“Iran đã mở rộng quy mô chương trình hạt nhân của mình”, thông tin trên đã được người đại diện Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết trong cuộc họp báo gần đây.
Nhưng thật bất ngờ khi được biết về việc chính là IAEA trong nhiều năm qua đã trực tiếp hỗ trợ sự phát triển của Tehran trong lĩnh vực nghiên cứu năng lượng hạt nhân.
Cụ thể, IAEA đã tiến hành kết nối và giúp các chuyên gia Iran, bao gồm những nhà nghiên cứu có tiếng tăm nâng cao chuyên môn, bên cạnh đó còn cung cấp tài chính và một vài hình thức hỗ trợ khác.
Thông tin nói trên được tờ báo Bild của Đức đăng tải trong bài viết mới đây, sau khi trích dẫn các tài liệu mật mà họ thu thập được liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.
Tờ Bild nói rõ, vào đầu năm 2022, đại diện IAEA đã gặp gỡ nhà khoa học Iran Javad Karimi-Sabet tại Vienna (Áo), nhân vật này công tác tại cơ sở nghiên cứu chu trình nhiên liệu hạt nhân, đơn vị trực thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Hạt nhân (NSTRI).
Ông Karimi-Sabet bị Mỹ trừng phạt từ năm 2020 với lý do là một trong những nhân vật quan trọng đứng đằng sau việc Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Những email nội bộ được hé lộ cho thấy IAEA đã hỗ trợ nhân vật trên bằng tiền mặt vì không thể chuyển khoản ngân hàng.
Quay lại quá khứ, khi Mỹ khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm 2018, Washington đã tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Để đáp trả, Iran quyết định ngừng chương trình hợp tác và hạn chế sự giám sát từ bên ngoài.
Nhưng chính trong thời điểm nói trên, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế lại đưa ra các chương trình tài trợ dành cho Iran. Vào cuối năm 2019, một dự án của IAEA dành cho Iran mang mã số IRA2018001 đã được triển khai.
Chương trình này theo thông báo nhằm mục đích “nâng cao kỹ năng và kiến thức của các nhà khoa học, cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng, góp phần nâng cao hiệu suất hoạt động và sử dụng lò phản ứng vì mục đích nghiên cứu”.
Các lò phản ứng nghiên cứu, giống như nhà máy điện hạt nhân, được coi là nguồn cung cấp plutonium cấp độ vũ khí tiềm năng (Pu-239). Hơn nữa để tạo ra bom nguyên tử, cần có plutonium hoặc uranium U-235 được làm giàu ở mức độ cao (HEU) ít nhất là 90%.
Bên cạnh đó, IAEA cũng tài trợ cho nhiều chương trình đào tạo cho các nhà khoa học hạt nhân Iran.
Đại diện IAEA giải thích rằng chương trình hợp tác kỹ thuật của tổ chức nhằm mục đích hỗ trợ các quốc gia thành viên, bao gồm cả “việc phát triển và quản lý kiến thức hạt nhân”.
Mặc dù vậy tờ báo Đức kết luận rằng Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế lẽ ra phải đảm bảo rằng phía Iran không nhận được bất kỳ kiến thức nào về vũ khí hạt nhân trong quá trình đào tạo, nhưng họ đã làm ngược lại.
Dự kiến trong thời gian tới, Mỹ và phương Tây sẽ mở gấp rút cuộc điều tra nhằm vào IAEA, để tìm hiểu xem tổ chức này có "tay trong" của Iran hay không ?