Báo động vấn nạn người nổi tiếng quảng cáo bất chấp ở Việt Nam
Hàng chục nghệ sĩ, người nổi tiếng bị chỉ trích vì quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, thổi phồng công dụng hoặc có nội dung gây hiểu lầm. Vấn nạn này đang gây bức xúc trong dư luận.
Trong những năm qua, hàng loạt người nổi tiếng Việt từ nghệ sĩ gạo cội đến KOL nổi tiếng vướng lùm xùm quảng cáo hàng giả hoặc thổi phồng công dụng sản phẩm, gây bức xúc dư luận và làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng.
Cứ vài năm, hoặc có thể chỉ vài tháng, lại có nghệ sĩ Việt bị réo tên trong những ồn ào quảng cáo. Sự việc lặp đi lặp lại với vòng luẩn quẩn: Sao Việt quảng cáo hàng kém chất lượng, “thần thánh hóa” chức năng sau đó bị “bóc mẽ” sai sót rồi xin lỗi và thời gian ngắn sau lại có người mắc ồn ào tương tự.
Vấn nạn quảng cáo, dư luận bức xúc
Năm 2022, ca sĩ Phương Mỹ Chi xin lỗi sau khi quảng cáo sản phẩm làm đẹp không rõ xuất xứ trên trang cá nhân. Cô chụp ảnh và giới thiệu link bán, khẳng định sản phẩm “có bán ở Hàn Quốc”. Tuy nhiên, khán giả kiểm tra và phát hiện sản phẩm không hề tồn tại tại Hàn Quốc như lời cô nói. Nữ ca sĩ thừa nhận sai sót, cam kết cẩn trọng hơn.
Năm 2021, MC Quyền Linh xuất hiện trong quảng cáo thực phẩm bổ sung, tuyên bố “hỗ trợ điều trị tận gốc tế bào ung thư, giúp lành vết loét, tốt cho dạ dày và hiệu quả gấp 70 lần so với curcumin thông thường”. Nhưng Cục An toàn thực phẩm khẳng định sản phẩm chỉ có tác dụng “chống oxy hóa, giảm viêm loét dạ dày, nhanh lành sẹo”, không phải thuốc điều trị.

BTV Quang Minh mới đây lên tiếng xin lỗi vì vướng tranh cãi về quảng cáo.
Vân Dung cũng thừa nhận thiếu sót khi quảng cáo viên sủi “giúp tiêu tan u xơ, u nang trong vòng một tuần”. Tương tự, tháng 9/2023, MC Cát Tường công khai xin lỗi tại một buổi họp báo, thừa nhận quảng cáo “lố”, thổi phồng công dụng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Cô nói: “Tôi sai vì không kiểm tra kỹ, sẽ rút kinh nghiệm”.
Sự thổi phồng không chỉ trong các quảng cáo thực phẩm chức năng mà còn phổ biến với mỹ phẩm. Khởi My từng bị chỉ trích vì quảng cáo sản phẩm dưỡng da nhưng hình đăng trang cá nhân có dấu hiệu chỉnh sửa. Sau đó, cô lên tiếng giải thích. "Trước tiên xin được gửi lời xin lỗi đến mọi người cho bài review vừa rồi của mình, mình đã không chỉn chu về phần hình ảnh và đã vô tình gây hiểu lầm cho mọi người về sản phẩm mà mình muốn giới thiệu", Khởi My viết.
Tương tự, cũng vì lời giới thiệu "bật hẳn 5 tông so với da mộc. Một bước thôi, thay đổi cả làn da. Da trắng phát sáng”, Vân Trang bị chỉ trích. Sau khi vướng tranh cãi, Vân Trang giải thích loại mỹ phẩm cô quảng cáo là BB cream để trang điểm, do đó việc nâng tông, giúp da trắng sáng là dễ hiểu. Tuy nhiên, Vân Trang thừa nhận nội dung quảng cáo của cô quá ngắn, lại “hơi giật tít” nên khiến khán giả hiểu sai ý.

