Bao giờ mới hết nỗi lo 'màn trời chiếu đất'?

Được chuyển về nơi ở mới, an toàn để an cư lạc nghiệp là khát vọng đã kéo dài nhiều năm qua của hàng trăm hộ dân - chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số - đang sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống và rừng phòng hộ đầu nguồn.

Thế nhưng, vì nhiều nguyên nhân và những bất cập tồn tại, không ít dự án tái định cư vẫn đang dang dở, kéo theo biết bao nỗi thấp thỏm, bất an mỗi khi mùa mưa bão tràn về.

Tại các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa như Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh…, địa hình đồi núi cao, phức tạp, bị chia cắt bởi mạng lưới sông ngòi chằng chịt đã khiến khu vực này luôn nằm trong nhóm có nguy cơ cao xảy ra thiên tai.

Đẩy nhanh tiến độ tái định cư, trao cho bà con nơi ăn chốn ở an toàn, không chỉ là lời hứa mà còn là trách nhiệm để mỗi mùa mưa bão về, không còn những ánh mắt tuyệt vọng ngóng về phía chân trời.

Hai khu tái định cư bản Lọng và bản Căm, xã Tam Văn, huyện Lang Chánh đã hoàn thành được hơn một năm nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng

Hai khu tái định cư bản Lọng và bản Căm, xã Tam Văn, huyện Lang Chánh đã hoàn thành được hơn một năm nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng

Hiệu quả từ những khu tái định cư mới

Những ngày tháng 8.2019, lũ quét kinh hoàng tại bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) đã cướp đi sinh mạng 10 người và cuốn trôi, hư hỏng 51 ngôi nhà.

Ngay sau thảm họa, khu tái định cư Sa Ná được tỉnh Thanh Hóa khẩn trương xây dựng trên diện tích 5,3 ha, với tổng mức đầu tư 43,5 tỉ đồng. Đến nay, 78 hộ dân người Thái với hơn 340 nhân khẩu đã an cư trong những ngôi nhà khang trang, tiện nghi, với đầy đủ trường học, nhà văn hóa cộng đồng phục vụ đời sống.

Ông Ngân Văn Thêu, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Sa Ná chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của bà con đã khởi sắc rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế”.

Tương tự, tại bản Ngàm (xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn), khu tái định cư Co Hương được xây dựng khẩn cấp từ tháng 11.2021, hoàn thành vào tháng 7.2022 với diện tích 2,1 ha và tổng vốn hơn 12,8 tỉ đồng.

Dự án đã bố trí đất ở cho 36 hộ dân, mỗi hộ được hỗ trợ 300 triệu đồng xây dựng hạ tầng và 50 triệu đồng ổn định đời sống. Hạ tầng đồng bộ với điện, đường, nước sạch, nhà văn hóa... đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con.

Ông Lò Văn Tiên, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Ngàm cho biết: “Được hỗ trợ đất, kinh phí dựng nhà, lại có cơ sở hạ tầng đầy đủ, bà con vui mừng, yên tâm làm ăn”.

Bản Ón (xã Tam Chung, huyện Mường Lát) - nơi từng có tới 95% hộ nghèo và cận nghèo - năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư hơn 15 tỉ đồng xây dựng khu tái định cư tập trung trên diện tích hơn 3 ha, nhằm di dời các hộ dân Mông sinh sống ở vùng rẻo cao nguy cơ sạt lở.

Mỗi hộ được cấp 150m² đất ở và hỗ trợ dựng nhà, phát triển kinh tế. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản, ông Giàng A Chống phấn khởi nói: “Từ khi chuyển xuống khu tái định cư mới, bà con yên tâm sinh sống, giao thương thuận lợi, đời sống ngày càng ổn định”.

Với quyết tâm nâng cao chất lượng sống cho đồng bào vùng nguy cơ thiên tai, Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ ổn định chỗ ở cho 2.255 hộ dân, gồm tái định cư xen ghép, liền kề và tập trung.

