Báo động tình trạng sâu róm phá hoại rừng thông diện rộng
Ngày 9/5, ông Nguyễn Hải Vân, Phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cho biết: Từ cuối tháng 3 đến nay, sâu róm đã xuất hiện và gây hại hàng chục héc ta rừng thông, nhiều diện tích đang cho thu hoạch nhựa thông bị sâu róm gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất, sinh trưởng cây thông.

Sâu róm rơi xuống sâu khi phun thuốc phòng trừ. Ảnh: Công Tường/TTXVN
Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh huy động lực lượng phòng chống, ngăn chặn sâu róm gây hại trên diện rộng.
Khi chúng tôi được lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh đưa đến tiếp cận hiện trường trong cái nắng đầu mùa hạ, nhiều cây thông bị sâu ăn trụi lá. Lực lượng Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh tiến hành phun thuốc phòng trừ sâu trên các đồi dốc với địa hình phức tạp.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, sau khi phát hiện ra sâu róm gây hại, chúng tôi bố trí lực lượng tiến hành phun thuốc phòng chống sâu róm phát triển gây hại trên diện rộng. Với địa hình đồi núi phức tạp, cây thông cao, thời tiết nắng nóng nên quá trình phun thuốc phòng chống sâu rất vất vả.
Bắt đầu từ cuối tháng 3, trên địa bàn rừng thông do Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh quản lý xuất hiện sâu róm thông gây hại trên diện tích 70 ha. Đây là sâu tuổi 5, thế hệ thứ nhất năm 2025; mật độ trung bình 20 đến 30 con/cây. Sâu xuất hiện nhiều ở rừng thông thuộc khoảnh 7, tiểu khu 123; khoảnh 4, tiểu khu 126; khoảnh 11, 6, 7, 9, tiểu khu 123; khoảnh 11, 4, tiểu khu 121; khoảnh 1, 3 tiểu khu 103B.
Ngay khi phát hiện sâu róm gây hại trên rừng thông, Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh báo cáo sự việc cho các đơn vị chức năng và triển khai phun thuốc phòng trừ, giảm được mật độ sâu trong ngưỡng không gây hại nghiêm trọng đến rừng thông.

Lực lượng Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh phun thuốc phòng trừ sâu. Ảnh: Công Tường/TTXVN
Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh vừa tổ chức tiến hành phun phòng trừ tại nhiều điểm, đặc biệt là những nơi có mật độ sâu cao, đồng thời tiếp tục điều tra, theo dõi và tuyên truyền cho các hộ dân sống cạnh rừng thông biết chủ động phòng trừ bằng các biện pháp thủ công.
Trên gương mặt đẫm mồ hôi, ông Trần Văn Sơn, cán bộ Trạm bảo vệ rừng ở Cổng Khánh thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh chia sẻ: "Cách đây hai năm, sâu róm đã xuất hiện và gây hại tại đây, năm nay mật độ sâu tuy có phần ít hơn nhưng tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện nhiều lứa sâu khác. Chúng tôi thường xuyên theo dõi sinh trưởng của sâu để có kế hoạch phun thuốc phòng trừ sâu thật hiệu quả, ngăn không cho sâu phát triển gây hại diện rộng".
Trước nguy cơ sâu róm gây hại rừng thông làm ảnh hưởng đến việc khai thác nhựa và sinh trưởng của cây thông, Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh phối hợp với lực lượng Kiểm lâm huy động lực lượng người và máy phun thuốc trừ sâu tiến hành phun thuốc nhằm phòng trừ sâu róm ở tất cả diện tích bị gây hại, tiến hành phun phòng trừ 1 đến 2 lần. Tuy nhiên, do địa hình rừng thông phức tạp, cây thông đã khai thác có chiều cao 4m đến 5m nên việc phun thuốc phòng chống gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hải thông tin: Trước thực trạng sâu róm gây hại trên cây thông làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng nhựa thông khai thác, một số cây thông trụi lá có thể bị chết. Việc phun thuốc trừ sâu rất khó khăn do địa hình núi cao, dốc, mặc dù cán bộ của Ban quản lý rừng đã nỗ lực rất nhiều.
Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh đã báo cáo tình trạng sâu róm gây hại rừng thông cho Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Kiểm lâm, các Hạt kiểm lâm trên địa bàn được biết để có phương án hỗ trợ giải quyết, cung ứng thêm thuốc trừ sâu, cấp thêm các trang thiết bị đảm bảo an toàn cho lực lượng phòng chống sâu róm gây hại.