Doãn Quốc Đam mới đây xin lỗi vì vướng ồn ào quảng cáo sữa giả. Ảnh: FBNV.
Gần đây, vấn đề quảng cáo của sao Việt tiếp tục nhức nhối và gây xôn xao, bức xúc dư luận suốt khoảng một tháng qua. Ngoài ồn ào của Thùy Tiên với viên rau củ Kera, nhiều sao Việt khác bị nhắc tên.
Chẳng hạn, Cao Minh Đạt được cho là thổi phồng công dụng khi quảng cáo sữa non “đảm bảo hết mất ngủ”. Đoàn Di Băng giới thiệu: “Một viên tương đương 5 kg rau củ quả".
BTV Quang Minh, Vân Hugo, Thanh Hương, Trung Ruồi... bị nhắc đến vì quảng cáo sữa HIUP - sản phẩm từng bị phạt do vi phạm quảng cáo vào 3/2024.
Doãn Quốc Đam, MC Hoàng Linh bị nhắc nhiều nhất vì xuất hiện trong video quảng cáo Cilonmum - sản phẩm nằm trong đường dây 573 nhãn hiệu sữa giả. Sau đó, BTV Quang Minh và Doãn Quốc Đam lên tiếng xin lỗi.
Trước câu hỏi, vì sao đã rất nhiều lần nghệ sĩ Việt vướng ồn ào quảng cáo sản phẩm giả, thổi phồng công dụng hoặc gây hiểu nhầm rồi họ lên tiếng xin lỗi. Nhưng sự việc vẫn tiếp diễn, ông Hồng Quang Minh, CEO London & Hong Communications giải thích: "Thật ra, mối quan hệ giữa nghệ sĩ và quảng cáo tại Việt Nam vẫn còn mang tính cảm tính, tự phát nhiều hơn là chuyên nghiệp, đặc biệt trong khâu kiểm duyệt nội dung và hợp đồng pháp lý".
"Rất nhiều nghệ sĩ (hoặc ê-kíp) chưa xây dựng được quy trình làm việc chặt chẽ với nhãn hàng, đặc biệt là bước thẩm định sản phẩm và ngôn ngữ truyền thông. Một lý do nữa là trong bối cảnh cạnh tranh thu nhập cao, có những lúc nghệ sĩ – nhất là các bạn trẻ – bị cuốn theo cơ hội mà chưa kịp đánh giá rủi ro. Khi sự việc xảy ra, việc 'xin lỗi rồi cho qua' dần trở thành phản xạ thay vì là một lần học để thay đổi tận gốc. Đáng tiếc là điều này đang lặp lại như một vòng luẩn quẩn: lặp sai, xin lỗi, rồi lại sai tiếp", ông nhận định.
Theo ông Minh, mỗi nghệ sĩ là một phần hình ảnh của ngành văn hóa – giải trí, nên khi một vài gương mặt vướng ồn ào không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân đó và còn làm suy giảm niềm tin vào cả giới nghệ sĩ nói chung. Người ta bắt đầu đặt dấu hỏi cho mọi sự “giới thiệu”, “đề xuất” của nghệ sĩ, kể cả những người làm nghề tử tế.
Hệ quả là niềm tin bị bào mòn, mối quan hệ giữa nghệ thuật và công chúng bị xô lệch. Thay vì được xem là người truyền cảm hứng, nghệ sĩ dễ bị nhìn như “người bán hàng” thiếu trách nhiệm. Và đó là điều rất đáng tiếc, bởi hình ảnh nghệ sĩ – nếu được gìn giữ đúng cách – có thể là lực đẩy lớn cho ý thức cộng đồng, cho cái đẹp và giá trị văn hóa Việt.
