Báo động tội phạm tiếp tay lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Thời gian qua, lực lượng Công an từ Bộ đến địa phương tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, chia sẻ thông tin về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, tình hình, phương thức, thủ đoạn tội phạm này vẫn còn xảy ra nhiều, gây hậu quả rất lớn. Do đó, Công an Tây Ninh khuyến cáo người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng chiếm tỉ lệ cao

Theo Ban chỉ đạo 138 (( Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm) tỉnh Tây Ninh, tình hình tội phạm trộm cắp tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp, chiếm tỉ lệ cao trong số vụ tội phạm về trật tự xã hội. Qua thống kê, 06 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Tây Ninh xảy ra 21 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, gây thiệt hại hơn 12 tỉ đồng, trong đó tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng là 18 vụ, tăng 13 vụ so với tháng 6 và tăng 18 vụ so với tháng 7/2023.

Đây là loại tội phạm chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu tội phạm về trật tự xã hội xảy ra trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, xảy ra nhiều tại các địa bàn huyện Gò Dầu, thành phố Tây Ninh, huyện Tân Châu, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh.

Phạm Văn Nghĩa

Phạm Văn Nghĩa

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đáng báo động, các đối tượng hoạt động có tính chuyên nghiệp, xuyên quốc gia, có kịch bản sẵn, tấn công vào mọi thành phần, lứa tuổi, kể cả cán bộ công tác trong các cơ quan nhà nước …với nhiều cách thức khác nhau nhưng phổ biến là chuyển tiền trực tuyến qua ứng dụng của hệ thống ngân hàng và thu thập thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản.

Theo báo cáo Ban Chỉ đạo 138 , các đối tượng lừa đảo qua không gian mạng chủ yếu thông qua thủ đoạn tuyển dụng việc làm online, thương mại điện tử, chứng khoán, giả danh cơ quan nhà nước đe dọa yêu cầu bị hại chuyển tiền, hướng dẫn cài đặt các phần mềm ứng dụng.

Các đối tượng không chỉ lợi dụng không gian mạng mà còn lợi dụng sự cả tin của người dân để hoạt động phạm tội. Tuy nhiên, tiếp tay cho nhóm đối tượng lừa đảo ở nước ngoài là các đối tượng ở trong nước, có nhiệm vụ thu thập, trao đổi, mua bán thông tin về tài khoản ngân hàng và rửa tiền giúp các đối tượng lừa đảo ngoài nước.

Kiên quyết đấu tranh bài trừ tội phạm

Để phòng ngừa, đấu tranh kịp thời, hiệu quả với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã quan tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tiếp tục xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” nhằm cảnh báo các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, nhất là trên không gian mạng để người dân nâng cao cảnh giác tránh trở thành nạn nhân của chúng.

Điển hình, vào giữa tháng 7/2024, Cơ quan An ninh điều tra Công an Tây Ninh đã khởi tố, bắt tạm giam 05 bị can gồm: Phạm Văn Nghĩa (SN 1979), Nguyễn Phú Yên (SN 1984, cùng ngụ huyện Bến Cầu), Ngọc Tuấn Anh (SN 1997), Vương Thị Hoa (SN 1989, cùng ngụ xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) và Ngô Xuân Phương (SN 1996, ngụ thôn Phú Thọ, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thu thập, trao đổi, mua bán thông tin về tài khoản ngân hàng.

Nguyễn Phú Yên

Nguyễn Phú Yên

Kết quả điều tra xác định, do nắm bắt được nhu cầu nhiều người ở Campuchia cần các tài khoản ngân hàng ở Việt Nam để hoạt động lừa đảo, Nghĩa và Yên đã tìm, mua 64 tài khoản ngân hàng với giá từ 500 đến 3 triệu đồng/01 tài khoản từ nhiều người để đem bán cho những người có nhu cầu nhằm thu lợi bất chính.

Từ các tài khoản mà Nghĩa và Yên đã bán, các đối tượng lừa đảo sử dụng để giao dịch, tiếp nhận, chiếm đoạt hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng từ các nạn nhân bị lừa chuyển vào.

Số tiền lừa đảo trên được Tuấn Anh và Hoa chuyển đến nhóm của Phương để mua tiền điện tử USDT (Tether USD). Tính từ tháng 9/2022 đến ngày bị bắt, Tuấn Anh và Hoa đã chuyển tổng số tiền trên 350 tỷ đồng để mua 14.973.828 USDT từ nhóm của Phương.

Sau đó, Phương chuyển số tiền này vào ví điện tử cho người cầm đầu rồi trả công cho Tuấn Anh và Hoa.

Hiện Cơ quan An ninh điều tra Công an Tây Ninh đang tiếp tục mở rộng vụ án, điều tra và bắt giữ các đối tượng liên quan khác để xử lý theo quy định của pháp luật.

Từ trái qua Ngô Xuân Phương, Ngọc Tuấn Anh và Vương Thị Hoa

Từ trái qua Ngô Xuân Phương, Ngọc Tuấn Anh và Vương Thị Hoa

Qua đây, Công an Tây Ninh khuyến cáo người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác. Tự bản thân mỗi người dân cần chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: Thông tin thẻ Căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội...

Khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo hoặc không có cơ sở xác định nội dung thì các cá nhân phải báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý. Ngoài xã hội, nếu nhận thấy đối tượng nào có dấu hiệu nghi ngờ, cần liên hệ ngay đến cơ quan Công an gần nhất để xử lý, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng, thực hiện hành vi tiếp tay tội phạm.

MINH KHÁNH

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-chong-toi-pham-tren-khong-gian-mang/bao-dong-toi-pham-tiep-tay-lua-dao-chiem-doat-tai-san-tren-khong-gian-mang_165870.html
Zalo