạt, đánh cấp mặt bãi để trồng cây, tạo lối đi; tôn cao nền bãi bằng cát; xây dựng nhà cấp 4, lều lán tạm; cải tạo, tôn tạo mặt bãi; đào ao trữ nước; thi công ép cọc bê tông cốt thép…

Hành vi xây dựng công trình, hoạt động cải tạo bãi giữa (bãi nổi) nêu trên vi phạm quy định tại Điều 26 Luật Đê điều; Điều 2 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai. Ngoài ra, còn vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành về đất đai, trật tự xây dựng.

Nhà tạm, lều lán xây dựng trái phép tại bãi giữa sông Hồng dưới chân cầu Nhật Tân.

Nhà tạm, lều lán xây dựng trái phép tại bãi giữa sông Hồng dưới chân cầu Nhật Tân.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) Trần Thanh Mẫn đánh giá, khu vực bãi giữa sông Hồng (trong đó có diện tích dưới chân cầu Nhật Tân) là vùng đất nổi trong phạm vi lòng sông Hồng, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Điển hình như trong trận bão số 3 (Yagi) hồi tháng 9/2024, mưa lớn diện rộng kết hợp với xả lũ của hệ thống hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn đã khiến mực nước sông Hồng lên nhanh. Có thời điểm, lũ sông Hồng tiệm cận với mức báo động III, đã gây ngập toàn bộ diện tích bãi giữa.

“Việc thực hiện các hoạt động xây dựng công trình, cải tạo, tôn tạo mặt bãi giữa sông Hồng không những gây cản trở dòng chảy, thoát lũ mà còn làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai, sẽ gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước, của người dân khi có lũ lớn…” - ông Trần Thanh Mẫn bày tỏ quan ngại.

Sớm xử lý dứt điểm vi phạm

Sau khi tiếp nhận phản ánh của báo Kinh tế và Đô thị, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đã chỉ đạo các Hạt Quản lý đê số 4 và Hạt Quản lý đê số 10, phối hợp với chính quyền xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) và phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) tiến hành kiểm tra thực tế. Đoàn liên ngành đã lập biên bản hiện trạng các vi phạm tại bãi giữa để làm cơ sở tiến hành các biện pháp xử lý.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) Hoàng Văn Thùy cho biết, sau khi có phản ánh của báo Kinh tế và Đô thị, chính quyền địa phương đã ra thông báo, tạm đình chỉ hoạt động thi công của các đối tượng tại khu vực bãi giữa sông Hồng dưới chân cầu Nhật Tân. Đồng thời, cử cán bộ ứng trực theo dõi biến động (nếu có) để kịp thời ngăn chặn.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đông Anh Vũ Văn Thanh cho biết, thực tế các vi phạm tại bãi giữa sông Hồng đã diễn ra từ năm 2023. Thời điểm đó, đơn vị đã chỉ đạo chính quyền các xã: Tàm Xá, Hải Bối và Vĩnh Ngọc, tiến hành kiểm tra và lập biên bản. Tuy nhiên, việc xử lý của chính quyền cơ sở chưa dứt điểm.

Vi phạm tại khu vực bãi giữa sông Hồng dưới chân cầu Nhật Tân.

Vi phạm tại khu vực bãi giữa sông Hồng dưới chân cầu Nhật Tân.

Trên cơ sở phản ánh của báo Kinh tế và Đô thị cùng đề nghị của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, UBND huyện Đông Anh đang giao UBND các xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Tàm Xá tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật về đất đai, đê điều tại khu vực bãi giữa sông Hồng. Thời gian hoàn thành giải tỏa xong trước ngày 10/5/2025.

Về phía quận Tây Hồ, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, địa phương cũng đã có văn bản chỉ đạo UBND phường Phú Phượng phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan và Hạt Quản lý đê số 4 tiếp tục giám sát chặt chẽ các vi phạm; xây dựng kế hoạch để tổ chức giải tỏa các vi phạm trong thời gian sớm nhất.

Liên quan đến khó khăn trong việc xác định ranh giới các công trình vi phạm, UBND quận Tây Hồ đã giao Phòng Nội vụ kiểm tra, rà soát, phối hợp với cơ quan chức năng của huyện Đông Anh để làm rõ. UBND huyện Đông Anh cũng đã chủ động có văn bản gửi UBND quận Tây Hồ đề nghị chỉ đạo các phòng, ban và UBND phường Phú Thượng phối hợp để sớm xử lý các vi phạm tại bãi giữa sông Hồng.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Trần Thanh Mẫn, từ khi có phản ánh của báo Kinh tế và Đô thị, đơn vị đã ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo các Hạt quản lý đê phụ trách địa bàn, gửi đến UBND huyện Đông Anh và quận Tây Hồ để đề nghị các bên vào cuộc xử lý các vi phạm.s

Mới đây nhất, những ngày cuối tháng 4/2025, Chi cục đã có Văn bản số 496/TLPCTT-ĐĐ gửi UBND huyện Đông Anh và Văn bản số 526/TLPCTT-ĐĐ gửi UBND quận Tây Hồ. Nội dung các văn bản tập trung đề nghị chính quyền các địa phương khẩn trương chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai tại khu vực bãi giữa sông Hồng trên địa bàn các quận, huyện quản lý.

“Các hành vi vi phạm tại bãi giữa sông Hồng có thể gây hậu quả rất lớn nếu không được xử lý dứt điểm, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần. Chính vì vậy, UBND các quận Tây Hồ và huyện Đông Anh cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng, quản lý đê điều, phòng chống thiên tai…” - ông Trần Thanh Mẫn đề nghị.

Để bảo đảm an toàn đê điều, phòng chống thiên tai, UBND các quận Tây Hồ và huyện Đông Anh cần quản lý chặt chẽ quỹ đất ở bãi giữa sông Hồng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng mua bán, bao chiếm, chuyển mục đích sử dụng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Thực tế cho thấy, liên quan đến công tác quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Chính phủ, Thành ủy - UBND TP Hà Nội đã có nhiều Chỉ thị, văn bản chỉ đạo. Dù vậy, vi phạm tại bãi giữa sông Hồng vẫn diễn ra, chậm được xử lý trong thời gian dài. Trách nhiệm chính thuộc về chính quyền các xã, phường thuộc quận Tây Hồ và huyện Đông Anh.

Trong thời gian tới, UBND các quận Tây Hồ và huyện Đông Anh cần cầu thị tiếp thu phản ánh, chỉ đạo nghiêm việc thực hiện các văn bản của Trung ương và TP Hà Nội. Đồng thời, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra tình trạng vi phạm đê điều, phòng chống thiên tai kéo dài nhưng không xử lý kiên quyết, dứt điểm, nhằm chấn chỉnh các hành vi “xẻ thịt” bãi giữa sông Hồng trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”.

Ngày 26/3/2025, Đảng ủy UBND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/ĐU về việc tăng cường công tác quản lý đất đai, đầu tư công, quản lý đô thị, trật tự xây dựng và công tác bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô trong giai đoạn sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính, không để xảy ra tình trạng lợi dụng thời điểm triển khai các Kết luận của Trung ương về sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng, đê điều và phòng chống thiên tai.

Tùng Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bao-gio-xu-ly-dut-diem-vi-pham-bai-giua-song-hong.693177.html
Zalo