Bài học từ sao quốc tế
Ở thị trường Trung Quốc, những ngôi sao bị phát hiện vi phạm luật quảng cáo đều chịu hình phạt nghiêm trọng. Cuối năm 2021, Cục Quản lý thị trường Nhà nước Trung Quốc phát hiện nữ diễn viên Cảnh Điềm vi phạm Luật Quảng cáo khi quảng cáo sản phẩm của Công ty TNHH Công nghệ Y tế Vô cực Quảng Châu, theo Sohu.
Theo cơ quan chức năng, sản phẩm Cảnh Điềm quảng cáo là thực phẩm thông thường nhưng bị cô thổi phồng thành chức năng chữa bệnh. Hành vi này vi phạm nghiêm trọng Luật Quảng cáo Trung Quốc, vốn cấm quảng cáo thực phẩm thông thường với công dụng y tế. Tổng thu nhập của Cảnh Điềm từ quảng cáo này là 2,5 triệu NDT (khoảng 340.000 USD) bị tịch thu toàn bộ. Cô còn bị phạt thêm 4,6 triệu NDT (khoảng 625.000 USD), nâng tổng số tiền xử phạt hành chính lên 7,2 triệu NDT.
Sau khi hình phạt được công bố, Cảnh Điềm đăng thư xin lỗi trên Weibo: “Kể từ khi nhận được thông báo từ cơ quan giám sát thị trường, tôi đã tích cực hợp tác”. Cô bày tỏ sự hối tiếc và cam kết rút kinh nghiệm.
Tuy nhiên, hình phạt dành cho sai lầm của Cảnh Điềm chưa dừng ở việc phạt hành chính. Nữ diễn viên bị cấm làm người phát ngôn quảng cáo trong 3 năm kể từ thời điểm xử phạt đến cuối 2024. Quy định nêu rõ cá nhân hoặc tổ chức bị phạt vì quảng cáo sai sự thật không được tham gia quảng cáo trong thời gian này. Mức răn đe cao khiến các nghệ sĩ ở nước này cũng e dè, cẩn thận hơn trong việc hợp tác nhãn hàng.

Cảnh Điềm bị cấm quảng cáo trong 3 năm sau bê bối. Ảnh: Sohu.
Theo Zhonglun, từ cuối 2022, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường đáng kể các quy định liên quan đến quảng cáo của người nổi tiếng. Người nổi tiếng không được quảng cáo sản phẩm chưa từng sử dụng, cũng như các mặt hàng thuốc lá, sản phẩm từ thuốc lá, thuốc men, thiết bị y tế hoặc thực phẩm chức năng. Cục Quản lý thị trường giải thích: “Gần đây, một số người nổi tiếng có hành vi quảng cáo trái phép, sai sự thật đã gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, thậm chí một số công ty lựa chọn những ngôi sao vô đạo đức làm người mẫu”.
Tại Hàn Quốc, những người nổi tiếng thổi phồng chức năng sản phẩm cũng bị xử phạt nghiêm. Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) từng phát hiện 15 người có sức ảnh hưởng (influencer) với hơn 100.000 người theo dõi đăng bài đánh giá giả mạo hoặc quảng cáo sai sự thật về sản phẩm giảm cân, sức khỏe. Các influencer này nhận tiền hoặc sản phẩm từ 8 công ty, đăng ảnh chỉnh sửa “trước và sau” để dụ dỗ người theo dõi mua hàng, vi phạm nghiêm trọng quy định quảng cáo.
Một YouTuber nổi tiếng tuyên bố “không tăng cân dù ăn mì ramen, xúc xích nhiều calo”. Influencer nữ khác khoe giảm 2,8kg trong một tuần chỉ nhờ hộp cơm trưa ăn kiêng. Nhiều người khác đăng ảnh “trước và sau” khi uống nước bí ngô để “giảm sưng” hoặc sinh tố ăn kiêng để “bụng phẳng”. Tuy nhiên, hầu hết ảnh đều được chỉnh sửa và các trải nghiệm là giả mạo. Cơ quan quản lý sau đó chuyển hồ sơ của 15 influencer và 8 công ty liên quan cho chính quyền địa phương để truy tố.