Đến cuối tháng 3.2025, toàn tỉnh đã có 21 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, ổn định cho 707 hộ dân và 4 dự án khác đang được triển khai theo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Những khu tái định cư mới không chỉ mang lại mái nhà an toàn, mà còn mở ra hành trình mới đầy hy vọng cho đồng bào miền núi Thanh Hóa - hành trình vững vàng bước tới tương lai.

Khu tái định cư bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn khang trang, sạch đẹp

Khu tái định cư bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn khang trang, sạch đẹp

Điểm nghẽn khiến dự án tái định cư “đứng bánh”

Tại nhiều địa phương như Mường Lát, Quan Hóa, Lang Chánh (Thanh Hóa), những dự án tái định cư từng được kỳ vọng là “phao cứu sinh” cho người dân vùng thiên tai nay đang lâm vào cảnh chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm.

Không ít dự án đã giải phóng mặt bằng, hoàn thiện cơ bản, nhưng vẫn “đắp chiếu” vì vướng mắc thủ tục, thiếu sự điều chỉnh kịp thời.

Điển hình là 2 khu tái định cư bản Lọng và bản Căm (xã Tam Văn, huyện Lang Chánh), với diện tích 5,75 ha, tổng vốn đầu tư 49,9 tỉ đồng, được xây dựng để di dời 62 hộ dân khỏi vùng nguy cơ cao.

Dù công trình đã hoàn thành từ cuối năm 2023, suốt hơn một năm qua, các khu tái định cư này vẫn bỏ không. Không được quản lý, bảo vệ đúng mức, nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp; kè chống sạt lở xuất hiện nhiều vết nứt nguy hiểm ngay trước mùa mưa lũ.

Ông Hà Văn Việt, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Lang Chánh thừa nhận, nguyên nhân chậm trễ là do dự án không phù hợp với chủ trương đầu tư, buộc phải điều chỉnh lại hồ sơ trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Hậu quả của sự chậm trễ không chỉ là những công trình bỏ hoang, mà còn là hàng trăm người dân đang phải sống tạm bợ trong cảnh bất ổn, đối mặt với nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

Một người dân ở bản Lọng, trong căn nhà tạm dựng vội sau trận lở núi năm ngoái, lo lắng: “Chúng tôi chỉ mong có nơi ở an toàn để làm ăn, nuôi con. Chờ đợi mãi mà nhà mới vẫn chưa thấy, mùa mưa sắp đến rồi, không biết tính sao”.

Thực tế, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện đã xây dựng được 4 khu tái định cư tập trung cho 151 hộ dân theo hình thức khẩn cấp. Ngoài ra, 17 khu tái định cư khác đã phê duyệt chủ trương đầu tư và 18 khu đang trong giai đoạn rà soát địa điểm, hộ dân phù hợp.

Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn chưa trình được chủ trương đầu tư chính thức, tiến độ thực hiện còn ì ạch.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong quá trình triển khai, các dự án gặp nhiều khó khăn như địa hình chia cắt, độ dốc lớn, quỹ đất hạn chế, khối lượng san lấp lớn, chi phí xây dựng cao.

Đặc biệt, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh chưa đáp ứng đủ cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật đầy đủ cho các khu tái định cư.

“Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện để rà soát kỹ lưỡng từng khu vực, bổ sung hồ sơ điều chỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt, nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm ổn định chỗ ở cho người dân vùng có nguy cơ cao trước mùa mưa bão”, ông Cường nhấn mạnh.

Việc tháo gỡ các “nút thắt” này không chỉ là yêu cầu cấp bách về phòng chống thiên tai, mà còn là lời cam kết thực sự với đồng bào miền núi về một cuộc sống an toàn, ổn định và phát triển bền vững.

NGUYỄN LINH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/bao-gio-moi-het-noi-lo-man-troi-chieu-dat-129861.html
Zalo